Chuyện nghề báo

Nơi lưu giữ những ký ức tự hào

.

Một buổi chiều cận kề Tết Giáp Thìn 2024, tại lễ phát động hiến tặng hiện vật phòng truyền thống Báo Đà Nẵng , những người làm báo với tuổi đời còn non trẻ như chúng tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến ông Trần Nùng, con trai nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh (chủ bút tờ Giải phóng Quảng Đà, tiền thân của Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng ngày nay) trao tặng bức thư của cha mình viết ngày 15-8-1965 gửi Ban Tổ chức Trung ương bày tỏ nguyện vọng muốn về chiến đấu cùng đồng bào, đồng chí tại quê nhà.

Nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh là một trong hai chủ bút tờ Giải phóng Quảng Đà đã chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Khu 5 cách đây hơn 40 năm. Người còn lại là nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, nguyên Phó Tổng biên tập, Bí thư Chi bộ tờ Giải phóng Quảng Đà, hy sinh tại căn cứ Hòn Tàu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước…

Nhà báo - liệt sĩ, Tổng Biên tập Báo Cờ Giải phóng Trần Văn Anh và vợ - bà Hoàng Thị Hường và con gái đầu Trần Anh Tuyến - năm 1959. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Nhà báo - liệt sĩ, Tổng Biên tập Báo Cờ Giải phóng Trần Văn Anh và vợ - bà Hoàng Thị Hường và con gái đầu Trần Anh Tuyến - năm 1959. (Ảnh do gia đình cung cấp)

1. Hòn Tàu là ngọn núi cao nhất trong dãy núi chạy từ Trường Sơn xuống đồng bằng miền Trung. Nhờ địa thế hiểm trở, từ năm 1968 đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước, Đặc khu ủy Quảng Đà xây dựng căn cứ ở Hòn Tàu nhằm chỉ huy chiến dịch giải phóng vùng đất rộng lớn Quảng Đà. Theo lịch sử ngành tuyên huấn, nơi đây có vị trí đắc địa để giấu quân, lui quân và để triển khai quân đi các nơi theo yêu cầu của cuộc kháng chiến. Cũng chính nơi đây, những cây bút Hoàng Kim Tùng, Trần Văn Anh… của tờ Giải phóng Quảng Đà đã dùng ngòi bút của mình để viết và chiến đấu như những người lính quả cảm của lực lượng giải phóng quân.

Qua lời kể của nhà báo Hồ Duy Lệ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, tháng 7-1968, lúc mới về Báo Giải phóng Quảng Đà, một trong những người đầu tiên ông tiếp xúc là nhà báo Trần Văn Anh, có dáng người đen sạm và giọng nói rổn rảng đặc trưng của người dân xã Hòa Lương (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Lúc này, nhà báo Trần Văn Anh mới tập kết từ Bắc về, cùng các nhà báo Hoàng Kim Tùng, Hồ Hải Học… phụ trách 4 trang tin trên tờ Giải phóng Quảng Đà.

Việc chọn căn cứ Hòn Tàu tác nghiệp giúp các phóng viên, nhà báo Khu 5 ghi lại hình ảnh, câu chuyện chân thực về chiến tranh, song cũng thường trực nỗi lo lắng, hiểm nguy do đây cũng là mục tiêu chính của các cuộc tấn công từ Mỹ - Ngụy. Rất nhiều phóng viên từ miền Bắc tăng cường cho tờ Giải phóng Quảng Đà như Dương Tấn Nhường, Đỗ Nhung, Nguyễn Trọng Định đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ.

Trong tập sách “Thời tôi sống” của cố nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh - người có mặt trong bức ảnh chụp 8 phóng viên, nhà báo tại mặt trận Quảng Đà tháng 7-1968, có kể rằng, bốn tháng sau ngày Nguyễn Trọng Định hy sinh, nhà báo Trần Văn Anh, lúc đó là Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà, phụ trách cả hai tờ Giải phóng (cho nông thôn) và Cờ Giải phóng (cho đô thị) cũng ngã xuống. Trong trí nhớ của người đồng đội, Trần Văn Anh cận rất nặng nhưng mỗi ngày vẫn đều đặn viết tin, bài về cuộc chiến cho kịp số báo sắp phát hành. Ngày 29-12-1968, trên đường đến vành đai Đà Nẵng làm nhiệm vụ, lúc vượt sông Thu Bồn đặt chân lên đất Điện Thái thì bị Mỹ ném bom và hy sinh lúc 38 tuổi. Gần bốn năm sau, đêm 21 rạng sáng 22-5-1972, máy bay B52 ném bom xuống khu nhà ở của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà đóng tại núi Hòn Tàu, nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, nguyên Phó Tổng Biên tập kiêm Bí thư Chi bộ Báo Giải phóng và Báo Cờ Giải phóng cùng 4 cán bộ Ban Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh trong hang đá phía Tây, bị các khối đá lớn nặng hàng chục tấn đè lên hài cốt…

2. Lịch sử hình thành Báo Đà Nẵng ghi lại, tờ Giải phóng Quảng Đà ra đời năm 1963, được tách từ Báo Giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Báo có khổ 23x40cm, in tipô trên nhiều loại giấy có thể khai thác được từ vùng tạm chiếm như giấy in báo, giấy manh (tập) và cả giấy vàng mã. Thời điểm này, lực lượng phóng viên, biên tập viên chủ yếu là lực lượng trí thức thoát ly từ thành phố và một số cán bộ tập kết miền Bắc về, tạo nên đội ngũ người làm báo kháng chiến mạnh mẽ, hăng hái đến chiến trường ác liệt để phản ánh khí thế nổi dậy phá thế kềm của Mỹ-Ngụy, cổ vũ nhân dân xây dựng, bảo vệ vùng giải phóng.

Giai đoạn 1964-1967, dựa trên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đà Nẵng tách ra thành đơn vị trực thuộc Khu 5. Thời gian này, tờ Giải phóng Quảng Đà tách ra thành 2 tờ Giải phóng (cho nông thôn) và Cờ Giải phóng (cho đô thị). Tháng 12-1967, Trung ương quyết định nhập thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam để thành lập Đặc khu Quảng Đà. Từ đây, hai tờ báo trên lại hợp nhất lại thành tờ Giải phóng Quảng Đà. Những năm tháng này, chiến trường Khu 5 đêm ngày bị bom đạn Mỹ cày xới, ném bom, chất độc hóa học rải xuống khắp nơi, tờ báo phải thường xuyên thay đổi kích cỡ giấy khai thác được từ vùng tạm chiếm của Mỹ - Ngụy để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân cho cán bộ bám trụ nằm vùng. Sau ngày quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng giải phóng, tờ Giải phóng Quảng Đà, cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục xuất bản ở thành phố Đà Nẵng với lực lượng cán bộ, phóng viên chủ yếu trở về từ chiến khu. Tờ báo phát hành nửa tháng một kỳ, in tại cơ sở in do chính quyền cách mạng tiếp quản. Tại thị xã Tam Kỳ, tờ Giải phóng Quảng Nam cũng phát hành nửa tháng một kỳ nhằm ghi lại đầy đủ hoạt động xây dựng, kiến thiết lại quê hương sau những năm tháng chiến tranh.

Ba tháng sau ngày giải phóng, theo chủ trương của Trung ương, đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam nhập lại thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo đó, hai tờ báo cũng được nhập lại thành một tờ trực thuộc tỉnh mang tên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Giai đoạn này, tờ báo được bạn đọc biết đến với những chuyên mục “Hoa thơm bốn mùa”, “Người tốt, việc tốt”, “Đầu làng, cuối phố”, “Người dọn phố”, “Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ”, “Ý kiến bạn đọc” với những bài viết theo tinh thần xây và chống. Đến năm 1992, để chuyển tải các vấn đề trong tuần theo chiều sâu, báo ra thêm tờ Đà Nẵng - Quảng Nam cuối tuần, in ốpsét 12 trang, khổ 29x42, bìa in màu. Các chuyên mục khác cũng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị trong tình hình mới. Ngày 2-1-1997, sau sự kiện chia tách tỉnh, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng theo nhiệm vụ chính trị cũng tách thành Báo Quảng Nam, Báo Đà Nẵng và hoạt động cho tới ngày nay.

3. Những câu chuyện xoay quanh từng con người, sự kiện đóng góp vào sự hình thành, phát triển Báo Đà Nẵng đã nuôi dưỡng chúng tôi trở thành nhà báo với bút sắt, lòng trong. Nói như ông Trần Nùng, con trai nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh, những ngày ở chiến trường Khu 5, ba ông và đồng đội đã viết, đã chiến đấu như những người lính dũng cảm trên mặt trận giải phóng dân tộc. “Ba trở lại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng khi tôi mới 3 tuổi nên không biết nhiều về ba ngoài một vài tấm hình đen trắng và những lời kể của mẹ. Rồi ba học Đại học Tổng hợp Văn và xung phong vào Khu 5 làm báo. Hai từ “nhà báo” trở thành thiêng liêng với tôi từ những ngày thơ bé, đến mức tôi thường nói với mẹ: “Mẹ ơi, lớn lên con cũng muốn làm nhà báo giống ba”, ông Nùng xúc động nhớ lại.

Ký ức của ông Trần Nùng về ba mình còn là những lần ghé tòa soạn Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (thời điểm trước khi chia tách) để thăm hỏi những người đồng đội của ba như nhà báo Vũ Thành Lê, Hồ Duy Lệ. Sau này, sự kết nối bị gián đoạn trong thời gian gia đình ông chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống năm 1990 và mãi đến năm 2017, trong lần vào Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) thắp hương cho nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh, những đồng nghệp Báo Đà Nẵng mới vô tình xin được số điện thoại và có cuộc trò chuyện nhiều cảm xúc sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm thông tin người thân nhà báo Trần Văn Anh.

Kể về sự kết nối này, nhà báo Trần Thị Thu Thủy, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng trong một bài viết “Ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng” đăng trên Báo Đà Nẵng số ra ngày 5-8-2017 khẳng định, lịch sử Báo Đà Nẵng luôn khắc ghi công ơn những nhà báo - chiến sĩ Trần Văn Anh, Hoàng Kim Tùng, Đỗ Nhung, Dương Tấn Nhường… đã ngã xuống trên mảnh đất kiên trung Quảng Nam - Đà Nẵng khi cây bút và trang giấy còn dang dở. Thời gian qua, Báo Đà Nẵng đã kết nối với thân nhân hầu hết các nhà báo - liệt sĩ trên và thực hiện những nghĩa cử theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, trong số đó, ray rứt nhất là với nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh, Tổng Biên tập Báo Giải phóng và Cờ Giải phóng, Báo Đà Nẵng vẫn chưa kết nối được với gia đình, người thân của ông. May mắn bất ngờ đã xảy ra, khi ngày 26-7-2017, mong muốn kết nối với gia đình nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh của lãnh đạo báo được toại nguyện…

Còn với nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, năm 2011 gia đình cùng đồng đội đã đưa ông về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) sau nhiều năm tìm kiếm hài cốt ở căn cứ Hòn Tàu. Mới đây, gia đình đã đến Báo Đà Nẵng trao tặng lại bức thư của bà Phan Thị Thọ (vợ ông) viết ngày 2-8-1965 gửi Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khi biết tin chồng được cử vào chiến trường Khu 5. Nội dung lá thư bày tỏ thời điểm đó dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, con còn nhỏ, sức khỏe yếu nhưng vợ chồng bà đã động viên nhau cần khắc phục những khó khăn, gác lại niềm vui sum họp để ông có thể thực hiện nguyện vọng vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam... Và, trong niềm tự hào lẫn rưng rưng xúc động của chúng tôi - những nhà báo trẻ đang công tác tại Báo Đà Nẵng, lá thư này, cùng nhiều tư liệu, hiện vật khác của thế hệ làm báo đi trước, sẽ được cơ quan trân trọng trưng bày tại phòng truyền thống, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc trong thời gian không xa.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.