Hỗ trợ giải pháp xử lý bụi mịn làng nghề đá

.

Sau 2 ngày tìm hiểu thực tế sản xuất, kinh doanh tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), 60 sinh viên thuộc Chương trình Learning Express (LEX) mùa thứ 7 do Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) phối hợp Trường Singapore Polytechnic tổ chức đã đưa ra một số giải pháp xử lý bụi mịn nhằm bảo vệ sức khỏe người dân địa phương.

Nhóm sinh viên bàn bạc các giải pháp, ý tưởng thiết kế sản phẩm xử lý bụi mịn tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước. Ảnh: K.N
Nhóm sinh viên bàn bạc các giải pháp, ý tưởng thiết kế sản phẩm xử lý bụi mịn tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước. Ảnh: K.N

Nguyễn Mạnh Chiến, sinh viên Khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa cho biết, qua quan sát thực tế sản xuất, kinh doanh tại làng nghề, nhóm sinh viên nhận thấy môi trường không khí ở đây có nhiều bụi mịn, xuất phát từ việc cắt đá tạo phôi và mài đá tạo sản phẩm. Bụi mịn không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân địa phương. Khi hít phải, các hạt bụi siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây ra các bệnh lý đường hô hấp, tim mạch, thậm chí ung thư. Trong môi trường có nhiều bụi mịn đó, lo ngại về sức khỏe đã trở thành một vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết.

"Chương trình Learning Express (LEX) với các kỹ năng tư duy thiết kế (Design Thinking) là mô hình giáo dục hiện đại và đáng tin cậy dành cho sinh viên. Qua đó, cung cấp cho sinh viên cả kiến thức và môi trường thực tế để nâng cao năng lực, thúc đẩy ý thức sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng địa phương. Trong quá trình tham gia, sinh viên chia thành các nhóm thực hiện nội dung học tập và trải nghiệm thực tế tại các làng nghề. Từ kết quả khảo sát, các nhóm ứng dụng phương pháp Design Thinking để xây dựng và đưa ra các ý tưởng, mô hình, giải pháp có thể áp dụng vào thực tế của địa phương”

TS. Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Phó trưởng phòng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bách khoa

Dựa trên kết quả khảo sát và mong muốn của người dân, nhóm sinh viên đề xuất thiết kế một thiết bị hút bụi và tái sử dụng lại lượng nước dùng để giảm nhiệt độ máy cắt trong quá trình mài, cắt đá. Cơ chế hoạt động như một chiếc máy hút bụi, có thể gắn vòi hoặc tháo ra nên có thể đặt máy hút ở gần công nhân lúc làm việc hay dùng vòi hút linh động dọn dẹp khắp phân xưởng. Chiến cho biết, bên cạnh chức năng hút bụi mịn, thiết bị này có thể lọc lại lượng nước đã dùng. Hỗn hợp gồm bụi, đá mịn hoặc đá nhỏ sẽ đi qua hệ thống lọc và cho ra nguồn nước sạch, an toàn. Nước sau khi lọc có thể tái sử dụng hoặc dùng dọn dẹp, tưới cây. Lượng bụi từ máy hút sẽ dùng làm nguyên liệu cho các sản phẩm mỹ nghệ theo kỹ thuật đúc, sản xuất gạch, xi măng…

Chung nhóm thiết kế, Huỳnh Hồ Huy Hoàng, sinh viên của trường, nói rằng để tham gia chương trình LeX, bản thân phải vượt qua các vòng tuyển chọn về trình độ ngoại ngữ, năng lực học tập và kỹ năng xử lý tình huống. Từ những yếu tố bắt buộc trên, sinh viên có thêm động lực nghiên cứu và trưởng thành trong môi trường học tập. Bên cạnh đó, Hoàng có điều kiện nâng cao kỹ năng phối hợp nhóm, mạnh dạn đưa ra những đề xuất trong quá trình thiết kế trang thiết bị phục vụ đời sống cộng đồng.

Quá trình khảo sát, nhóm sinh viên cũng triển khai chiến dịch tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, qua đó nâng cao nhận thức về tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe và cách thức phòng tránh hiệu quả. TS. Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Phó trưởng phòng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bách khoa cho biết, đề xuất của nhóm sinh viên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng và chính quyền địa phương, mở ra hướng đi mới cho công cuộc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nhà trường hi vọng rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, giải pháp này sẽ sớm được triển khai, áp dụng rộng rãi, góp phần làm giảm đáng kể ô nhiễm bụi mịn tại làng nghề đá và các ngành công nghiệp tương tự.

KỲ NAM

;
;
.
.
.
.
.