Gian bếp cũ cuối vườn sau

.

“Ra vườn lượm nắm củi/ Chụm nóng nồi nước sôi/ Lửa reo vui tí tách/ Nhớ đã xa một thời”. Những âm thanh khô giòn của những cành củi, tiếng chân xạc xào giẫm trên đám lá rụng, mùi khói mới nhen từng đụn bay vấn vít trong không trung, rồi ngọn lửa vàng vọt trong cái bếp củi cuối vườn sau… gợi trong tôi ký ức những chiều tà bên chái bếp.

Minh họa: hoàng  đặng
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cuộc sống nông thôn mới với những nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa; gian bếp bóng lộn với bếp ga, bếp từ, những cái nồi inox sáng trưng cùng món ăn được chiên xào đẫm hương gia vị. Bên cạnh những điều mới mẻ ấy, nơi góc vườn nhà tôi ở quê vẫn còn lưu giữ những gì xa xưa nhất. Mỗi lần trở về; bước chân đưa đẩy, tôi vẫn lần ra cái không gian quen thuộc, tìm mùi thơm của khói được đốt lên từ đống củi nhỏ nhắn xếp gọn ghẽ và đậy điệm cẩn thận cuối khu vườn. Gian bếp tuềnh toàng, mái rạ dính đầy bồ hóng, màu vàng của đám tranh lợp đã xỉn đen nhưng những nhánh rui mè làm bằng tre ngâm vẫn còn chắc lắm. Hai vòng kiềng ba chân vẫn tọa lạc vững vàng trên cái bệ gạch, miệng mở rộng như đang chờ ăn củi. Đám tro vẫn một màu xám bạc, mịn như nhung lẫn vài viên than củi đen thui cỡ bằng đầu ngón tay cái. Bên vách, vài cái nồi nấu chừng ba lon gạo, dính đầy lọ nghẹ, đáy nồi không còn bằng phẳng mà nghiêng chao gập ghềnh như cái lưng người già cong võng bởi thời gian. Cái ấm nấu nước cũng đen tuyền với tay quai đầy sẹo, miệng ấm dính váng chè màu nâu cánh gián…

Qua mấy lần dành dụm rồi bàn tính, căn nhà cũ được cha mẹ tôi đập đi để xây mới, làm thêm gác tránh lụt, cái bếp xinh xinh đặt trên mặt bàn đá, bên cạnh có thùng gas. Tuy đã có bếp mới tối tân hơn, nhưng không hiểu sao cái chái bếp cuối vườn vẫn tồn tại như nhân chứng của một thời đói khổ. Nhiều lần về quê ở lại, tôi vẫn nghe tiếng anh trai cằn nhằn cha, đòi dỡ cái bếp cũ cho vườn sau thoáng đãng. Nhưng rồi, gian bếp ấy vẫn hiện hữu mỗi chiều mỗi sớm cùng những làn khói thơm thơm, mỏng mảnh bay lên. Những năm cha còn khỏe, tôi vẫn nhớ như in cái dáng khòm khòm bước ra từ gian bếp với ca nước chè sóng sánh đậm đặc, nụ cười hiền hậu và cái vỗ vai thân mật. Tôi sà vào bếp, bàn tay sục vào đám tro vẫn còn hơi âm ấm; nhanh nhẹn rót ca nước đánh cái ực cho đã khát. Vị nước chè chan chát cứ quấn quýt nơi đầu lưỡi dù lâu nay ở nhà riêng, tôi vẫn thường uống nước lọc.

Ngồi bên gian bếp, tôi nghe trong gió, mùi chua chua của trái ổi chín bị dơi mới ăn một nửa, mùi hoa dủ dẻ nở đêm còn sót lại, mùi củi cháy dở chừng, mùi khoai lang nướng và như nghe cả hương mùi của quá khứ từ thuở nào… Tôi nhớ lắm những sáng sớm, mẹ tôi thức dậy bắc nồi cám cho heo, bên cạnh nồi cơm vần trong bếp tro có ghế vài quả trứng gà chín tự bao giờ. Mở nắp vung, làn hơi bốc lên ngợp cả mặt rồi mùi cơm gạo mới quen quen xộc vào mũi. Ăn vội lưng chén cơm và một quả trứng, tôi quầy quả cắp cặp đi bộ tới trường. Lại nhớ những ngày giáp Tết, gian bếp ấy dậy lên mùi nước mắm đường mẹ làm hủ dưa món hay thả vài ký thịt. Mùi đậu, nếp rang chuẩn bị đem đi xay cho món bánh in, mùi gừng hòa với đường vừa tới cho mấy hộc bánh nổ hay vài lọn bánh da…

Nhớ lắm những buổi trưa đi học về, nấu vội nồi cơm bằng rơm cho nhanh thay vì nhen bếp củi; nhớ cả những lần vừa nấu vừa đọc truyện để lửa lan ra đến tận chân, sém cả vào ống quần. Những ngày đông, củi nửa khô nửa ướt, mỗi khi chụm một đầu nước cứ xèo xèo chảy ra vàng khè, dính cả vào tay. Rồi một lần để quên chiếc đèn dầu còn cháy sáng, con mái mơ đi tìm chỗ đẻ trứng bươi tro làm ngã đèn bên bếp, may mà lửa chưa bén vào mái tranh… Những ngày tháng cũ với những điều cũ kỹ tưởng như vùi sâu trong vỉa tầng của thời gian bỗng nhiên sống dậy với niềm yêu vô tận và nỗi nhớ không hề phai phôi.

Trở về sau những ngày tháng quần quật với công việc, gian bếp cũ đã dở từ bao giờ, thay vào đó là dãy chuồng gà xinh xắn, mỗi ô cửa râm ran tiếng mổ thóc. Khu vườn trở nên gọn gàng và sáng hẳn lên nhưng trong tôi vẳng lên chút hụt hẫng, nuối tiếc, xốn xang bao niềm nhớ mỗi chiều xuống… Khi cái nắng oi nồng của ngày hạ dịu lại, bóng cha lại thấp thoáng ở vườn trước bên giàn đậu, luống cà tìm chút quà quê thơm thảo cho đứa con gái mang ra thành phố. Rồi cha lại lúi húi ra vườn sau, lượm những cành mít, cành ổi rơi rụng chất đầy vào gian bếp cũ, tiếng chổi quét lá khô xào xạc bên lối đi…

NGUYỄN THỊ THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.