1. "Biến thể của cô đơn” (NXB Trẻ, 2024) của tác giả Yang Phan lấy bối cảnh giả tưởng, khắc họa những thân phận nhỏ bé, cô đơn trong thời đại công nghệ số. Đó là người phụ nữ chỉ trò chuyện với trí tuệ nhân tạo, về mối quan hệ oái oăm giữa một đại gia giàu có và rô bốt, về thí nghiệm cho phép lưu trữ ký ức người chết trong USB... Những người này đều lạm dụng công nghệ với mục đích khác nhau, nhưng tất cả dần nhận ra rằng, niềm tin khoa học có thể giải quyết mọi vấn đề chỉ là ảo tưởng ngây thơ của con người.
Sách đặt ra câu hỏi về bản sắc và sự kết nối. Trong thế giới phẳng, khi bất kỳ thứ gì cũng có thể sao chép hoàn hảo, làm sao để mỗi người giữ được bản sắc riêng? Và liệu rằng, chúng ta đang sống trong thời đại có thể kết nối với tất cả trừ chính mình?
Trong cuốn sách, tác giả viết: "Cô đơn buộc loài người thực hiện cuộc tìm kiếm sự đồng điệu bằng công nghệ và các mối quan hệ chóng vánh. Cho đến một ngày, ta nhận ra đó chỉ là liều thuốc mê nhằm xoa dịu khoảng trống trong mình. "Biến thể của cô đơn" là cuộc hành hương của những con người đang tìm lại linh hồn giữa thời đại công nghệ. Nhiều kẻ đã thành công. Số khác, vẫn chạy theo những chuỗi kết nối chưa bao giờ thực sự tồn tại trên đời".
Yang Phan là tác giả đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác Văn học Tuổi 20 lần 7 với tác phẩm "Vụn ký ức". Các tác phẩm khác đã xuất bản: "Đánh Đổi" (2015); "Bẫy" (2015); "Ngày buồn sẽ tạm biệt ta mà đi" (2019); "Đêm đã sâu, sao em chưa tắt đèn" (2022); "Thế giới xấu xí, với anh em vẫn đẹp" (2023).
2. “Đặt tên thương hiệu” (NXB Thế giới, 2024) của tác giả Leader Thanh gồm sáu phần, giới thiệu về khái niệm, các nguyên tắc đặt tên và truyền thông trong kinh doanh. Mỗi chương trình bày gãy gọn, chi tiết vấn đề được nói đến, giải thích cặn kẽ cho độc giả.
Không đi sâu vào các bước của quá trình xây dựng độ nhận diện đối với người làm kinh doanh, sách khái quát các thông tin cơ bản về quá trình này: Từ lịch sử buôn bán thô sơ của con người đến sự phát triển tầm cao kinh doanh là marketing, và đỉnh cao hơn của kinh doanh thời hiện đại là "làm thương hiệu". "Có thương hiệu là có tất cả, không có thương hiệu thì rất khó tồn tại chứ đừng nói đến phát triển", sách viết.
Theo Leader Thanh, chưa có công thức chung nào cho việc tạo tên, nhưng vẫn có những phương thức nhất định giúp mỗi cá nhân và doanh nghiệp sáng tạo. Mỗi cái tên phải dễ nhớ, nên sử dụng mẫu tự Latin, không nên là tên viết tắt hoặc chứa nghĩa tiêu cực, phù hợp với phân khúc khách hàng và thị trường mục tiêu.
MẪU ĐƠN