Điệu bolero dưới ánh trăng

.

“Lọc bớt tiếng ồn anh ơi!”; “Ồn quá, không nghe thấy gì”; “Em phải thoát live thôi, ồn quá”. Dũng lướt đọc những tin nhắn chạy liên tục trên màn hình, lượt xem tụt hẳn từ mấy ngàn xuống còn mấy trăm. Số lượt thả tim cũng giảm đáng kể. Dũng đành dừng livestream trong tâm trạng khó chịu.

Buông điện thoại, Dũng hậm hực chạy xuống sau nhà. Nào chuồng heo bầy lớn bầy nhỏ, có cả bầy vừa mới đẻ mấy ngày, chuồng gà, khung lưới chặn vịt, mấy con thỏ thấy người ra tưởng được cho ăn… Tất cả làm lên thứ âm thanh ồn ào không thể tả. Nhưng điều đó vẫn chẳng là gì so với thứ mùi hôi nồng nặc bốc lên từ không gian ấy.

Minh họa: TLAThu
Minh họa: TLAThu

Ba thấy Dũng trước, ông ngừng đổ thức ăn vào máng cho bầy heo, quay sang nói với Dũng: “Mẹ con xào bún, úp ở lồng bàn cho con ăn sáng đó. Ăn kẻo nguội mất ngon!”. Vừa tâm trạng không tốt, vừa phải đang chịu thứ mùi hôi, mà ba còn nhắc đến chuyện ăn uống, thật không hợp thời điểm chút nào.

Xa quê đã lâu, Dũng cứ đinh ninh rằng mọi thứ đã khác xưa, con người ta cũng phải văn minh hơn, tinh tế ra, nhưng Dũng đã nhầm. Ở quê mình vẫn cứ “quê một cục” như vậy. Dũng chán chẳng thèm nói, đằng nào live cũng đã dừng rồi. Với lại, nếu đứng thêm để nói với ba những câu từ định nói, chắc Dũng chịu không nỗi với mùi hôi nồng nặc này.

Anh cảm giác cả bộ đồ vía mua tiền triệu mình đang mặc trên người cũng bị mùi hôi ấy ám vào. Dũng liền quay trở lên nhà.

Dũng bước qua khỏi bậc thềm, vào gian bếp rồi mà vẫn không thoát khỏi mùi hôi. Có khi nào bị ám vào người thật rồi không? Dũng nghe nói mùi trên cơ thể con người không hoàn toàn là tự nhiên, có người cả đời gắn với nồi nước lèo phở, dù tắm rửa sạch đến đâu, vẫn ngửi thấy mùi phở. Có người hay dùng nước hoa, phấn thơm, kể cả khi không dùng cơ thể vẫn có hương thơm của thứ mỹ phẩm họ hay dùng. Nhưng ít ra phải sống trong mùi hương đó lâu, còn Dũng vừa mới về nhà ít ngày đây thôi mà. Chẳng lẽ mùi hương của phố thị mà anh gắn bó hơn nửa tuổi đời, lại bay vèo mất chỉ còn mùi nhà quê? Không thể như vậy được.

Dũng phải ra khỏi nhà thôi. Ở thị trấn chắc có hàng quán với những món ăn ngon.

Thị trấn cách nhà Dũng chừng 2km, vài lần lên ga là tới thôi, chỉ có điều nó không sầm uất như Dũng nghĩ. Những căn nhà lưa thưa bạc màu phơi mình giữa trời nắng gay gắt, vài bảng hiệu hàng quán cũng liêu xiêu, cũ kỹ. Dũng nhìn vào phía trong quán để biển hiệu Bún thịt nướng, dĩa thịt đã nướng sẵn gọn lỏn chỉ vài lát đặt trong tủ kính. Nhìn vào không có cảm giác muốn ăn. Tự dưng Dũng nghĩ đến những hàng quán nơi thành phố mình sống. Có những quán thịt nướng than hồng, bốc khói nghi ngút, thơm nức mũi.

Dũng đang lưỡng lự có nên vào không, vì nhìn ngó chung quanh chẳng còn quán xá nào để lựa chọn, thì mẹ ở đâu đi tới. Trên tay mẹ là hai túi xách nặng, có lẽ mẹ mới đi chợ về. Thấy Dũng, mẹ vui lắm. Mẹ quên mất dĩa bún ở nhà mẹ xào sẵn cho Dũng, liền hỏi: “Con chưa ăn sáng phải không? Vào đây ăn với mẹ!”.

Thì ra, cạnh quán bún thịt nướng là con hẻm nhỏ. Mẹ đi trước dẫn đường cho Dũng. Đó là hàng bún riêu không để biển hiệu, nhưng lại khá đông khách. Có lẽ dân địa phương đã quá quen nên không cần để biển hiệu. Dũng để xe bên này, đi bộ cùng mẹ qua chiếc cầu nhỏ bắc qua con mương, mới vào được hàng quán.

Từ xa, chủ quán có lẽ đã nhận ra mẹ Dũng, cô ấy nói cười đon đả. Còn hỏi mẹ: “Có phải thằng Tủn đó không?”. Dũng sầm mặt khi nghe nhắc đến “tên cúng cơm” thuở nhỏ của mình. Khi mẹ Dũng chưa kịp xác nhận lại “có phải thằng Tủn không” thì vài tiếng xì xầm ở bàn ăn khác vọng lại, Dũng quay sang thấy mấy bạn trẻ tuổi teen, đúng với lứa tuổi của fan Dũng. Một đứa nhanh nhảu: “Anh Kelly ca sĩ phải không? Đúng là anh rồi, tụi em hâm mộ anh lắm. Không ngờ được gặp anh ở đây luôn!”. Mẹ Dũng cũng nghe rành rọt từng câu từ của tụi nhỏ. Bà quay sang nở nụ cười tự hào với cô Tư, chủ quán: “Giờ thành ca sĩ nổi tiếng rồi chị ơi, đừng gọi Tủn, thằng bé bị quê”.

Cô Tư cười: “Tui biết mà, tụi nhỏ nhà tui cũng mê anh Kelly lắm. Mà giọng thằng bé hay vậy là nhờ di truyền của chị đúng không? Tui nhớ ngày xưa chị hát hay nhất trường, còn đi thi giọng ca học đường cấp tỉnh nữa mà”. Mẹ Dũng ánh lên niềm vui khi nghe bạn học nhắc chuyện ngày xưa. Đúng là bà từng có giọng hát hay. Bà còn nhớ cảm giác sung sướng mỗi khi được lên sân khấu, nhìn xuống có rất đông khán giả đang nghe mình hát, dù chỉ ở cấp giảng đường. Nhưng niềm vui đó làm sao vui bằng ngày mẹ có chị Hai của Dũng, rồi có Dũng, nên mẹ chọn gia đình, chồng con.

Lời giới thiệu của cô Tư đã lọt vào tai tụi nhỏ đang vuốt tóc, soi gương chuẩn bị xin thần tượng cho chụp chung tấm hình. Tụi nó không quên lướt ánh nhìn qua mẹ Dũng - người đàn bà gầy nhom, da nhăn nheo, chẳng có chút diện mạo gì là mẹ của ca sĩ nổi tiếng. Ý nghĩ ấy của tụi nhỏ, không dưng mà Dũng đọc ra rất nhanh. Anh cũng thấy chột dạ. Từ khi mới xuất hiện đến giờ, Dũng chưa từng chia sẻ chuyện gia đình cũng như đời tư. Trong khi Dũng cố chải chuốt vẻ ngoài của mình cho thật sành điệu, thật thời trang, thì mẹ lại hom hem trong chiếc áo bà ba và quần màu đen với hai ống quăn lên như hai lò xo. Dũng thấy ái ngại.  

***

Mẹ Dũng thì khác, từ lúc ở quán bún riêu cô Tư về, mẹ cứ tủm tỉm cười. Trong bữa ăn, ti vi phát bản nhạc với hình ảnh cặp đôi trong trang phục học sinh chở nhau trên chiếc xe đạp nơi con đường ngập sắc hoa phượng, mẹ nhìn hoài. Hình như ba cũng đoán ra điều gì đó, ông rủ: “Để bữa nào tui kêu con Hai đưa cặp loa kẹo kéo sang hát nha!”. Mẹ như bị bắt quả tang, phản ứng rất nhanh: “Thôi, ồn ào hàng xóm”. Nói vậy, nhưng cả Dũng và ba đều đoán được mẹ rất muốn cầm mic hát bài Phượng hồng, như trong bức ảnh trong cuốn album mà Dũng thấy mẹ hát ở hội thi văn nghệ.

Giữa trưa, lúc Dũng đang chuẩn bị phát live để gặp gỡ fan thì điện vụt tắt. Trời ơi là nóng. Cái nóng ập tới rất nhanh khi điều hòa vừa tắt. Mồ hôi lấm tấm trên cổ, trên trán, sau đó là nhiễu giọt chạy dài trên làn da Dũng. Nếu điện không có trở lại, Dũng không thể live được. Ý nghĩ ấy khiến Dũng thấy bức bối hơn cả cơn nóng hừng hực giữa trưa hè. Bởi đây là buổi live được báo với fan cả tháng trước. Cũng là dịp kỷ niệm 3 năm kể từ buổi live đầu tiên, nhờ fan yêu thương ủng hộ mà tên tuổi Dũng mới vụt sáng như bây giờ. Dũng muốn dành buổi live để tri ân fan. Anh còn hứa sẽ tặng những món quà nho nhỏ cho những fan may mắn trong buổi live, vì vậy mà được đón đợi lắm.

Mẹ đẩy cửa phòng bước vào Dũng thông báo: “Điện cúp đến chiều đó con”. Bao nhiêu cơn tức giận của Dũng vô duyên vô cớ đổ dồn lên mẹ: “Trời ơi, sao mẹ không báo con biết sớm. Lỡ hết công việc của con rồi”. Mẹ Dũng vân vê vạt áo, như thể đó là lỗi của mình thật. Dũng ngồi thụp xuống nền nhà, vẻ mặt khổ sở: “Biết vậy con ở trển cuối tuần này cho xong”.

Có lẽ Dũng phải đi gấp. Mà từ đây lên thành phố ít nhất cũng mất 4 tiếng đồng hồ, khi ấy, đã tan hết cả buổi chiều còn đâu. Dũng đi ra đi vào tính xem có cách nào cứu vãn được không. Anh không thể mất kết nối với fan một cách vô trách nhiệm như vậy.

Cuối cùng, Dũng chọn rời đi trong ánh mắt buồn hiu hắt của mẹ và ba thì chẳng thèm trở mình khi nghe lời chào của Dũng.

Ra đến cổng, Dũng thấy chị Hai vừa xuống từ xe anh rể, ôm cái loa kẹo kéo bự chảng. Chị nhìn chiếc vali kéo trên tay Dũng, đoán ra câu chuyện, chị đẩy Dũng vào bóng râm từ tán cây trứng cá trước cổng nhà. Chị nói ngắn gọn thôi, nhưng Dũng ngoan ngoãn kéo vali quay trở lại nhà.“À, còn cái này nữa” - chị Hai đưa cho Dũng chiếc quạt chạy bằng pin, nói: “Mẹ biểu chị mang qua cho em”.

Dũng chốt cửa phòng, thay đồ rồi nằm vật ra nền nhà, nước mắt anh ứa ra lúc nào không hay. Phải chi chị Hai la mắng Dũng như bao lần khác, thậm chí là đánh đập Dũng, Dũng còn thấy dễ chịu hơn. Đằng này, chị nói mà như khóc với Dũng: “Bác sĩ nói mẹ chẳng còn được bao nhiêu ngày nữa. Em ráng ở lại cho mẹ vui”. Dũng nhớ lại vài lần trước, mỗi lần chị gọi Dũng về nhà, Dũng đều cáo bận. Chỉ đầu tuần rồi, chị nói tha thiết quá nên Dũng về.

Dũng nhớ lại chiếc khăn lam mẹ đội trên đầu cả ngày, một lần gió tốc bung rơi khăn, Dũng chẳng còn thấy sợi tóc nào trên đầu mẹ. Mẹ vẫn cười hiền lành: “Để tóc trời mùa này nóng quá con à”. Dũng nhớ trong cơn ho quặn mình, mẹ ráng chạy ra sau nhà để không làm ảnh hưởng đến buổi live mỗi tối của Dũng. Dũng có thể hỏi han, quan tâm fan mỗi ngày qua màn hình điện thoại, nhưng chẳng bật thành câu hỏi xem mẹ có đang đau ở đâu không?

Dũng trách bản thân, trách người thân, sao không ai nói cho Dũng biết căn bệnh bấy lâu nay của mẹ? Hay họ có nói, trong những cuộc điện thoại vội vã, vì Dũng còn phải dùng điện thoại để kết nối với fan, nên Dũng đã ngắt kết nối với người nhà?

***

Dưới ánh trăng, gió đồng quê mát rượi, Dũng ôm guitar say sưa đàn hết bản này đến bản khác cho mẹ với ba hát. Từ Con đường xưa em đi, Vùng ngoại ô, Sao chưa thấy hồi âm, đến Phượng hồng, Mùa xuân đầu tiên… 

Có những bài Dũng dạo đầu mãi mà mẹ chẳng bắt nhịp để vào được, Dũng cúi xuống cho gần với mẹ, thì thầm: “Để con bắt nhịp trước rồi mẹ vào sau nha!”. Khi ấy, mẹ mới tự tin hát theo Dũng. Giọng Dũng trầm ấm, chỉ quen hát nhạc trẻ, nay chuyển sang hát nhạc xưa nghe gần gũi, tha thiết hơn hẳn. Giọng của mẹ khàn đục và yếu, nhưng vẫn rất cảm xúc. Mẹ hát như thể thả hồn mình vào từng âm điệu, ca từ, thỉnh thoảng nhìn Dũng với ánh nhìn trìu mến, yêu thương. Điệu bolero qua ngón đàn điêu luyện của Dũng cứ thế trải dài theo ánh trăng đồng quê mát rượi, kết nối những yêu thương.

Dũng nhận ra, đó là buổi hát live nhiều cảm xúc nhất với mình, dù chẳng có bất cứ fan, hay lượt thả tim, like nào. 

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.