Biến đổi khí hậu không còn là lời cảnh báo

.

Việt Nam vừa trải qua đợt nghỉ lễ nóng kỷ lục với nhiệt độ đo trong lều khí tượng lên đến 45⁰C. Đặc biệt, ở khung từ 13 đến 15 giờ ngày 30-4, người dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đối mặt với mức nhiệt 43-45⁰C, trong khi Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng… là 40-42⁰C.

Chưa kể, xen kẽ giữa những đợt nắng nóng, cả nước còn xảy ra hiện tượng giông, lốc, sét và mưa đá. Nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam Bộ đang đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Theo chuyên gia nhận định, đợt nắng nóng này vừa cực đoan về cường độ, vừa kéo dài nên nền nhiệt bị tích tụ khiến không khí càng trở nên ngột ngạt. So với mức trung bình nắng nóng cách đây 10-20 năm, nhiệt độ trung bình cả nước tăng 1,5-2,5⁰C.

Có thể thấy, thời tiết ngày càng nóng hơn, với các kỷ lục mới về nhiệt độ được ghi nhận trên khắp các tỉnh, thành. Sự tăng nhiệt này không chỉ đơn thuần là vấn đề thời tiết mà còn mang lại những thách thức nghiêm trọng đối với môi trường và cuộc sống con người. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự nóng lên của toàn cầu đến từ việc phá rừng quy mô lớn, khiến cho khả năng hấp thụ và giảm thiểu lượng CO2 trong không khí bị suy giảm đáng kể. Rất nhiều cánh rừng ở Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ việc phá rừng làm thủy điện, canh tác hoặc mục đích khai thác lâm sản. Chưa kể, chất thải từ ngành công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng dân cư cũng đóng vai trò không nhỏ, bởi các khí thải như CO2, methane và chất gây ô nhiễm khác đẩy mạnh hiệu ứng nhà kính, gây ra những biến đổi khí hậu theo chiều hướng cực đoan.

Thách thức lớn nhất mà con người đang phải đối mặt là những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, kinh tế, sức khỏe và cuộc sống hằng ngày. Nhiệt độ vượt quá ngưỡng 40⁰C đe dọa cuộc sống nhiều nơi trên thế giới, dẫn đến nguy cơ suy giảm sức khỏe, đặc biệt ở người già, trẻ em và người đang mang những căn bệnh nền khác nhau. Thời gian qua, các bệnh viện tại Đà Nẵng ghi nhận bệnh nhân nhập viện tăng 20-30% do thời tiết nắng nóng dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản, thân nhiệt kém, mất chất điện giải. Chưa kể, nắng nóng cũng làm cho bệnh đái tháo đường, tim mạch, suy hô hấp chuyển nặng hơn…

Nói cách khác, đợt nắng nóng kéo dài ở mức kỷ lục hay tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang “tấn công” nhiều tỉnh, thành phía Nam thời gian qua được xác nhận do hiện tượng biến đổi khí hậu và sự gia tăng của khí nhà kính trong bầu khí quyển. Hoạt động công nghiệp, phá rừng, sử dụng năng lượng hóa thạch không bền vững là những yếu tố chính gây ra sự tăng nhiệt này, chứ không đơn thuần là hiện tượng thời tiết thông thường. Nhìn trong tổng thể, sự nóng lên của toàn cầu đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ và toàn diện hơn từ con người. Bằng cách hợp tác và thực hiện các biện pháp cần thiết, chúng ta có thể giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tạo ra một môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.

Người dân nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang yêu cầu chính phủ nỗ lực hơn nữa trong công cuộc chống phá rừng, trồng rừng và chuyển sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ các nguồn năng lượng hóa thạch. Cùng với đó, chính phủ cần tăng cường kiểm soát chất thải, cải thiện các quy trình sản xuất và tiêu thụ nhằm giảm thiểu lượng chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt, đồng thời khuyến khích tái chế, xử lý chất thải một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt năm sau cao hơn năm trước cũng đặt ra bài toán về khả năng thích ứng của con người, dựa trên việc cần thiết xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, như đầu tư hệ thống làm mát, cung cấp nước sạch và hạ tầng vận chuyển phù hợp.

Nhiều chuyên gia đến thời điểm này không còn giữ được sự lạc quan trước tiến độ thực hiện các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Tại hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh” và công bố dự án “Việt Nam Xanh” diễn ra hồi tháng Tư, chuyên gia dự báo thời tiết Nguyễn Ngọc Huy (facebook Huy Nguyen) cho rằng, trong tương lai gần, các doanh nghiệp bắt buộc phải giảm phát thải carbon theo hạn ngạch bắt buộc, phải kiểm kê khí nhà kính, phải bù carbon bằng cách mua tín chỉ carbon hoặc phải thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất để có mức phát thải carbon thấp. Nếu không, các sản phẩm phát thải carbon cao sẽ phải chịu thêm mức thuế carbon mà thị trường áp đặt.

Có thể nhìn thấy những thách thức, khó khăn nhiều hơn là cơ hội ở cuộc chơi này. Nhưng dù khó thì chúng ta bắt buộc phải cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình để tiêu thụ năng lượng ít hơn, sử dụng nước ít hơn, xả thải ít hơn và trồng nhiều cây xanh hơn... để ít nhất là làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Bởi lẽ, trái đất ngày càng nóng lên kèm theo những thiên tai dị thường khó dự báo trước.

Nói cách khác, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã không còn là lời cảnh báo thông thường mà đã và đang diễn ra ở cường độ ngày càng cao. Việc thúc đẩy nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ, phục hồi môi trường, tăng cường hỗ trợ các quốc gia có nguy cơ cao sẽ là những bước đi quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững và an toàn. Cùng với đó, để sống chung với biến đổi khí hậu, mỗi cá nhân và cộng đồng cần thay đổi lối sống, chọn cách tiếp cận mới, phù hợp hơn để duy trì môi trường sống ngày càng nóng hơn. Bởi lẽ, trước biểu hiện nóng lên của toàn cầu, tất cả chúng ta đều có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính, cũng như thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ môi trường.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.