Khái niệm "sống xanh" từ lâu không còn xa lạ với mọi người, nhưng để thực hiện lại đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố, có không ít bạn trẻ đã từ bỏ lối sống tiện nghi với mục tiêu giữ gìn môi trường khỏi rác thải.
Các bạn trong nhóm "Đà Nẵng xanh" cùng tuyên truyền về giữ môi trường cho thành phố. Ảnh: THÙY TRANG |
Bắt đầu từ việc thu gom rác thải trên bãi biển, anh Lê Thành Long (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cùng vợ chuyển từ thành phố Buôn Ma Thuột đến Đà Nẵng sinh sống và dựng lên quán cà phê Tình thơ độc đáo với châm ngôn “tái chế rác”. Bằng chai lọ, dây thừng, cây củi lớn..., những thứ chừng như vô dụng lại được anh tận dụng biến nó trở nên hữu ích. Anh Long kể: “Ban đầu, mọi người thấy tôi nhặt rác về trang trí quán cà phê đều nhìn tôi bằng ánh mắt hoài nghi, thậm chí cho rằng tôi bị điên, nhưng với tôi, đó là cách để tái tạo giá trị cho những thứ bị coi là rác”.
Cùng chung lối "sống xanh", hai năm nay, CLB “Đà Nẵng xanh” cũng miệt mài với các dự án bảo vệ môi trường. Chị Trà Thị Hồng Anh, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết "Đà Nẵng xanh" ra đời dựa trên tinh thần tự nguyện của các bạn trẻ muốn tham gia hoạt động thu gom rác trên địa bàn thành phố và dọn dẹp rác sau các sự kiện âm nhạc, pháo hoa. “Mỗi lần phát động, chúng tôi luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng. Đến nay, nhóm đã phát triển hơn 100 thành viên, điều này không chỉ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc mà còn thấy rằng, mỗi hành động nhỏ của CLB đều góp phần vào việc tạo nên sự thay đổi lớn lao cho môi trường”, chị Hồng Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, lối sống xanh còn được thể hiện qua việc lựa chọn sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường như ly, ống hút, hộp cơm... làm từ vật liệu thiên nhiên. Chị Hồ Hoàng Anh, chủ tiệm tạp hóa Sống xanh ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, 6 năm qua, chị đã không còn sử dụng sản phẩm nhựa một lần bởi đã thấy được tác hại của chúng. Hiện nay, tiệm của chị Anh sử dụng hoàn toàn chai lọ thủy tinh để đựng sản phẩm, qua đó từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và du khách nước ngoài đến thành phố.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về vấn đề môi trường thì sự tham gia và đóng góp của giới trẻ trở thành niềm hy vọng về một tương lai bền vững hơn. Tại Đà Nẵng, những nỗ lực không ngừng từ các nhóm tình nguyện viên trẻ tuổi đã góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy cộng đồng hành động vì môi trường xanh, sạch, đẹp. Các hoạt động như workshop về tái chế, quản lý rác thải hay chiến dịch làm sạch bãi biển và khu vực công cộng đang trở nên phổ biến và thu hút sự tham gia của giới trẻ. Có thể nói, sự kiên trì và sáng tạo trong cách tiếp cận của họ đã làm thay đổi cách nhìn và hành động của nhiều người về vấn đề bảo vệ môi trường.
Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng bày tỏ: “Chúng tôi ấn tượng và biết ơn sự đóng góp của giới trẻ trong việc bảo vệ môi trường tại các bãi biển và bán đảo Sơn Trà. Đặc biệt, từ năm 2019, dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa ban quản lý, lực lượng thanh niên và sự hỗ trợ từ cộng đồng địa phương đã giúp môi trường biển có những thay đổi tích cực". Bên cạnh đó, ông Hải cũng nhấn mạnh hiệu quả từ sự kiện Clean Up Sơn Trà với sự tham gia thường xuyên của gần 800 tình nguyện viên, qua đó phản ánh sự quan tâm và hành động thiết thực từ cộng đồng trẻ đối với môi trường.
THÙY TRANG