Điện ảnh trực tiếp

.


Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai, 2024 có một chương trình chiếu phim của các nhà làm phim Đà Nẵng, gồm các phim "Chiếc chiếu của bà Bứa", "Người đưa linh", "Bọn trẻ ngày nay", "Người mẹ" và "Đường đến hòa bình". Đây là những bộ phim đánh dấu sự chập chững của những người làm phim Đà Nẵng trong các workshop của Ateliers Varan cách đây hơn 10 năm. Cũng từ đó thành phố Đà Nẵng có một thế hệ những người làm phim mới, chịu ảnh hưởng của phong cách điện ảnh trực tiếp, góp một tiếng nói vào dòng chảy điện ảnh trực tiếp tại Việt Nam.

Đạo diễn Andrey Van In và tác giả. Ảnh: T.V.Q
Đạo diễn Andrey Van In và tác giả. Ảnh: T.V.Q

Trong điện ảnh, có nhiều cách để diễn đạt sự thật, phim tài liệu là mảnh đất rộng rãi nhất cho phép người làm phim trình bày những sự thật đời sống diễn ra quanh mình. Điện ảnh trực tiếp là một cách thức hiệu quả để làm điều đó…

Sự tối giản và thành thực

Chúng tôi ngồi một nhóm nhỏ cùng dõi theo một bộ phim. Thầy chúng tôi, đạo diễn Andre Van In, người hướng dẫn các workshop của Ateliers Varan tại Việt Nam, ngồi một góc khác, ông lặng lẽ vừa như quan sát thái độ của chúng tôi vừa như lơ đãng đuổi theo ý nghĩ đang trôi về một nơi nào đó. Hôm đó ông cho chúng tôi xem một bộ phim khá lạ “Bread Day” (Ngày bánh mì).

Kiểu gì cũng không thể xua tan sự ngờ vực của chúng tôi: “Ồ, hôm nay chúng ta đang xem một cái gì thế”. Chúng tôi vừa nhìn lên màn ảnh vừa nhìn thầy giáo, hy vọng là ông nhầm lẫn. Một cái phim tài liệu dài hơn 50 phút dường như rất ít các cảnh quay. Cảnh quay đầu tiên là một cú bấm máy dài hơn 10 phút. Trong ấy, là một nhóm nhỏ người đẩy một toa tàu vừa tách khỏi đường ray để đi về làng. Rề rà, chậm chạm, không có nội dung gì, người xem lững thững đi theo nhóm người ấy trong buồn tẻ và hoài nghi… Và phim trôi đi trong các chuyện khác cũng vụn vặt, bé mọn, tầm thường, không có gì đáng kể như thế… Vậy mà thật lạ, sau khi bảng chữ cuối phim hiện ra, một cảm xúc dâng lên không thể nào diễn tả được… Thầy của chúng tôi chậm rãi nói: “Phim đấy…”.

Lần đầu tiên ông mang đến cho chúng tôi một thứ khác lạ mà chúng tôi chưa từng biết đến: Sự tối giản và thành thực. Đó là một ngôi làng với mấy chục nóc nhà chìm trong tuyết trắng, vào một ngày nhất định hằng tháng có một đoàn tàu chở bánh mì ngang qua và bỏ lại đấy một toa. Không gian của phim là ngôi làng cô quạnh gắn với những người già và sự kiện toa bánh mì này. Không ai biết tên những người già, không ai biết trong toa là bánh mì, không ai biết vì sao ngôi làng ấy vắng bóng những thanh niên, không ai biết sự sống thật bên trong những căn lều tuyết phủ kín… ngoài một dòng phụ đề cũng lẻ loi như cuộc đời của họ "KHU ĐỊNH CƯ SỐ 3". Và mọi thứ cứ dần dần hé mở từng bước chậm chạp và có vẻ như rất vô tình…

Câu chuyện ấy bắt đầu vào một ngày mùa đông cóng lạnh, tuyết rơi dày và phủ kín đường ray xe lửa, con đường duy nhất kết nối thế giới quên lãng đó với đời sống đâu đó bên ngoài. Theo toa bánh mì người xem bắt gặp ngôi làng của họ trong một dáng vẻ tê tái và lãnh đạm. Tại đây, trong một shop bánh mì duy nhất trong làng, người ta thấy những cuộc mua bán khó khăn, những cuộc cãi vã không đầu không cuối giữa bà lão bán bánh và những người đàn ông, đàn bà trong làng.

Dường như đây là một bộ phim tài liệu không có kịch bản. Người xem hình dung đạo diễn thơ thẩn ở đó nhiều ngày, lười biếng và chểnh mảng ghi chép lại những điều xung quanh mình. Và cũng dường như với một tâm thế như vậy, ông lựa chọn những mảng hiện thực sắp xếp bên nhau. Có vẻ như đó là những tình tiết, yếu tố xảy đến một cách bất ngờ và không hề được đoán định trước thậm chí cả với đạo diễn phim. Không chắc có chính xác là như thế không nhưng "Bread Day" đã chiếm trọn những điều may mắn ấy ngay trong cảnh đầu của phim.

Bằng một cú máy dài bất tận, có thể coi là phong cách chủ đạo trong toàn bộ bộ phim, máy quay đã không chỉ ghi lại hoạt động của những người già, mà còn toàn bộ hoạt động của các chú chó chạy lăng nhăng xung quanh họ, líu ríu bên chân những con người khốn khổ, những chú cừu ngơ ngác đi lại trong sân nhà… Chính những con vật nhỏ và đời sống mông lung của nó khiến cho không khí trong "Bread Day" vì thế, vừa cho người xem nhìn thấy niềm hy vọng về cuộc sống, vừa thể hiện mối liên hệ tình cảm giữa chúng với con người một cách đầy cảm động. Thật sự, ngôi làng, sự cô độc và xa vắng, buồn bã và mông quạnh, những liên kết ấm áp nhỏ nhoi của các hoạt động… làm trái tim ta nhói đau bởi một điều gì không giải thích được…

Kiến ​​thức trải nghiệm

Chúng tôi bắt đầu thấy một cái gì đó buộc mình phải thay đổi. Những cảnh quay bài tập của chúng tôi ban đầu nhận được những cái lắc đầu. Andre Van In, lúc nào cũng thế, khi xem những cảnh quay, ông nói: “nó phóng sự quá, truyền hình quá… nó không phải là phim” . Và với một kiểu làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, từng bước như thế, ông dắt chúng tôi đi đến với điện ảnh trực tiếp, thứ mà chúng tôi chưa hình dung trước đó…

"Bread Day" là một bộ phim tài liệu mang tính quan sát. Các hình ảnh tự tương tác, các nhân vật tự thể hiện và nói lên tiếng nói của mình. Vậy tại sao chúng ta, những người làm phim, lại cần phải nói thay họ? Và liệu tường thuật có phải là khả năng duy nhất để cung cấp cái nhìn sâu sắc về phim tài liệu hay không?

Một trong những giảng viên ngành báo nói với chúng tôi: “Tại sao bạn phải tốn nhiều cảnh quay và thời gian để chiếu một thứ gì đó trong nhiều phút, nếu bạn có thể nói với tôi điều tương tự bằng vài clip và tường thuật rõ ràng?” - Tôi nghĩ thái độ như vậy bắt nguồn từ văn hóa sản xuất chương trình truyền hình lười biếng, làm hư hỏng người xem bằng cách cung cấp những tài liệu luôn dễ hiểu. Nó biến chúng ta thành những người tiếp nhận thông tin thụ động. Tôi không khẳng định rằng tất cả các loại phim truyền hình đều như thế, tuy nhiên, sự kỳ diệu của phim tài liệu quan sát nằm ở khả năng thu hút khán giả một cách tích cực trong việc tạo ra kiến ​​thức trải nghiệm, để chúng ta không chỉ là những người xem thụ động mà còn là những người tham gia vào quá trình trải nghiệm thực tế đã được ghi lại bởi một chiếc máy quay độc lập được sử dụng bởi người quay phim…

Có thể là khập khiễng, song phim tài liệu có cái gì đó giống với thể ký trong văn học. Ở đấy, đối với người này là bố cục, với người kia là khả năng khái quát, còn với người khác nữa là ngôn ngữ, tư liệu… song điều căn cốt nhất để tạo ra sức mạnh thể loại mà không ai chối cãi được trong mọi tác phẩm, đó là sự thật. Sự thật trần trụi, nghiệt ngã hay thơ mộng, đẹp đẽ… điều ấy chẳng sao, miễn là tất cả những điều anh quan tâm, anh bàn tới, lôi cuốn mọi khả năng tư duy của anh là sự thật.

Được xem là thể loại ra đời sớm nhất, góp phần khai sinh ra nền điện ảnh Việt Nam, từ lúc có mặt, phim tài liệu song hành cùng với đời sống, phản ảnh chân thực và tương đối đầy đủ cuộc sống của dân tộc Việt đi qua chiến tranh, xây dựng nền hòa bình, nỗ lực vì sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài… Trên con đường thời gian mà mình đã đi qua, phim tài liệu với cách làm truyền thống để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả, đánh dấu những cột mốc quan trọng tiến trình phát triển bằng những giải thưởng trong nước và quốc tế… Một số phim tài liệu nổi bật như "Nước về Bắc Hưng Hải", "Chuyện tử tế", "Chìm nổi sông Hương", "Những cô gái Ngư Thủy", "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", "Chị Năm Khùng"… đã tạo ra những tên tuổi của những Bùi Đình Hạc, Trần Văn Thủy, Lê Mạnh Thích, Lại Văn Sinh… trong lòng khán giả yêu mến phim tài liệu trong và ngoài nước…

Một khoảnh khắc tác nghiệp. Ảnh: T.V.Q
Một khoảnh khắc tác nghiệp. Ảnh: T.V.Q

Những làn gió mới

Thế nhưng, dường như mọi thứ đã khác. Cuộc sống cần được diễn đạt theo một cách khác. Thực tế là trong những năm gần đây, phim tài liệu Việt Nam, số lượng phim tài liệu nhựa mỗi năm sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay, phim video nhiều hơn nhưng thường dừng lại ở dạng phóng sự, phóng sự tài liệu, phim tài liệu khoa học thì càng ít. Dĩ nhiên, hành trình từ một ý tưởng đến việc triển khai, sản xuất một bộ phim tài liệu đầy những gian nan; nhưng trước hết phải thấy đội ngũ làm phim hiện nay còn quá ít và mỏng so với yêu cầu. Phần lớn phim tài liệu Việt Nam lâu nay thường chỉ chú trọng lời bình, trong khi đó hình ảnh thì ít, như kiểu sợ người xem không thể hiểu được mình thể hiện điều gì. Đề tài phim thường loanh quanh, cách thể hiện sáo mòn, quan điểm trong phim dựa vào quan điểm số đông. Người làm phim chưa thực sự bước ra khỏi mình để nhường đất cho sự thật tự nó lên tiếng nói…

Trong lúc đội ngũ làm phim tài liệu trong các đơn vị Nhà nước đang đứng trước nhiều khó khăn, một số những nhà làm phim độc lập đã trong một chừng mực mang đến những làn gió mới cho thể loại này. Từ các nỗ lực cá nhân, một số những nhà làm phim trẻ đã có những cách tiếp cận mới đối với hiện thực, những hình thức thể hiện mới trong cách kể chuyện. Mạnh dạn trong cách lựa chọn đề tài, dám thể hiện cá tính và vượt qua những phương pháp làm phim cũ, không áp đặt mà để nhân vật tự kể chuyện, cũng tức là mở rộng cơ hội tự khám phá và tự đánh giá bộ phim cho khán giả… Cách làm phim theo hình thức điện ảnh trực tiếp được các nhà làm phim độc lập của Việt Nam sử dụng dường như đang mở ra một hy vọng mới cho điện ảnh tài liệu Việt Nam.

Phim độc lập, chủ yếu làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp, có thể được hiểu đơn giản là độc lập về ý tưởng và độc lập về tài chính. Những nhà làm phim độc lập sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, từ kinh phí đến đầu ra cho bộ phim của mình, miễn sao thực hiện được ý tưởng và khát vọng làm phim. Tinh thần làm phim độc lập đã bắt đầu trở thành con đường cho nhiều nhà làm phim trẻ Việt Nam lựa chọn.

Lựa chọn phong cách diễn đạt của điện ảnh trực tiếp, làm phim độc lập là một con đường chông gai nhưng cơ hội để được thể nghiệm, chịu trách nhiệm về chính sản phẩm của mình sẽ rộng mở hơn đối với các nhà làm phim trẻ, đam mê sáng tạo. Đó là con đường gian nan nhưng cũng đầy các dấu chân hăm hở của những người làm phim trẻ Việt Nam.

Mạnh dạn trong cách lựa chọn đề tài, dám thể hiện cá tính và vượt qua những phương pháp làm phim cũ, không áp đặt mà để nhân vật tự kể chuyện, cũng tức là mở rộng cơ hội tự khám phá và tự đánh giá bộ phim cho khán giả… Cách làm phim theo hình thức điện ảnh trực tiếp được các nhà làm phim độc lập của Việt Nam sử dụng dường như đang mở ra một hy vọng mới cho điện ảnh tài liệu Việt Nam.

TRƯƠNG VŨ QUỲNH

;
;
.
.
.
.
.