Chuyện nghề báo

Những người góp lửa

.

Cuộc gặp với những cộng tác viên kỳ cựu của Báo Đà Nẵng như nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng; nhà văn, nhà báo Trương Điện Thắng hay nhà thơ Thanh Thảo trong dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024) khiến chúng tôi quên đi cái nóng hanh khô của mùa hè. Sau cánh cửa phòng viết, chỉ có những khoảng lặng về người, nghề, về tâm tư, tình cảm của họ dành cho thành phố Đà Nẵng và tờ báo cùng tên.

1. Nhà nghiên cứu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng hồi tưởng những năm tháng xưa cũ. Những năm 1981, ông công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, phụ trách môn Văn toàn tỉnh và tham gia giảng dạy các đội tuyển học sinh giỏi trên toàn quốc. Lúc này, ông thi thoảng cộng tác viết bài cho Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ở lĩnh vực văn chương, văn học, về cách dạy và học Văn. Từ năm 1997-2014, khi là bí thư quận ủy rồi Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy… ông tiếp tục cộng tác Báo Đà Nẵng về văn hóa và chủ yếu là mảng chính trị.

 

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng.  Ảnh: NVCC
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng. Ảnh: NVCC

Về cơ duyên cộng tác với Báo Đà Nẵng, ông xem đó là niềm yêu thích và là công vụ của người cán bộ, ông bày tỏ, những chuyến đi công tác tại nước ngoài, tối đến, ông lại “cày bài” gửi về Báo Đà Nẵng để báo cáo cho Đảng bộ, nhân dân thành phố về kết quả chuyến đi cũng như sự học hỏi, giao lưu với các nước, góp phần vào sự phát triển thành phố. Nghỉ hưu, năm 2014, ông làm Bí thư Đảng đoàn và là Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố. Đó là nhân duyên cũng như cơ hội để ông tiếp tục cộng tác với Báo Đà Nẵng đến nay. Lúc này, ông có nhiều bài viết quan tâm đến thời cuộc, bắt nhịp sự đổi thay từng ngày của thành phố, điều này góp phần lớn làm nên thành công của Báo Đà Nẵng hằng ngày cũng như Đà Nẵng cuối tuần ở đa dạng các lĩnh vực từ thời sự, văn hóa, các đề án đổi mới, an sinh xã hội 5 không, 3 có, 4 an và vấn đề chủ quyền biển đảo…

“Sau khi nghỉ hưu, tôi xem việc cộng tác với báo là nơi giúp tôi nối tiếp công việc, dự định dở dang khi còn đương chức nhằm gửi gắm cho đồng nghiệp đi sau. Đặc biệt, ở lĩnh vực văn hóa, qua các bài viết, tôi nghĩ cần có sự đổi mới nhận thức, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng văn hóa là soi đường cho quốc dân đi và phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Để làm được, thì cần rất nhiều bàn tay khéo léo, sự chung tay của của xã hội nhằm góp phần thay đổi, phát triển trong tương lai. Tôi cho rằng, Báo Đà Nẵng chính là diễn đàn, là sân chơi, đôi lúc dành vị trí ưu tiên để tôi thông qua câu chữ nói lên suy nghĩ… tôi rất trân trọng, biết ơn về điều này”, ông chia sẻ.

Trò chuyện cùng ông, tôi cảm nhận rằng, ông yêu thành phố đến lạ thể hiện trong từng hơi thở, ánh mắt, nụ cười. Và với lợi thế là th ầy giáo dạy văn, ông đã có cái nhìn sâu sắc, đôi lúc có sự mềm dẻo về yếu tố con người và có khi cứng rắn trong vấn đề chủ quyền biển đảo. Đó là yếu tố giúp ông có thành công lớn trong cuộc đời làm chính trị.

2. Nhắc đến nhà văn, nhà báo Trương Điện Thắng, chắc hẳn ai trong giới làm nghề báo ở Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đều biết đến ông. Có lẽ sinh ra tại Quảng Nam nên những bài viết, tập sách ký sự ông cho ra mắt mang chất riêng, “rặt Quảng” về con người, văn hóa, vùng đất… Gặp ông, tôi như vỡ lẽ, mở rộng hiểu biết kiến thức về con người, vùng đất xứ Quảng cũng như cơ duyên đến với Báo Đà Nẵng. Ông bộc bạch, năm 1977, nhà thơ Chính Ngôn, lúc ấy là Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng chọn tập thơ ông đăng trên số báo xuân. Nhờ vậy, thời gian sau đó, ông tiếp tục cộng tác những bài thơ, ký sự và các bài viết mang tính thời sự. Lúc này, từ một cán bộ làm ngành nông nghiệp, ông bỗng nhiên trở thành cộng tác viên đắc lực của tờ báo.

Ông còn nhớ, cụ Chính Ngôn (Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Sâm) hay động viên ông rằng: “Bọn mình có một cộng tác viên làm việc ở cơ sở như cậu là rất có lợi. Bao nhiên vốn liếng chất liệu ở cơ sở các phóng viên không thể nào biết hết”. Thỉnh thoảng, cụ Chính Ngôn ghé nhà ông vào cuối tuần trò chuyện và ông lại học thêm nhiều kinh nghiệm từ cụ. Sau cụ Chính Ngôn, ông dần làm quen và có cơ hội cộng tác với các đàn anh Lê Văn Thuận, Hoàng Trà, Ngô Quy Nhơn, Hồ Duy Lệ và các anh chị lãnh đạo ở Báo Quảng Nam - Đà Nẵng thời ấy.

“Khi tôi chuyển công tác về tạp chí Đất Quảng, Báo Thanh Niên cho đến ngày nghỉ hưu, đôi lúc khá bận rộn làm công tác quản lý nhưng tình cảm đối với các anh chị ở Báo Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn là "bát nước đầy”… với nhiều thể loại bài báo và sáng tác”, ông Thắng nói.

Nhà văn, nhà báo Trương Điện Thắng nhìn nhận, một tòa soạn báo cần những đức tính mà nhà báo bình thường không thể có. Người ấy, ngoài nghề viết, tài thẩm đọc, nghĩ ra các đề tài, cần một đức tính đầy sự hy sinh là luôn có sự kết nối với các chuyên gia, các cộng tác viên… Việc coi cộng tác viên như đồng nghiệp, bạn bè giúp mối liên hệ càng khăng khít, đôi lúc lại bổ sung cho nhau ý nghĩ, mở rộng đề tài, khơi gợi rất nhiều ý tưởng… Tất cả điều đó làm cho tờ báo hay hơn và thu hút bạn đọc. Nhờ vậy, đến nay, ông vẫn đồng hành và cộng tác với Báo Đà Nẵng như một lẽ tất yếu.

3. Trong hành trình miệt mài sáng tác với loạt trường ca, hàng chục tập thơ, bút ký và tiểu luận văn học và được ghi nhận là cây bút có giọng thơ sâu sắc, giàu hình ảnh, nhà thơ Thanh Thảo dành một góc nhỏ cho Báo Đà Nẵng với những tác phẩm đẹp cả về câu chữ lẫn nội dung. Trao đổi qua email, ông kể: “Tôi bắt đầu cộng tác với Báo Đà Nẵng từ năm 1985, thời anh Ngô Quy Nhơn làm Tổng Biên tập. Tôi là nhà thơ, nên hồi đó cộng tác chủ yếu bằng những bài thơ in báo cuối tuần. Có một bài thơ tôi in Báo Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1985 có nhan đề “Tôi chào đất nước tôi”. Bài thơ đã được in gần 40 năm là một trong những tác phẩm mà nhà thơ Thanh Thảo yêu thích nhất. Cho đến bây giờ, khi có nhiều bài báo ưng ý khác được đăng tải trên Báo Đà Nẵng, đây vẫn là tác phẩm đáng nhớ trong những trang viết ông dành cho tờ báo của thành phố bên sông Hàn. 

Nhà thơ Thanh Thảo.
Nhà thơ Thanh Thảo.

Và mới đây, tháng 5-2024, ông kể câu chuyện xúc động về chú chó mình từng nuôi có tên Mi Mi qua một bài viết có tên “Tôi thương Mi Mi” trên Báo Đà Nẵng cuối tuần. Trong đó, ông nhớ về bài thơ “Mi Mi” viết năm 1998 tiễn biệt chú chó cưng với những câu thơ giàu tình cảm: “xếp hàng hàng ngọn gió/ nhấp nhô rạng đông/ con bay trên bốn chân/ gương mặt lành nhất một ngày buồn/ và đôi tai rung khẽ bóng đêm” được dịch sang tiếng Hà Lan, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Năm nay đã qua tuổi 78, nhà thơ Thanh Thảo vẫn miệt mài viết, vẫn dành cho Báo Đà Nẵng sự quan tâm đặc biệt với mong muốn tờ báo không ngừng phát triển, ngày một lan tỏa rộng rãi với bạn đọc không chỉ trong phạm vi thành phố. Ông nói: “Hiện nay có nền tảng khá vững chắc để vươn lên cùng thành phố Đà Nẵng, một “Thành phố đáng sống” như cả nước đã công nhận. Nếu cần phát triển thêm về chất lượng báo chí, thì có lẽ nên nâng cao thêm phần những bài viết về văn hóa và du lịch - hai lĩnh vực mà Đà Nẵng đang rất cần nâng cao và phát triển. Dĩ nhiên, trong lĩnh vực văn hóa thì luôn có phần văn học - nghệ thuật. Báo Đà Nẵng đang có những cộng tác viên tâm huyết về lĩnh vực này, trong đó có tôi”.

Những cộng tác viên như nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, nhà văn, nhà báo Trương Điện Thắng, nhà thơ Thanh Thảo và nhiều cây bút khác, là một phần đặc biệt của Báo Đà Nẵng trong hành trình phụng sự bạn đọc và đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

TƯỜNG VY - XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.