Hành lý long đong

.

Đứng cạnh băng chuyền, dễ nhận ra hành lý của một chuyến bay quốc tế, bởi những vali cỡ lớn, những ba lô loại du lịch, leo núi hầm hố, những thùng hàng bự được dán kèm thông tin danh tính. Mớ vật chất có vẻ ngoài tự tin, chắc chắn, bất kể có mớ dây đai hành lý khẳng định thêm điều ấy hay không. Hành lý của các chuyến bay giá rẻ cũng dễ nhận diện, theo hình thái khác, mong manh tạm bợ hơn.

Trôi nổi cùng băng chuyền, đôi lúc bạn sẽ gặp những thùng xốp, thùng giấy các tông được bao bọc sơ sài, bởi loại dây thun co giãn vốn được dùng để ràng hàng hóa chở sau xe máy, hoặc băng keo kéo xiên xéo tùy hứng không theo một trật tự nào. Sẽ gặp một vali gãy bánh xe. Một cái túi xách cũ sờn bung đoạn chỉ may, dù đã được cài lại bằng kim tây vẫn thấy rõ bên trong chừng như là món đồ chơi con nít. Thi thoảng, dưới sự quăng quật không nương tay của nhân viên mặt đất phục vụ chuyến bay, đã làm bung bét phéc mơ tuya một chiếc túi xách phơi ra vài bộ quần áo, mấy gói mì tôm, cái cối đá xám mẻ miệng, chai nước hoa xịt phòng, mớ lá trầu gói trong bọc ni-lông. Vật chất phơi ra trước cuộc đời sự bạc màu, quăn mép, nhưng vì rời rạc nên vẫn giữ được độ mờ, khi nhìn vào bạn vẫn không đoán được thân phận của kẻ đang cưu mang chúng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngay đằng sau ông, một cô gái đang dùng thân mình để nện vào cái vali không cách nào khép miệng, sau khi cô nhét lại vào nó vài ba bộ quần áo cô vừa tháo khỏi người. Phải cô không, kẻ loay hoay cạnh cái cân hành lý, trước lúc vào quầy làm thủ tục bay? Thứ dùng để đo trọng lượng nọ (và cả khung đo hành lý), ở sân bay, chúng còn có thêm công dụng cảnh báo, kiểu “coi chừng tui, quá khổ thừa cân bạn sẽ hao tổn một mớ tiền”. Những hành khách không mua sẵn gói cước hành lý bỗng mất tự tin trước chúng. Sau cuộc đong đo, kẻ thở phào, lại có người phải làm bài toán trừ, buộc bỏ ra vài ba thứ nào đó hành trang cho nhẹ bớt. Rốt cuộc thì cái cân ở sân bay làm sao cân được trọng lượng nỗi lo về khoản phụ phí hành lý khi mà giá chuyến bay ngày càng đắt đỏ, nỗi đắn đo trước mớ vật chất dôi dư, sự toan tính làm cách nào để không bỏ rơi bất cứ gì, và một cảm giác như thể hổ thẹn, như thể bất cần khi phải sành soạn đồ đạc của mình hoặc mặc vào người vài ba lớp áo quần trước một đám đông qua lại.

Nhưng biết đâu, đám người vẻ như bình thản băng qua đó, ngay đêm trước hay nửa ngày trước cũng khổ não với hành lý mang theo. Bao quần áo này liệu rằng đã đủ cho chuyến đi chưa, đủ chống chọi giá rét/ nóng bức miền ấy, chỉ còn mỗi một chỗ trống chọn gì giữa máy sấy tóc và bàn ủi, đã túi đựng áo vét lại cầm thêm túi giày thì lỉnh kỉnh quá không, nên mang vali hay ba lô thì tiện hơn cho một hành trình nhiều chặng. Đi đã vậy mà về cũng nặng nghĩ, những thứ mua làm quà biết chứa chấp vào đâu, và ngăn nào dành cho mớ quần áo chưa mặc tới, liệu với mớ đồ đạc lủ khủ này, mình sẽ chờ ở băng chuyền bao lâu, có kịp thời gian bắt kịp chuyến xe buýt cuối ngày.

Thường thì bạn sẽ không thấy hành lý mình trĩu nặng, cho đến khi vói nhìn theo làn khói của chuyến xe cuối tan nhanh phía cuối đường, khi ngó vào hình ảnh chính mình hệt một cỗ máy chở hàng trên vách kính nhà ga, hay khi hủy bỏ chuyến thăm cô giáo cũ, bởi không thể tay xách nách mang mọi thứ bên người. Chỉ một chiếc vali cũng đủ ngăn trở bạn ghé vào một bảo tàng, một di tích nào dù có được vài giờ đồng hồ rảnh rỗi trước giờ bay.

Nhưng sự nặng thi thoảng không nằm ở hình khối, trọng lượng. Bạn hay nhớ người đàn ông trung niên xăm trỗ từng ngồi cạnh mình trong một chuyến bay đêm, người khư khư ôm chặt cái ba lô bạc phếch vào lòng. Tiếp viên thuyết phục rằng ngăn chứa hành lý ngay trên đầu, anh nguầy nguậy nói không. Bảo anh hay là đặt ba lô xuống phía chân cũng bị gạt đi, “cứ kệ tôi, vầy là được”. Cảm giác như anh đang giữ một ba lô đầy vàng, hay trong ấy có thứ gì dễ vỡ. Cả khi khay bàn ăn được mở ra, người không thể xoay trở được vì quá chật, anh vẫn ghì níu ba lô. Vuốt ve làn da bạc nắng gió của nó, anh nói nhỏ, “má, ăn điểm tâm đi nè, bánh mì trên này hơi khó nuốt, về tới nhà con cúng món bún cá má ưa”.

Lúc anh xốc ba lô lên vai ra khỏi máy bay, người anh oằn xuống. Cả ánh mắt cũng trĩu, tối. Nghĩ, chỉ bà má anh, người đang hiện hữu bằng chút tro trong ba lô kia, là nhẹ tênh đây đó với hành lý thênh thang hư vô, đầy ngập hư vô.

NGUYỄN NGỌC TƯ

;
;
.
.
.
.
.