Cuốn sách đầu tiên in bằng tiếng Việt

.

* Cuốn sách đầu tiên in bằng tiếng Việt có tên là gì, hiện được lưu giữ ở đâu và giá trị ra sao? (Trần Minh Thành, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt là giáo lý Phép giảng 8 ngày (tựa Latinh: “Catechismus”) của Linh mục Alexandre de Rhodes (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) - người khai sinh ra chữ Quốc ngữ của Việt Nam.

“Phép giảng 8 ngày” được bảo quản trong lồng kính, đặt ở hang đá trong khuôn viên nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: V.T.L
“Phép giảng 8 ngày” được bảo quản trong lồng kính, đặt ở hang đá trong khuôn viên nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: V.T.L

Theo Báo Pháp luật Việt Nam trong bài “Chuyện ít người biết về cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên”, cuốn sách Quốc ngữ đầu tiên này dày 319 trang, mỗi trang in thành 2 cột do tác giả Alexandre de Rhodes soạn (tên tác giả vẫn còn rất rõ trên trang sách). “Phép giảng 8 ngày” được in tại Roma (Ý) năm 1651, được Tòa thánh Vatican cho phép in và phát hành. Sách được in song ngữ bằng tiếng Latin (bên trái) và chữ Quốc ngữ sơ khai (bên phải).

Cuốn sách đang được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc. Nhà thờ được linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân) khởi công xây dựng vào năm 1892. Ông là linh mục chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này.

Nhà thờ mang tên một loài hoa bởi cách đây hơn 100 năm ở khu vực này, theo các cụ cao niên, rất ít dân cư, cây rừng che kín, trong đó có một loại cây rừng mọc rất nhiều, to lớn, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng, được người dân địa phương gọi là mằng lăng, vì có họ với cây bằng lăng. Rừng cây được người dân tận dụng để xây dựng nhà thờ vào năm 1892, rồi lấy luôn tên Mằng Lăng đặt cho ngôi nhà thờ.

Nhà thờ Mằng Lăng nằm trong khuôn viên rộng 5.000m2 giữa vùng núi rừng, được xây dựng từ năm 1892 nhưng phải 15 năm sau mới khánh thành - phóng sự ảnh “Nhà thờ trăm tuổi nơi giữ sách Quốc ngữ đầu tiên” đăng trên VnExpress.net cho biết thêm. Từ năm 2008, trong khuôn viên nơi phía bên trái nhà thờ (ngoài nhìn vào), có một hang đá được xây dựng làm nơi lưu trữ, trưng bày những hình ảnh, dấu tích... về quá trình phát triển của nhà thờ. Đặc biệt, trong hang đá còn lưu trữ cuốn sách “Phép giảng 8 ngày”.

Báo mạng bienphong.com.vn, trong bài “Cuốn sách in chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam lên hạng vô giá” cho biết, cuốn sách quý này mới đây được đưa vào hồ sơ đề xuất kỷ lục Việt Nam - giá trị vượt lên mọi sự định giá trước đó. Bài báo dẫn lời Linh mục Phero Trương Minh Thái, Chánh xứ Giáo xứ Mằng Lăng cho biết, trước đây, đã có thời gian cuốn sách được trưng bày trong khu tưởng niệm linh mục Alexandre de Rhodes để mọi du khách và giáo dân đều được thưởng lãm. Sau đó, lo sợ cuốn sách bị mục nát và hỏng vì thời tiết khí hậu biến đổi thất thường, Linh mục Trương Minh Thái lưu giữ bản gốc cuốn sách trong hộp kín và chỉ trưng bày cuốn phiên bản.

Nếu giơ cuốn sách trước đèn, sẽ nổi lên dấu in chìm trong cuốn sách của nhà in Vatican vào thời điểm năm 1651, đây là dấu tích khẳng định bản in gốc được in tại nhà in Vatican rồi lại mang sang Việt Nam và sử dụng nó trong các buổi giảng đạo. Linh mục Trương Minh Thái nhận định, vào thời điểm đó, kỹ thuật in chìm trong giấy mà chữ hoặc dấu chìm chỉ hiện lên khi giơ giấy trước nguồn sáng là một trong những kỹ thuật in tiên tiến chỉ có vài nhà in hiện đại trên thế giới có được. Cho đến bây giờ, chính vì sở hữu đặc điểm đặc biệt đó, cuốn sách càng trở nên có giá trị và trở thành vật tích muốn nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học, khảo cổ và sử học trên thế giới.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.