Nhà báo Phạm Đình Hải - Yêu nghề và dũng cảm

.

Sinh năm 1938, quê ở xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam, tập kết ra Bắc năm 1954, với gần 40 năm hoạt động báo chí, từ chiến tranh đến hòa bình, từ miền Bắc vào miền Nam, từ phóng viên lên lãnh đạo một cơ quan báo chí lớn ở miền Trung, lúc nào nhà báo lão thành Phạm Đình Hải cũng tận tuỵ, trách nhiệm, dũng cảm, yêu nghề và hết mình với công việc, xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ nhà báo đàn em noi theo.

Thẻ nhà báo của ông Phạm Đình Hải được cấp năm 1961. Ảnh: H.H
Thẻ nhà báo của ông Phạm Đình Hải được cấp năm 1961. Ảnh: H.H

Làm báo từ vùng đất lửa

Theo chiều dài lịch sử của đất nước, tháng 7-1954 khi Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi, lấy sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Đặc khu Vĩnh Linh là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh ở phía Bắc dòng sông, thuộc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc chiến đầu tiên của hai miền tại đôi bờ sông Bến Hải là cuộc chiến về thông tin. Nó rất độc đáo, chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Việt Nam và thế giới. Mỗi bên xây dựng một hệ thống loa truyền thanh với công suất cực mạnh, chĩa về phía đối phương để tuyên truyền, đấu tranh. Khi bên này tăng số lượng và công sức dàn loa thì ngay sau đó, bên kia cũng quyết không chịu thua kém. Các cuộc “đấu loa” đã diễn ra thường xuyên, liên tục, quyết liệt, có lúc “tiếng loa hòa tiếng súng”.

Chiếc loa truyền thanh Vĩnh Linh tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: H.H
Chiếc loa truyền thanh Vĩnh Linh tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: H.H

Và sự nghiệp làm báo của ông Phạm Đình Hải bắt đầu từ năm 1961, tại nơi diễn ra cuộc chiến tuyên truyền đấu tranh thống nhất đất nước, khi ông về công tác tại Đặc khu Vĩnh Linh, lần lượt làm phóng viên, biên tập viên, rồi lãnh đạo Đài Truyền thanh - đơn vị phụ trách dàn loa ở Bắc cầu Hiền Lương, bên sông Bến Hải. Không thể kể hết những nỗi gian khổ, hy sinh của những người làm công tác truyền thanh ở vùng giới tuyến trong những năm tháng ấy, bởi ai cũng biết, Vĩnh Linh là vùng đất lửa, là chiến trường ác liệt nhất ở miền Bắc, nơi bình quân mỗi người dân phải gánh chịu 7 tấn bom đạn, và có đến 12.200 người bị giết hại  . Đài Truyền thanh Vĩnh Linh là một trong những trọng điểm đánh phá của Mỹ với mục đích dập tắt tiếng nói của chính quyền và nhân dân nơi đây.

Sau một trận bom Mỹ, cột loa bị gãy, các tuyến đường dây bị đứt, nhiều anh chị em bị chôn vùi dưới đất, thương tích đầy mình, nhưng ông Hải và các đồng nghiệp vẫn quyết tâm gượng đứng dậy khắc phục để đảm bảo tiếng nói của đài không bị tê liệt. Nhiều đồng nghiệp của ông, trong đó có Trưởng đài Ngô Trang đã ngã xuống, còn riêng ông thì luôn hiện diện ở tuyến đầu lửa đạn đúng như nghĩa đen của nó, nhưng ông may mắn thoát chết nhiều lần. Hiện nay, chiếc loa của Đài truyền thanh Vĩnh Linh năm xưa với công sức 500W, chiều dài 2m, đường kính 1,5m, là một trong những hiện vật độc đáo nhất của Bảo tàng Báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngẫu hứng với kịch bản “Trở lại Vĩnh Linh”

Nhớ lại, trong một dịp về dự lễ kỷ niệm ngày truyền thống Đặc khu Vĩnh Linh, nhà báo Phạm Đình Hải gọi đạo diễn phim tài liệu Đoàn Huy Giao cùng đi để vừa có bạn chuyện trò cho vui, vừa để người đạo diễn này có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về một vùng đất nổi tiếng thời kháng chiến, khi đủ điều kiện thì có thể làm một bộ phim tài liệu. Trên đường đi, càng nghe ông kể về những năm tháng gắn bó với vùng đất một thời ngút ngàn lửa đạn này, đạo diễn Đoàn Huy Giao càng thấy thú vị, và máu nghề nghiệp lại nổi lên.

Vừa qua khỏi cầu Hiền Lương, thay vì dự lễ kỷ niệm đạo diễn Đoàn Huy Giao bất ngờ đề nghị ông nên đi xuống cơ sở làm phim luôn, và đề nghị ông Hải làm nhân vật dẫn chuyện, bởi ông từng là người trong cuộc, từng một thời sống chết với mảnh đất này. Khó cho ông rồi, bởi ông là một trong không nhiều các vị khách quý mà chính quyền và nhân dân Vĩnh Linh trân trọng mời dự lễ. Nhiều đồng đội, đồng nghiệp năm xưa và bà con cũng đang chờ gặp ông. Sau phút giây bóp trán nghĩ suy, ông quyết định chấp nhận đề nghị của đạo diễn, bởi ông nghĩ rằng, làm bộ phim tài liệu để giới thiệu đất và người Vĩnh Linh đến với khán giả cả nước thì thiết thực và càng ý nghĩa hơn.

Bộ phim tài liệu “Trở lại Vĩnh Linh” của đạo diễn Đoàn Huy Giao với sự hỗ trợ đầy nhiệt tình của ông Phạm Đình Hải được thực hiện một cách ngẫu hứng với kịch bản chưa có sẵn mà là sáng tạo ngay tại chỗ, trong thời gian chỉ có 2 ngày, kể cả chặng đường đi về đến 600km. Trước và sau đó, chưa có ai làm được phim tài liệu kiểu như vậy. Tuy nhiên, đây là một bộ phim chất lượng, được khán giả đánh giá cao khi phát trên sóng truyền hình khu vực và sóng truyền hình Việt Nam, bởi câu chuyện phim được kể bằng hình ảnh và âm thanh một cách chân thực, sinh động, hấp dẫn, nhiều cảm xúc. Hình ảnh những địa danh nổi tiếng thời chiến tranh như bãi biển Cửa Tùng, bến đò Tùng Luật, địa đạo Vịnh Mốc, dòng sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương… cùng những nhân chứng như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Bang, Anh hùng Lao động Trần Văn Gia, nhà văn Vũ Kỳ Lân - tác giả “Ký sự miền đất lửa” - hiện ra rất bình dị mà có sức liên tưởng lớn. Nhắc lại bộ phim, ông khiêm tốn cho rằng: "Công lao là của đạo diễn Đoàn Huy Giao mà tôi được hưởng tiếng là “Người con rể có tình” (vợ ông là bà Thanh Cầm, quê ở Vĩnh Linh, về sau là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi thành phố Đà Nẵng).

Chú trọng nhân lực làm phim tài liệu

Sau ngày thống nhất đất nước, nhà báo Phạm Đình Hải làm Phó Giám đốc (1977-1978), rồi làm Giám đốc (1978-1999) Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng. Ông là một trong những người có công đặt nền móng cho sự phát triển của ngành truyền hình xứ Quảng và của khu vực miền Trung. Trong bộn bề công việc phải lo toan của một giám đốc đài, ông rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực làm phim tài liệu - thể loại phản ánh người thật, việc thật, có chiều sâu về tư tưởng và nghệ thuật. Bởi ông cho rằng, đất và người miền Trung là nguồn đề tài, nguồn chất liệu và nguồn cảm hứng vô tận cho những người làm phim. Hơn nữa, đây là thể loại phim mà chỉ đầu tư sản xuất một lần nhưng có thể được phát lại rất nhiều lần nên tiết kiệm được kinh phí, máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực.

Ông đã chỉ đạo mở lớp bồi dưỡng dài ngày và mời những nhà làm phim tài liệu có tên tuổi ở trung ương như Lê Mạnh Thích, Bành Châu, Lại Văn Sinh, Phạm Huyên… đứng lớp, trực tiếp hướng dẫn làm thể loại phim này. Từ đó, Đà Nẵng trở thành một trung tâm phim tài liệu khá lớn ở miền Trung với tác giả Đoàn Huy Giao, Huỳnh Hùng, Hồ Trung Tú, Trí Trung, Phan Hồng Linh, Phạm Xuân Hùng, Trà Xuân Phương, Lê Đình Mai, Nguyễn Miên, Lâm Minh Sơn, Nguyễn Rạng Đông, lớp tiếp nối là Trương Vũ Quỳnh, Đoàn Hồng Lê, Dương Mộng Thu… Hầu hết phim của họ được đồng nghiệp và khán giả trong cả nước đánh giá cao và nhận được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.

NSND HUỲNH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.