Thơ là tiếng lòng của con người, nó cất lên một cách nhiều khi rất tình cờ. Với người làm thơ vô tư, làm thơ không cầu mong bất cứ danh vọng gì...
Bởi vì Những bài thơ còn lại với thời gian, phải trải qua bao nỗi thăng trầm, thì quả thật, thơ đã được “sát hạch” bởi những bộ lọc vừa hồn nhiên vừa vô cùng khắc nghiệt.
Thơ Quang Dũng giản dị đến tận cùng, phổ cập tới mức rộng rãi nhất, dù bản thân Quang Dũng không hề “PR” cho thơ mình, thậm chí, từng nhiều tháng năm thơ ông không được phổ biến. Thơ hay luôn tự tìm được con đường đến với người đọc. Thơ Việt thì đến với người Việt. Sau ngày thống nhất đất nước, khi gặp gỡ rồi trà dư tửu hậu với nhiều bạn quê miền Nam cùng lứa tuổi, kể cả những người bạn từng ở bên kia chiến tuyến, tôi rất ngạc nhiên khi nghe họ đọc vang lên những bài thơ Quang Dũng mà họ thuộc nằm lòng từ những năm chiến tranh. Nghe thơ lúc ấy sướng vô cùng, vì thơ đến với mình một cách hồn nhiên vô tư nhất. Hóa ra, những “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ”, “Quán bên đường”, “Mây đầu ô”, “Không đề 1” (Em mãi là tuổi hai mươi)… đã vào được tâm hồn những thanh niên quê miền Nam, những người có thể chưa một lần được ra miền Bắc, càng chưa một lần biết tới “Xứ Đoài mây trắng lắm”. Chưa biết quê của thơ, nhưng biết thơ. Chưa được gặp tác giả thơ, nhưng đã gặp thơ. Vậy cũng là đủ.
Tôi nhớ, khi lần đầu đọc bài thơ “Đôi bờ” của Quang Dũng, bài thơ đã găm vào tôi một câu thơ, “Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ”. Tôi chưa kịp hiểu vì sao câu thơ ấy lại ấn tượng với mình quá đỗi như vậy? Rồi chợt nhớ ra, tôi đã từng có những tháng năm học ở Trường học sinh miền Nam Chương Mỹ (Hà Đông), cụm trường này nằm ngay bên bờ dòng sông Đáy, có khi chính vào cái đoạn sông mà Quang Dũng đã làm bài thơ “Đôi bờ"?
Câu thơ ấy của Quang Dũng có gì lạ kỳ đâu, nó bình lặng tới mức khó bình lặng hơn, vậy mà nó găm ngay vào tâm hồn một thanh niên lúc đọc bài thơ còn khá trẻ là tôi. “Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ”. Chữ “lạnh” chính là “chìa khóa” của câu thơ này. Chắc chắn, câu thơ ấy, và cả bài thơ “Đôi bờ” đã được nhà thơ Quang Dũng viết ra rất nhanh, viết một lần là xong, không cần sửa chữa gì thêm. Xin dẫn nguyên lại bài thơ ấy:
Đôi bờ
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
(1948, Quang Dũng - tác phẩm chọn lọc, NXB Trẻ, 1988)
Phải cảm ơn NXB Trẻ, ngay từ năm 1988 đã in lại tác phẩm chọn lọc của Quang Dũng, trong đó có bài thơ “Đôi bờ”. Vậy thì thơ ấy đã vượt qua một cách nhẹ nhàng sự chọn lọc hết sức khắc nghiệt để còn lại tới ngày nay. Có thể nói thêm, vì sao thơ Quang Dũng lại vào được một cách sâu sắc trong tâm hồn nhiều thanh niên quê miền Nam thời chiến tranh? Theo tôi, chính vì một lý do mà các nhà phê bình thơ Việt Nam chưa nghĩ ra: Quang Dũng quê xứ Đoài, Sơn Tây, chính là quê nhà thứ hai của các tù binh người Chàm thời Hoàng đế Lê Thánh Tông. Quang Dũng có gốc Chàm, cũng như nhạc sĩ Trần Tiến có gốc Chàm, cùng quê xứ Đoài.
Dân tộc Chàm là một dân tộc nghệ sĩ. Họ đặc biệt mạnh về âm nhạc và thơ.
Quang Dũng là nhà thơ có gốc gác như vậy.
Rất nhiều năm trước, khi viết bài đầu tiên về thơ Quang Dũng, tôi đã có cảm giác ông quê xứ Đoài nhưng gốc gác của ông ở một miền quê thật xa xứ Đoài. Từ từ, tôi mới nhận ra, Quang Dũng, cũng như Trần Tiến, có một “quê xa” là Vương quốc Chăm pa. Cứ nghe nhạc điệu trong thơ Quang Dũng, có thể nhận ra sự khác biệt, dù rất vi tế, của âm nhạc Chàm. Còn với âm nhạc Trần Tiến, thì “chất Chàm” càng rõ hơn.
THANH THẢO