Cùng trẻ em hát "Bài ca về trái đất"

.

"Bài ca trái đất" hơn bốn thập niên qua đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn trẻ thơ. Có thể ít người nhớ Định Hải. Nhưng cứ hễ nghe thấy “Trái đất này là của chúng mình” thì ai cũng liền nhận ra những câu từ rất quen thuộc. Bài thơ được cả thế giới đón nhận bởi trong đó chứa đựng tình hòa bình, hữu nghị, dạy các em thiếu nhi hòa đồng và chống phân biệt chủng tộc.

Nhà thơ Định Hải và tác phẩm “Bài ca trái đất”. Ảnh: S.T
Nhà thơ Định Hải và tác phẩm “Bài ca trái đất”. Ảnh: S.T

Khi tôi đề cập đến nhà thơ Định Hải, nhà văn Ma Văn Kháng liền khuyên tôi thực hiện một bài viết về tác giả bài thơ "Bài ca về trái đất". Vì đối với thơ thiếu nhi mà nói, ông đã có những đóng góp vô cùng to lớn.

“Nhà thơ trọn đời viết cho thiếu nhi”

Đây là nhận xét của nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn đối với thi sĩ Định Hải. Điều ấy có thể kiểm chứng thông qua những tác phẩm đã xuất bản của ông như: "Chồng nụ chồng hoa" (thơ, 1970), "Hươu cao cổ" (thơ, 1975), "Em hát - đu quay" (thơ, 1976), "Nhành hoa trong vườn sớm" (thơ, 1979), "Bài ca trái đất" (thơ, 1983), "Nụ hôn học trò" (thơ, tập 1, 1988; tập 2, 1992), "Bao nhiêu điều lạ" (thơ, 1994), "Bài ca trái đất" (thơ chọn lọc, 1996), "Thơ với tuổi thơ" (Thơ chọn lọc, 2003)...

Nhà thơ Định Hải không xa lạ với thiếu nhi, vì sách giáo khoa (SGK) tiểu học đều có những tác phẩm của ông. Những vần thơ: “Mái nhà của ốc/ Tròn vo bên mình/ Mái nhà của em/ Nghiêng giàn gấc đỏ” (Một mái nhà chung, Tiếng Việt 1, tập 1) đã đồng hành cùng các em thiếu nhi từ những ngày đầu tập đánh vần. Tiếp đó, các em lại được nghe nhà thơ kể câu chuyện về đôi bạn bê vàng, dê trắng trong Tiếng Việt 2, tập 1: “Tự xa xưa thuở nào/ Trong rừng xanh sâu thẳm/ Đôi bạn sống bên nhau/ Bê vàng và dê trắng” (Gọi bạn).

Đến lớp 3, tác giả ấy lại xuất hiện với thi phẩm "Vẽ quê hương" (Tiếng Việt 3, tập 1). Cũng với thể loại thơ thiếu nhi, các em học sinh lớp 4 sẽ lại được tiếp xúc với nhà thơ Định Hải qua bài "Một mái nhà chung". Tiếp đó là "Bài ca về trái đất" (Tiếng Việt 5, tập 1).

Dĩ nhiên, trước khi được đưa vào SGK, những tác phẩm này đã được đông đảo thiếu nhi đón nhận. Ngoài những tác phẩm trên có thể kể thêm một số bài thơ như: "Nếu chúng mình có phép lạ", "Đàn kiến nó đi", "Bàn tay cô giáo"… cũng là những bài thơ rất quen thuộc.

Điểm qua một số tập thơ và một vài tác phẩm, có thể thấy rằng thơ Định Hải rất phổ biến trong nhà trường, được đông đảo thiếu nhi đón nhận. Cách đây vài mươi năm đã thế. Đồng thời có thể thấy được nhà thơ chủ yếu sáng tác thơ cho thiếu nhi. Đời thơ ông chia làm hai chặng. Chặng đầu 5 năm, ông viết thơ cho người lớn. Nhưng đến trạm dừng chân, ông chuyển hướng sang viết thơ cho thiếu nhi từ năm 1961. Và từ ấy đến nay, ông trung thành với chủ đề này. Sở dĩ ông lầm lũi đi trong con đường thơ dành cho thiếu nhi là vì ông cho rằng bản thân có duyên với trẻ thơ và luôn phát hiện ở đó những tứ thơ từ những điều thú vị. Nhà thơ từng tâm sự: “Khi quan sát trẻ, tôi thấy chúng gần gũi vô cùng, cả khi chúng chơi với nhau, đùa với động vật, cả khi chơi đùa với người lớn và những người xung quanh… Đó là một thế giới thần tiên, trong sạch, chỉ có cái đẹp và vươn tới cái đẹp”.

Thơ Định Hải rất giản đơn nhưng lại khiến người khác thích thú. Cả nhà văn Ma Văn Kháng và nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn đều cho rằng như vậy. Nhà phê bình nói: “Thơ thiếu nhi của Định Hải không chỉ chinh phục trẻ thơ mà còn giúp những ai đã đi qua tuổi thơ tìm lại ký ức của mình”. Bằng trái tim yêu trẻ, trong trẻo và lương thiện, nhà thơ đã gieo những mầm thơ trong tâm hồn trẻ thơ. Những vần thơ ấy đã đọng lại trong lòng các em thiếu nhi một cách sâu sắc. Mà nổi bật nhất chính là thi phẩm "Bài ca về trái đất" - một thành công lớn trong đời thơ Định Hải.

“Trái đất này là của chúng mình” - giải thưởng cao quý nhất

Thi sĩ Định Hải từng được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật nhờ “chỗ dựa vững chắc” này. Năm 2007, khi tranh luận về việc trao giải cho nhà thơ Định Hải, nhà thơ Hữu Thỉnh đã dựa vào câu thơ “Trái đất này là của chúng mình” để bảo vệ cho tác giả "Bàn tay cô giáo". Và đã thành công.

Bài thơ này được sáng tác vào mùa hè năm 1978 ở Berlin, viết nhân dịp ông cùng đoàn thiếu nhi Việt Nam dự trại Hè thiếu nhi quốc tế ở Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ). Bài thơ ấy viết một cách tình cờ và rất nhanh chóng. Ông đã hoàn thành bài thơ ấy ngay khi ngồi ở khán đài, trong đêm khai mạc sự kiện này. “Riêng tác phẩm "Bài ca về trái đất", phải nói rằng đây là một thành công bất ngờ. Bởi lẽ đây là bài thơ thiếu nhi viết bằng tiếng Việt có khả năng vượt khỏi biên giới Việt Nam, và đến với trẻ em trên nhiều quốc gia khác. Bài thơ này đã được chuyển ngữ và được yêu thích ở các nước như: Đức, Pháp, Nga, Mỹ…”, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn nói.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục, người phổ nhạc cho bài thơ chia sẻ: “Bài thơ ấy rất giàu nhạc tính. Các câu thơ đa số trùng nhau về thanh, nên khi tôi viết nhạc thì rất dễ dàng đưa lời thơ vào mà không phải chỉnh sửa gì quá nhiều. Bài thơ cũng không quá phức tạp, rất phù hợp để viết lời cho các em thiếu nhi ca hát”.

Thành công nối tiếp thành công, "Bài ca trái đất" hơn bốn thập niên qua đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn trẻ thơ. Có thể ít người nhớ Định Hải. Nhưng cứ hễ nghe thấy “Trái đất này là của chúng mình” thì ai cũng liền nhận ra những câu từ rất quen thuộc. Đối với nhà thơ Định Hải, đây là sự thành công lớn nhất, là giải thưởng cao quý nhất đối với đời thơ của ông. Niềm hạnh phúc nhất là cùng trẻ em hát "Bài ca về trái đất". Nhà thơ xứ Thanh tâm tình: “Tôi đã được hàng chục giải thưởng của nhiều cơ quan, nhưng có lẽ giải thưởng cao quý nhất là đã được hàng triệu trẻ em Việt Nam rộn ràng cất cao tiếng hát: Trái đất này là của chúng mình”.

Bài thơ được cả thế giới đón nhận bởi trong đó chứa đựng tình hòa bình, hữu nghị, dạy các em thiếu nhi hòa đồng và chống phân biệt chủng tộc. “Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh/ Bồ câu ơi, cánh chim gù thương mến/ Hải Âu ơi, cánh chim vờn sóng biển/ Cùng bay nào, cho Trái đất quay!/ Cùng bay nào, cho Trái đất quay!...".  Những hình ảnh “bồ câu”, “hải âu”, “quả bóng xanh” và điệp ngữ “cùng bay” đã đủ sức để cho những vần thơ cất cánh và đưa trẻ thơ cùng với nhà thơ bay vào thế giới thần tiên.

NGUYỄN NHẬT THANH

;
;
.
.
.
.
.