Thời đại 4.0 làm việc dễ dàng qua mạng internet. Bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay thậm chí một cá nhân đều có thể có một trang web. Nhưng từ những năm 2005 trở về trước, muốn làm được việc này thật nhiều trở ngại, bởi dạo đó muốn xây dựng một trang web, một tờ báo điện tử phải có khoản kinh phí khá lớn và gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật.
Lãnh đạo thành phố và Ban Biên tập Báo Đà Nẵng tại Lễ kỷ niệm 5 năm Báo Đà Nẵng điện tử, ngày 26-12-2013. Ảnh: Tư liệu |
Còn nhớ, thời điểm năm 2005 chỉ có các tờ báo lớn của Trung ương như Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân… và một số ít báo địa phương như Sài Gòn Giải Phóng, Hải Phòng… mới có được báo điện tử. Các báo miền Trung cũng chỉ có một vài địa phương có, trong đó có Báo Bình Định.
Học tập kinh nghiệm từ báo bạn
Khi thấy rõ sức mạnh của báo điện tử thì đồng chí Ngô Quy Nhơn - Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng lúc ấy đã có ý tưởng ra báo điện tử, nhưng hiềm nỗi khó khăn mọi mặt, từ kỹ thuật cho đến kinh phí. Một số đơn vị kỹ thuật mời chào hỗ trợ ra báo điện tử nhưng kinh phí quá lớn, trên dưới 2 tỷ đồng. Khó khăn là vậy, nhưng Ban Biên tập, nhất là đồng chí Tổng Biên tập vẫn hạ quyết tâm ra cho được báo điện tử. Cũng năm 2005, Ban Biên tập lúc bấy giờ cử một đoàn công tác gồm Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn, tôi là Phó Tổng biên tập, Phó Trưởng phòng Hành chính - Trị sự Trần Thị Thu Thủy, nhân viên phụ trách vi tính và mạng nội bộ của cơ quan Nguyễn Văn Quang cùng một số phóng viên vào Báo Bình Định để học tập kinh nghiệm làm báo điện tử. Khi đó theo trọng trách được giao làm báo điện tử nhưng “thầy trò Đường tăng” chúng tôi lơ ngơ và lo lắng lắm.
Trong thâm tâm, tôi rất lo vì lĩnh vực này tôi không am hiểu và không có kiến thức chuyên môn. Rất may, Ban Biên tập và các cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Báo Bình Định khi đó rất nhiệt tình, truyền đạt chi tiết, tỉ mỉ kinh nghiệm ra báo điện tử từ khâu xây dựng đề án, kinh phí, quy trình vận hành… nên chúng tôi phần nào yên tâm để về tham mưu triển khai công việc. Về lại cơ quan, Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn giao đoàn công tác cùng bộ phận liên quan có trách nhiệm xây dựng nội dung đề án để trình xin giấy phép ra báo điện tử. Khó khăn lớn nhất với chúng tôi lúc đó là làm sao để có nội dung trang web. Nếu thuê bên ngoài viết thì kinh phí khá cao, rồi mua phần mềm Báo điện tử ở đâu... Sau thời gian cố gắng, được các đồng nghiệp hỗ trợ, chúng tôi đã lên được nội dung phương án báo điện tử và nhờ các chuyên viên kỹ thuật của đơn vị bạn chỉnh sửa cho hoàn chỉnh để trình cấp có thẩm quyền.
Khi triển khai xin giấy phép thì cuối năm 2007, Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn nghỉ hưu theo chế độ, anh Mai Đức Lộc được điều về làm Tổng Biên tập. Chúng tôi băn khoăn không biết công việc này sẽ triển khai như thế nào. Rất may, Tổng Biên tập Mai Đức Lộc rất tâm huyết và chỉ đạo tiếp tục công việc để khẩn trương ra báo điện tử. Vậy là sau 4 tháng hạ quyết tâm, cuối cùng, chúng tôi cũng hoàn chỉnh được dự án báo điện tử, và hợp đồng với Tổng Công ty Truyền thông - VNPT (Media) đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý cũng như cung cấp phần mềm Báo điện tử để xin Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản báo điện tử.
Ra mắt trang thông tin điện tử Báo Đà Nẵng
Dự án được cấp kinh phí hơn 400 triệu đồng, trong đó phần thiết bị gồm 1 máy chủ gần trăm triệu đồng, 3 máy ảnh, 3 laptop và mấy cái máy bàn để phục vụ xuất bản báo. Hồi đó chúng tôi cũng chỉ dám đưa ra hơn chục chuyên mục chính như: Chính trị, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội, Quốc tế, Bạn đọc… Nội dung các chuyên mục chủ yếu chuyển từ báo in lên vì nhuận bút được cấp mỗi số chỉ vẻn vẹn 800.000 đồng, sau này mới được nâng lên. Khi trình xin giấy phép xuất bản của Bộ Thông tin và Truyền thông, các đồng chí trao đổi rằng, đây chỉ là trang thông tin điện tử chứ chưa phải báo điện tử vì báo điện tử gồm nhiều chuyên mục và chuyên trang mở ra chuyên sâu, trực tiếp tổ chức và xuất bản chứ không đơn thuần đưa nội dung báo in lên môi trường mạng. Do chưa có kinh nghiệm và chưa đủ năng lực để ra báo điện tử theo yêu cầu nên chúng tôi đành chấp nhận xin ra trang thông tin điện tử.
Thế rồi thời điểm trình làng cũng tới. Ngày 24-4-2008, Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Phan Như Lâm cùng đoàn cán bộ Văn phòng Thành ủy, đại diện lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các ban, ngành được mời tham dự lễ ra mắt trang thông tin điện tử. Đúng 8 giờ, Bí thư Thành ủy Phan Như Lâm bấm nút ra mắt trang thông tin điện tử Báo Đà Nẵng tiếng Việt với tên miền: www.baodanang.vn. Giao diện của báo rất đẹp (chúng tôi cảm nhận vậy), tất cả các chuyên mục đều được vận hành suôn sẻ. Niềm vui trong chúng tôi vỡ òa và có phần hãnh diện vì từ nay báo mình đã có ấn bản điện tử, góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố đến với bạn đọc gần xa.
Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng người truy cập trang thông tin điện tử Báo Đà Nẵng không ngừng tăng. Trước yêu cầu mới, ấn bản điện tử của tờ báo không ngừng phát triển, có thêm nhiều chuyên mục, chuyên trang như hiện nay. Ngày 1-12-2012, sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo thành phố, sự quyết liệt của Tổng Biên tập Mai Đức Lộc cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình của hai chuyên gia nước ngoài ông bà Ian và Carol về hiệu đính tiếng Anh, Báo Đà Nẵng điện tử tiếng Anh đã ra mắt và ngày càng được đông đảo bạn đọc trong nước và nước ngoài đón đọc.
Nhớ về chuyện một thời làm báo điện tử để tự hào hơn về sự đóng góp của chúng tôi, để Báo Đà Nẵng ngày càng phát triển như hôm nay.
ĐNCT: Nhằm thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-2025 - 21-6-2025), chuẩn bị xuất bản kỷ yếu Báo Đà Nẵng - 65 năm trưởng thành (dự kiến phát hành vào đầu năm 2025), Đà Nẵng cuối tuần mở mục “Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”. Nội dung tập trung phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển Báo Quảng Đà, Cờ Giải Phóng, Quảng Nam - Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng qua các thời kỳ, khắc họa các bước phát triển và những đóng góp quan trọng của các thế hệ những người làm báo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ quan của Đảng bộ, là tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố. Xin được giới thiệu đến bạn đọc và mong nhận được sự cộng tác của các đồng nghiệp, cộng tác viên xa gần. Trân trọng. |
HOÀI THU