Yêu thích công việc viết lách và mong muốn tiếp cận với nghề báo, các sinh viên ngành báo chí không chỉ nỗ lực học tập trên giảng đường mà còn dần hoàn thiện kỹ năng mềm với hy vọng tương lai sẽ trở thành những phóng viên, nhà báo thực thụ.
Sinh viên Lại Mỹ Quỳnh (thứ hai, từ trái sang) đang hoàn thành chuyến đi tiền trạm, giúp Quỳnh cũng như các bạn sinh viên có thêm trải nghiệm thực tế, điều cần có của một phóng viên, nhà báo tương lai. Ảnh: H.V |
Trong không khí cận kề ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, sinh viên Lại Mỹ Quỳnh, lớp 21CBC2, thủ khoa ngành Báo chí, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) hào hứng cho biết, tuy chưa trở thành nhà báo nhưng với Quỳnh ngày 21-6 luôn là ngày mà 3 năm qua, em ấp ủ những ước mơ, dự định để có thể tự tin cống hiến khi vào nghề. Nói đến cơ duyên chọn học ngành báo, Quỳnh bộc bạch vì yêu thích văn chương, đam mê với con chữ. Bởi ngày còn nhỏ, Quỳnh sớm có khả năng quan sát sự vật, hiện tượng xung quanh và viết thành những mẩu văn ngắn hay đoạn thơ dài, đoạt nhiều giải thưởng trong lớp, trong trường. Nhờ thỏa sức sáng tạo với con chữ nên khi thi đại học, Quỳnh trở thành thủ khoa đầu vào với số điểm đáng ngưỡng mộ 29,5. Ngoài ra, điều quan trọng hơn là Quỳnh mong muốn được trải nghiệm, học tập, gặp gỡ nhiều người và làm việc trong một môi trường năng động, thú vị.
Theo Quỳnh, muốn trở thành phóng viên, nhà báo thì ngoài lý thuyết, sinh viên phải tự trau dồi và rèn luyện các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, khả năng thích ứng với các môi trường làm việc khác nhau, chịu được áp lực, quản trị thời gian... Đồng thời, phải trung thực, dũng cảm, cẩn trọng, tỉ mỉ, kiên trì, nhạy bén và sáng tạo. “Trải qua 3 năm học, không chỉ được thầy, cô truyền đạt kiến thức, kỹ năng chuyên môn, lồng ghép các yếu tố kỹ năng mềm, phẩm chất người làm báo vào các bài giảng, để sinh viên thực hành ở nhiều môi trường khác nhau mà em còn có cơ hội tiếp xúc, cọ xát thực tế hoạt động báo chí qua các bài tập, các buổi trao đổi với “tiền bối” trong nghề. Nhờ đó, em có góc nhìn đa chiều và sâu sắc hơn, tôi luyện sự cẩn trọng, kiên trì, phát triển kỹ năng giao tiếp, mạnh dạn, không ngại va chạm”, Quỳnh chia sẻ.
Đối với sinh viên Nguyễn Thị Trang, lớp 20CBC3, ngành Báo chí, Khoa Ngữ văn, niềm đam mê, yêu thích nghề báo chỉ chớm nở những năm cấp 3. Đặc biệt, sau khi hoàn thành kỳ thực tập tại cơ quan báo chí trên địa bàn, em như được bồi đắp thêm những giọt phù sa, giúp tình yêu nghề, động lực trở thành phóng viên, nhà báo càng lớn hơn. Mặc dù, trong quá trình thực tập, cô sinh viên vẫn gặp một số khó khăn nhất định nhưng vẫn không hối hận khi chọn học ngành báo. Trang bộc bạch: "Em rút ra kinh nghiệm rằng, đầu tiên phải lễ phép, thân thiện, không nản lòng trước khó khăn, thách thức. Thứ hai, học cách quan sát vấn đề, sự kiện, để phát hiện những góc nhìn mới, đề tài mới. Thứ ba, cần phải trang bị kỹ năng xử lý tình huống, giúp giải quyết vấn đề không mong muốn. Thứ tư, chủ động là yếu tố cần thiết trong công việc, sẽ không ai quan tâm bạn cần gì, không hiểu điều gì, cần làm gì mà bản thân phải chủ động trao đổi, tìm hiểu. Cuối cùng, phải có tinh thần học hỏi, lắng nghe, tiếp thu. Từ đó, tích lũy thêm kiến thức và bài học kinh nghiệm làm bước đệm cho công việc sau này".
Theo nhà báo Phan Vĩnh Yên (Tạp chí Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh), với 15 năm kinh nghiệm làm nghề, chị cho rằng, ngoài lý thuyết, sinh viên cần có các kỹ năng khác như giao tiếp, gợi mở vấn đề hay khả năng chia sẻ, dẫn dắt câu chuyện để nhân vật “mở lòng”. Điều quan trọng, phải có trải nghiệm thực tế, tích lũy vốn sống để từ đó có cái nhìn đa chiều trước một sự việc, một câu chuyện. Đồng thời, phải nắm bắt, tìm hiểu thật kỹ, chuẩn xác vấn đề, sự kiện, câu chuyện, có góc nhìn và bản lĩnh, tránh bị lợi dụng, bị “giật dây” vì “non tay nghề”. Muốn được như vậy, các nhà báo tương lai cần không ngừng trau dồi, học hỏi, tích lũy kiến thức, vốn sống và phải lấy sự thật và cái tâm làm trọng.
HUỲNH VŨ