Quảng bá văn hóa dân tộc bằng công nghệ số

.

Nét vẽ độc đáo pha trộn giữa hiện đại và truyền thống cùng với lời kể chuyện hóm hỉnh và âm nhạc dân tộc du dương, dự án “Đồng bào Việt Phục” của nhóm bạn trẻ 9X đã khiến cộng đồng mạng xúc động lâng lâng trước vẻ đẹp văn hóa của đất nước.

Trang phục truyền thống của đồng bào Hà Nhì. Tranh: Đồng bào Việt Phục
Trang phục truyền thống của đồng bào Hà Nhì. Tranh: Đồng bào Việt Phục

Số hóa di sản

“Đồng bào Việt Phục” là dự án đầu tiên tái hiện trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em một cách sống động thành cuốn artbook kết hợp công nghệ AR (Augmented Reality - công nghệ thực tế ảo). Những người trẻ không chỉ cung cấp thông tin chất liệu, họa tiết, nguồn gốc, ý nghĩa của trang phục mỗi dân tộc mà còn kể câu chuyện về hành trình lịch sử, văn hóa của mỗi người con nước Việt bằng phong tục, tín ngưỡng, lễ hội dân gian, âm nhạc, ẩm thực, nghề…

Khi di sản được số hóa đã có nhiều người tiếp cận dễ dàng hơn, trong đó có giới trẻ. Việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã góp phần tăng cường quảng bá, phát huy giá trị các di sản trong đời sống đương đại.

Ghé trang fanpage “Đồng bào Việt Phục”, người xem thích thú khi lần đầu biết đến phong tục “củi hứa hôn” của thiếu nữ Giẻ Triêng, tục lệ “con chưa có tên, cha phải ở nhà” của đồng bào Pu Péo, nghi lễ xăm cằm của người Mảng, chiếc bánh Dú Đèm của người Sán Chỉ, giấy dó đặc biệt của đồng bào Dao, tục nhổ tóc và bọc răng vàng để tô điểm nhan sắc của chị em Dao đỏ, “Tết Sử Giề Pà” của đồng bào Bố Y, nhạc cụ đặc trưng Hưn Mạy của đồng bào Kháng… Không chỉ thu hút về mặt mỹ thuật, dự án còn mang lại trải nghiệm mới lạ bởi sự chuyển động hình ảnh và nhạc dân tộc âm vang. Người xem vừa có thêm kiến thức vừa đắm chìm trong làn điệu soóng cọ (Sán Chỉ), hát tơm (đồng bào Khơ Mú), điệu múa cổ âm Tăng Bu (Kháng)…

“Đồng bào Việt Phục” vốn là đồ án tốt nghiệp của ba bạn trẻ Trầm Minh Thảo, Lê Vũ Huyền Trân và Đặng Thảo Nhi, ra đời từ niềm đam mê mãnh liệt với di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là trang phục truyền thống - biểu tượng sinh động cho bản sắc dân tộc. “Chúng tôi hướng đến mục tiêu tôn vinh sự đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản quý giá, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào dân tộc và góp phần phát triển ngành công nghiệp trang phục truyền thống”, Lê Vũ Huyền Trân (SN 1999, quản lý nội dung fanpage “Đồng bào Việt Phục”, hiện đảm nhận vai trò thiết kế sản phẩm) chia sẻ.

Chỉ hơn 15 tuần, để hoàn thiện sản phẩm artbook với 108 hình ảnh, 200 trang minh họa trang phục truyền thống của nam, nữ 54 dân tộc, ba bạn trẻ đã làm việc cật lực ngày đêm, liên tục chỉnh sửa cả nội dung lẫn hình thức. Và quả ngọt của sự nỗ lực ấy là sự đón nhận nồng nhiệt của cộng đồng mạng ngay khi những bức tranh đầu tiên được đăng tải lên mạng xã hội. Trước sự yêu mến này, các tác giả đã quyết định mở rộng đồ án tốt nghiệp thành dự án cộng đồng phi lợi nhuận. Chỉ thời gian ngắn sau lời mời gọi, dự án thu hút nhiều bạn trẻ cùng tham gia phát triển.

Lan tỏa tình yêu dân tộc

Trầm Minh Thảo (SN 1999), vẽ minh họa fanpage “Đồng bào Việt Phục” tâm sự: “Chúng tôi nhận thấy thế giới càng hiện đại thì con người lại càng tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống nhiều hơn. Chúng ta có thể thấy những dự án khác về cộng đồng cũng được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Chúng tôi cũng đang tận dụng những lợi thế sẵn có về lòng nhiệt tình, tinh thần dám nghĩ, dám làm và suy nghĩ sáng tạo của người trẻ để khám phá những giá trị văn hóa truyền thống bao đời của cha ông, từ đó có những cách tiếp cận mới mẻ hơn đến các bạn trẻ thời nay”.

Những người trẻ cùng đam mê văn hóa và mong muốn gìn giữ bản sắc dân tộc được kết nối với nhau, từ 3 mở rộng thành 13 và hiện còn 9 thành viên đang tiếp tục phát triển dự án, được chia thành 2 nhóm: thiết kế và nội dung. Tuy nhiên, hành trình lan tỏa văn hóa dân tộc của họ cũng gặp nhiều chông chênh khi dự án gián đoạn gần hai năm. Dự án phi lợi nhuận, không có nguồn thu nên các bạn trẻ đang trong thời gian bước vào thị trường lao động khó cân bằng thời gian. Dẫu vậy, xác định tạm dừng và đi chậm với mục tiêu xa hơn, “Đồng bào Việt Phục” đã quay trở lại trong niềm hạnh phúc của những người vẫn đang ủng hộ và dõi theo. “Dự án này đã trao tặng chúng tôi trải nghiệm quý giá về kiến thức, kỹ năng chuyên môn lẫn tình yêu nước lớn lao. Và chúng tôi nhận ra mình không đơn độc, khi thường xuyên có người nhắn tin, gửi mail hỏi thăm và bày tỏ mong muốn tìm hiểu về các giá trị văn hóa của đất nước. Đó cũng là nguồn động lực để chúng tôi quyết tâm tiếp tục dự án”, Huyền Trân xúc động.

DIÊN VỸ

;
;
.
.
.
.
.