Cánh

.

Một câu chuyện cổ xưa mà người ta vẫn nhớ, về một nàng tiên bay xuống trần chơi, bị người phàm (kẻ sau này là chồng nàng) trộm đi đôi cánh. Mắc kẹt lại nơi chốn xa lạ, nàng làm vợ, làm mẹ, bà, làm bếp, làm đồng, làm mọi thứ có thể, trừ bay. Rồi một ngày kia nàng tình cờ tìm được đôi cánh của mình, và biến mất vào bầu trời xa thẳm. Kết cuộc nọ làm câu chuyện khác biệt với hàng loạt câu chuyện cổ quen thuộc, khi mà người góc biển kẻ chân trời, không cùng nhau hạnh phúc trọn đời.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đó là cú vỗ cánh mở ra một khoảng không thăm thẳm, mà trẻ con khi đọc qua một lần đã bải hoải hết muốn hoặc hết dám đọc lại. Buổi chiều khi mẹ dặm lúa ngoài ruộng về, ngó bả vai bén ngót của mẹ nhấp nhô sau làn áo đẫm mồ hôi, tụi nhỏ liên tưởng tới dấu tích của đôi cánh thất lạc, một ngày nào đó khi tìm được nó, liệu bà sẽ bỏ chúng mà đi? Mẹ có giấu cơn nhức nhối mỗi khi trở trời như ông nội chúng vẫn thường than đau chi ma ở đoạn chân phải đã nằm lại chiến trường? Những lúc chăm chăm ngó trời, có phải mẹ nhớ về miền mây cũ?

Những bà mẹ hóa giải biển âu lo trẻ con bằng trận cười ngất, nói đọc sách cho nhiều rồi đầu óc để trên trời. “Ờ thì cánh tiên, mẹ đem đốt làm thuốc mất rồi, lần con bị trận sốt thương hàn đó”, bà mẹ nọ nói. Một bà mẹ khác bảo bà đem cánh bán ve chai lâu nay, còn đâu nữa mà bay. Những bà mẹ không có tính hài hước thì phẩy tay nhẹ bẫng, ôi trời, cổ tích chỉ xạo thôi, làm gì có thật, mấy đứa nhìn đi, chim ăn khế mà có trả vàng đâu, ống tre toàn mối mọt, kiếm đâu ra nàng Út.

Nhưng cú vỗ cánh chỉ biến mất trong tâm trí những đứa nhỏ vô tư lự, không phải tất cả chúng đều quên. Một số đứa, với trí tưởng tượng, lòng trắc ẩn, sự nhạy cảm quá mức, vẫn âm ỉ nghĩ về đôi cánh thất lạc (mà chúng tin rằng nó lợp bằng những lớp lông trắng muốt, mịn mượt, không thấm nước, có thể giang rộng bằng cả hai sãi tay cộng lại), thứ có liên quan mật thiết tới những cái thở dài của mẹ, những lần nước mắt vội lau và đổ lỗi cho khói bếp, hay sự biến mất đột ngột của một người đàn bà bên xóm. Đàn ông cũng biến mất, nhưng họ bỏ lên rừng, theo vợ bé, đi làm mướn, trốn nợ. Đàn ông không có cánh, họ chỉ giấu cánh vợ mình.

Chi tiết đó sau này được nhắc đi nhắc lại trong bài diễn thuyết của những nhà hoạt động nữ quyền, “các bạn chớ bao giờ thỏa hiệp, đừng để bất cứ ai tước đoạt cánh của mình, dù nhân danh tình yêu”. Với họ, cánh là biểu tượng của tự do, thứ người phụ nữ có được mãi sau nhiều lần hóa thân, lột xác. Nhưng rồi có kẻ tước đôi cánh đi không chút tiếc, bù vào mất mát bằng mấy thứ tầm thường kiểu như chiếc nhẫn vàng, tờ giấy đăng ký kết hôn, một đám cưới rình rang làng xóm. Và vài ba đứa trẻ ra đời như nút thắt, xiết chặt thêm, tẩm mật thêm vào những trói buộc ngọt ngào.

Câu chuyện cổ xưa vốn không có hậu, dưới diễn dịch cay đắng, sự liên tưởng táo bạo, đã mất chút hư ảo cuối cùng. Truyện trở nên trần trụi với nạn nhân và kẻ phản diện, với bài học rút ra rằng yêu thương trói buộc là thứ yêu thương độc hại, những biểu tượng kiểu như cuộc bay về trời là “cú đập cánh của tự do”. Đừng bao giờ thôi hy vọng, thôi tìm kiếm đôi cánh của chúng ta, những nhà đấu tranh vì bình quyền hùng hồn nói. Nhưng họ bối rối không biết dùng lý lẽ gì với những người đàn bà tự cắt bỏ cánh, hoặc không còn nhớ mình từng có cánh, không có ý niệm nào về cánh.

Cũng như họ chẳng thể nào cất nên lời chuyện hồi mình còn con nít, đã chứng kiến mẹ khóc bên sào phơi, hàng lơn nước. Tin rằng mẹ đang nhớ cánh, nhưng đứa trẻ đó tuyệt nhiên không có ý định giúp mẹ tìm lại thứ thất lạc. Giả như có tình cờ nhìn thấy nó, đứa nhỏ cũng chỉ chọn cách làm ngơ. Chừng nào mẹ không có cánh, thì chừng ấy mẹ còn ở bên mình.

NGUYỄN NGỌC TƯ

;
;
.
.
.
.
.