Chưa một lời yêu

.

Trời ngả về chiều, sót lại vài sợi nắng rớt nghiêng xuống vườn nhà. Thấy ba ngồi ngoài hiên uống nước chè ngó xuống ngõ với vẻ mặt buồn thiu Thắm đùa chắc là ba nhớ má phải không. Ông Năm lắc đầu nguầy nguậy bảo có nhớ nhung chi đâu, má bây đi ba càng khỏe chứ ở nhà càm ràm hoài nhức đầu dữ lắm. Thắm nhìn ba cười tủm tỉm chứ biết tỏng bụng dạ ba. Hai tuần trước, má ngồi xe đò lên thành phố nuôi chị Hai mới sinh con. Má đi buổi sáng mà buổi cơm chiều đã thấy ba ít ăn. Mấy bữa nay ba cứ lật lật mấy tờ lịch treo trên tường nhẩm tính ngày má về. Ngóng trông vậy chứ hễ Thắm hỏi ba có nhớ má không thì để con điện má về sớm là ba giãy nảy: “Già rồi, ở đó nhớ với nhung”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông Năm nói với Thắm rằng ba với má khắc khẩu. Ba tuổi Tí, má bây tuổi Ngọ là khắc nhất trong mười hai con giáp rồi còn gì. Từ hồi về ở với nhau tới bây giờ má cứ cự ba toàn những chuyện cỏn con. Má càm ràm chuyện ba hay tắm đêm rồi vào bật quạt vù vù cả đêm, chuyện ba hút thuốc, rồi cả chuyện tới bữa cơm ba ít ăn canh… Mà đâu phải má nói một lần, nói hoài làm ba thuộc lòng luôn. Tới bữa giở mùng vô giường nằm là ba biết kiểu gì má cũng nhắc ba đừng có bật quạt cả đêm. Thắm cười, khắc khẩu vậy sao ba ở với má hơn bốn mươi năm trời, đẻ một hơi ba đứa con. Ông Năm gãi đầu nói lảng sang chuyện khác chứ câu hỏi của Thắm cắc cớ vậy sao mà ông trả lời cho được.

Tối nào má cũng điện hỏi chuyện nhà cửa rồi dặn Thắm độ rày trời nắng quá buổi trưa nhớ nấu cho ba bát canh rau. Rau ngót, rau lang ngoài vườn ngắt vào mà nấu với vài con tôm cho ngọt. Ba bây hay bị nóng trong người, không ăn rau vài bữa là nhiệt miệng cho coi. Thỉnh thoảng hái chanh vào pha nước cho ba uống giải nhiệt. Má ở trên thành phố cũng nóng ruột ở nhà dữ lắm nhưng đợi chị Hai đầy tháng mới về được. Thắm bảo má yên tâm, chuyện nhà cửa dễ ợt. Rồi Thắm đùa, má nóng ruột về với ba chứ gì. Má giãy nảy y ba: “Bây nói tào lao quá, nhớ nhung gì đâu”.

Nhiều hồi Thắm nghĩ không biết trên đời này có cặp vợ chồng nào lạ lùng như ba với má. Chưa bao giờ Thắm nghe họ nói chuyện ngọt ngào hay xưng với nhau là anh em hay ông xã, bà xã giống người ta. Lúc nào cũng ông với tui bằng cái giọng quê mình nặng trịch.

***

Cuối tuần rảnh rỗi, Thắm dọn cái tủ kính chứa giấy tờ và mất vật dụng kỷ niệm của gia đình. Thấy ba mắc võng tòn ten nằm ngoài hiên Thắm hỏi tại sao trong mớ đồ kỷ niệm không có tấm hình nào của ba má hết vậy, qua nhà mấy đứa bạn chơi con thấy ba má tụi nó có nhiều ảnh đen trắng hồi xưa lắm. Ông Năm ngừng đưa võng, đưa đôi mắt nhìn xa xăm ra ngoài trời rồi nói giọng buồn buồn. Tại hồi đó ba má nghèo quá không có tiền chụp. Mà thiệt là chuyện ăn chuyện mặc còn không đủ nên chưa khi nào nghĩ tới chuyện sẽ ra tiệm chụp một tấm hình. Nhanh thiệt, ngó qua ngó lại mà đã hơn bốn mươi năm về ở với nhau rồi.

Ông Năm kể với Thắm ông bà nội mất sớm, ba thành kẻ mồ côi khi mới mười tuổi đầu. Chú thương đứa cháu côi cút nên bảo ba ôm đồ qua nhà chú ở, còn căn nhà cũ bán đi để tiền đó cho ba ăn học. Hồi đó ba đâu có ngờ thím xúi chú làm vậy để chiếm lấy căn nhà. Chú thương ba nhưng rồi cũng im lặng trước những cái liếc ngang liếc dọc, rồi những lời chì chiết sắc như dao của thím. Ba ở nhà chú ruột mà cực như người ta ở đợ. Phải phụ chuyện ruộng đồng, giữ trâu, rảnh rỗi thì ba hái rau heo, quét sân quét nhà…

Mười tám tuổi thím bảo ba vác ba lô đi kiếm chuyện làm. Lớn rồi tự nuôi thân chứ chú thím đâu nuôi được cả đời. Bước ra khỏi nhà chú thím ba chẳng có gì ngoài ba bộ đồ đựng trong cái ba lô cũ xì. Ba lơ ngơ lên thành phố làm mướn đủ chuyện từ phụ hồ, bốc vác… Ở quê lên ngây ngô không biết ba bị người ta gạt bao nhiêu lần. Hồi đó ba ở trọ cùng một đám công nhân, chủ nhà kiếm chuyện đuổi ba đi để cho người mới vào ở dù tháng đó ba đã đóng đủ tiền. Ba vẫn nhớ cái môi cong cớn thốt ra những lời đanh đá của chủ nhà. Bà ta nói nếu ba không đi thì bà sẽ quăng hết đồ ra đường.

Cô gái ở trọ phòng bên nghe thấy liền ra cãi lý với bà chủ trọ. Cô nói người ta đã đóng tiền sao lại đuổi đi, bà mà làm vậy ai còn dám ở. Mấy người phòng bên cũng chạy ra bênh vực. Vậy là ba được ở lại. Cô ấy nhìn ba rồi bảo: “Ông hiền quá, dễ bị người ta ăn hiếp lắm”. Có lần phòng trọ ba bị cạy cửa lấy sạch tiền, cũng chính cô ấy cho ba ăn nhờ cả tháng dẫu phần ăn bằng tiền lương công nhân cũng chỉ là mì tôm, gạo hẩm. Ba đi phụ hồ công việc cực quá khiến ba ốm lăn lóc, cô ấy lui cui nấu cháo rồi bưng qua nói: “ông ăn đi”. Một bữa ba lấy hết can đảm nói: “Cô về ở với tui nghe”. Vậy mà cô ấy gật đầu.

Rồi ba má dắt díu nhau về quê sau mấy năm tha hương xứ người. Có bao nhiêu tiền dành dụm ba má dồn hết mua miếng đất nhỏ xíu rồi dựng nhà dựng cửa mà ở. Rồi ba tặc lưỡi, ít ra ở quê ba còn vài người bà con họ hàng chứ má bây còn bơ vơ hơn ba nữa. Má kể cả ông bà ngoại bị nước cuốn trong một trận lũ lớn. Lũ rút rồi, còn mình má ở lại với cái nền nhà phủ đầy bùn non. Vậy là má cũng lên thành phố, tha phương cầu thực để sống qua ngày.

Thắm nhìn gương mặt buồn thiu của ba hỏi đám cưới ba má làm mấy mâm, có đông người tới dự không? Ông Năm lắc đầu nói có cưới hỏi gì đâu. Ba định làm mấy mâm đơn giản mời bà con họ hàng mà má nói thôi. Chẳng còn đồng nào trong túi, đi vay mượn mắc công phải còng lưng làm lụng mà trả. Thôi thì biết lòng biết dạ mà về ở với nhau được rồi. Giọng ba ngậm ngùi, má về làm dâu mà không có lấy một dĩa trầu cau, một chén rượu mừng, không có cả một chỉ vàng làm kỷ niệm. Ba nhìn má áy náy, má xua tay bảo buồn làm chi ba thứ lễ nghi đó...

Ngày đó, mấy thửa ruộng cày cấy nhờ nước trời, ba má trầy trật lắm mới kiếm đủ miếng ăn. Má mang bầu anh Hai bụng to vượt mặt vẫn ra đồng làm cỏ lúa. Bụng to đâu cúi người được, má ngồi lết trên ruộng mà làm. Ngày má sinh anh Hai, ba lo đến mất ăn mất ngủ. Ba rớt nước mắt nghe tiếng anh Hai bây oe oe khóc chào đời. Không nội không ngoại, ba giặt từng cái tã lót của con. Má ở cữ được nửa tháng phải ra ngoài phụ ba làm đủ chuyện chứ mình ba tới mùa lúa làm không thấu. Thêm hai đứa con nữa ra đời vẫn cứ cực y như thế. Cứ cắm cúi suốt ngày trên đồng làm lụng nuôi con, lo anh Ba bây đi học đại hoc, lo chị Hai dựng vợ gả chồng, ngoảnh đi ngoảnh lại già mất rồi.

***

Mấy tuần sau, Thắm năn nỉ hoài ba má mới chịu lên thành phố chơi mấy bữa. Má nói đi xa nhà má sốt ruột mấy con gà con vịt dữ lắm. Thành phố thì xa, ngồi xe đò mấy tiếng, thứ gì cũng đắt đỏ. Thắm cười, nói lâu lâu đi chơi xa cho thong thả một bữa. Tới bến xe đã thấy vợ chồng chị Hai và anh Ba đợi sẵn. Cả nhà lên một chiếc xe rồi đi tiếp. Má dòm ra cửa kính xe nhìn mấy dãy nhà cao tầng không chớp mắt nói bỏ má giữa thành phố này má sẽ chẳng kiếm được đường về.

Chiếc xe dừng lại trước một tiệm áo cưới. Má ngước lên tấm bảng hiệu, nhìn chiếc áo cưới lộng lẫy trong khung kính rồi quay qua nhìn mấy đứa con ngạc nhiên: “Thằng Ba sắp cưới hay sao mà đưa ba má đến đây”. Thắm và mấy anh chị tủm tỉm cười. Chị Hai nắm tay má kéo vào tiệm: “Đâu có hôm nay là ngày chụp ảnh cưới của ba má đó”.

Hôm nghe ba kể chuyện, Thắm đã gọi điện cho chị Hai. Chị Hai rớt nước mắt nói cuộc đời của ba má có bao nhiêu khúc buồn đau khổ cực mà người làm con như mình vô tâm chẳng biết. Rồi chị nói với Thắm bữa nào phải dắt ba má lên thành phố chụp một tấm hình để ba má còn có cái làm kỷ niệm.

Má nói với Thắm mấy cái tiệm sang trọng như vầy mắc tiền dữ lắm, để tiền đó lo mấy chuyện thiết thực cho đỡ phí nên cứ đòi về hoài. Chị Hai cầm đôi bàn tay nhăn nheo của má nói chụp một tấm hình treo lên tường để mai mốt còn có cái kỷ niệm chứ má, còn tiền bạc bao nhiêu cho đủ. Thấy mấy đứa con năn nỉ má đành gật đầu. Người ta đưa ra cả chục bộ áo dài, má chỉ chấm cái áo dài màu trầm nhất. Má lúng túng khi thợ trang điểm bảo má ngồi xuống ghế. Khi mái tóc xổ ra Thắm lặng người đi khi thấy tóc đã chuyển sang màu trắng hết rồi. Má ngồi im để người ta búi tóc, bôi một lớp phấn mỏng lên mặt, bôi son màu đỏ lên môi. Đó là lần đầu tiên trong đời má trang điểm.

Thắm tinh ý thấy mắt má rưng rưng khi nhìn người đàn bà xa lạ trong gương. Một người đàn bà tuổi hơn sáu mươi được búi tóc, cài hoa như cô dâu trong ngày cưới. Má đưa đôi bàn tay đầy vết chai run run sờ lên tóc, rồi vuốt ve tà áo dài như để chắc chắn người trong gương kia chính là mình. Rồi má mỉm cười, đưa mắt tìm ba. Nãy giờ ba vẫn đang loay hoay thử đồ với con trai, trầy trật mãi mới thắt được cái cà vạt. Má chăm chú nhìn ba, hơi khựng lại khi nhìn ba rất khác trong bộ đồ sang trọng. Trước mắt má không phải là người đàn ông tóc hoa râm mà là ba của thuở hai mươi, của những ngày gặp nhau nơi xứ người, của những ngày tháng mới dắt díu nhau về làm vợ làm chồng.

Chị Hai mở túi xách đưa cho ba một chiếc nhẫn vàng bảo ba tặng má làm kỷ niệm. Ba gãi đầu, nhìn mấy đứa con lúng túng. Thắm cười, ba có coi phim không? Đoạn này là ba cầm tay má, đeo nhẫn vào tay má rồi nói đại loại như anh thương em, anh yêu em chẳng hạn… Mặt ba sượng trân như chàng trai lần đầu tiên đến ra mắt nhà vợ: “Thôi, già rồi nói vậy người ta cười cho”. Nhưng rồi ba cũng lại gần cầm tay má lên run run đeo nhẫn vào. Ba nhìn má thiệt lâu mà mãi chẳng nói được câu nào.

Thợ chụp hình bảo ba má đứng sát vào nhau để tạo một tư thế thiệt đẹp. Bác trai đứng ôm eo bác gái, bác gái hơi ngả đầu vào vai bác trai. Anh thợ chỉ cả chục lần mà hai người vẫn không sao làm được tư thế đó. Mỗi lần bị tay ba chạm vào eo là má đỏ mặt đứng xích ra, còn đầu thì không cách nào ngả vào vai ba được. Anh thợ chụp hình bảo: “Hai bác lạ thật đấy, ở với nhau mấy chục năm, có cháu ngoại rồi mà e thẹn như mới yêu lần đầu”. Thắm nhìn ba má rưng rưng, anh thợ đâu có biết ba má về ở với nhau mấy chục năm nhưng lời yêu chưa nói lần nào…

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

;
;
.
.
.
.
.