Thế giới hiện đại dưới góc nhìn của nhà văn 9X

.

"2 người trong 1 ngăn tủ" (NXB Trẻ, 2023) là thế giới mà tác giả trẻ Phát Dương xây nên như một tấm gương soi rọi tất cả những góc khuất u tối nhất mà con người ở thời đại nào cũng đang dính mắc. Những nhân vật, những câu chuyện xảy ra như hồi chuông gióng lên để mỗi người ở thế giới hiện đại tự ngồi lại, nhìn sâu vào bên trong mình, tự chữa lành những tổn thương, chính mình, không ai khác bằng việc sống tích cực, tỉnh thức, kết nối lại với mọi thứ trong đời sống thực tại.

"2 người trong 1 ngăn tủ" gồm 12 truyện ngắn đậm đặc huyền ảo và giả tưởng, trong suốt 12 truyện ngắn này tác giả trẻ Phát Dương không đặt nặng vấn đề về sự cô độc và nỗi sợ hãi của con người khi thế giới dần bị trí tuệ nhân tạo và rô-bốt thống trị. Điều anh quan tâm và trăn trở nhất là nhân tính của con người đặt trong bối cảnh đặc biệt đó. Sự cô độc, cuối cùng cũng do chính con người tạo ra. Thế giới của những khối kim loại lạnh lẽo cũng không lạnh bằng chính cách ứng xử lạnh lùng của con người với con người. Với anh, nhân tính, tình người, tình yêu thương giữa người với người mới chính là sức mạnh giúp con người không dễ bị khuất phục bởi yếu tố nào, thế lực nào. Thế giới mà Phát Dương xây nên trong tập truyện lần này như một tấm gương soi rọi tất cả những góc khuất u tối nhất mà con người ở thời đại nào cũng đang dính mắc.

Điều tác giả Phát Dương quan tâm và trăn trở nhất là nhân tính của con người. Sự cô độc, cuối cùng cũng do chính con người tạo ra. Thế giới của những khối kim loại lạnh lẽo cũng không lạnh bằng chính cách ứng xử lạnh lùng của con người với con người. Với anh, nhân tính, tình người, tình yêu thương giữa người với người mới chính là sức mạnh giúp con người không dễ bị khuất phục bởi yếu tố nào, thế lực nào.

Nhân vật của Phát Dương lần này là những con người vô cùng đặc biệt. Đó có thể là một sinh thể mang số thứ tự P193 được đánh thức từ buồng trữ đông trong thế giới của những ngăn tủ chỉ chứa nổi 2 con người, năm 3001. Đó cũng có thể là người trẻ, người già đang mắc kẹt vào cuộc đào thải cay nghiệt của thế giới trong phép tính loại trừ để bảo toàn dân số ở trong và ngoài thành phố nọ. Hoặc cũng có thể là những cái mặt nạ tràn lan khắp mọi nơi trong thành phố. Cuộc sống lạ lùng và kỳ dị vẫn quay đều… Những nhân vật, những câu chuyện xảy ra như hồi chuông gióng lên để mỗi người ở thế giới hiện đại tự ngồi lại, nhìn sâu vào bên trong mình, tự chữa lành những tổn thương, chính mình, không ai khác bằng việc sống tích cực, tỉnh thức, kết nối lại với mọi thứ trong đời sống thực tại. Bằng không, đến một lúc, nếu không bị đào thải, chúng ta cũng sẽ bị mọt ăn, như Tường trong truyện ngắn “Mọt” mà Phát Dương đã dựng lên, đầy ẩn ý.

Tôi thích cái cách mà Phát Dương mạnh tay đẩy những bi kịch của con người đến tận cùng trong thế giới đó. Như trong truyện ngắn “2 người trong một ngăn tủ”, bi kịch đến từ sự tha hóa trước sức mạnh của đồng tiền. Khi P193 nhận ra sự thực đau đớn “luôn có chỗ cho người có tiền”, tôi nhìn ra một mảnh vỡ vừa hình thành trong trái tim ngủ đông nhiều năm của cậu ấy. Hay như trong “Tàn tích”, mỗi một tàn tích chứa gương mặt của mười người, nó tự biến mất như khi xuất hiện. “Những người bước vào tàn tích, khi bước ra họ luôn thay đổi. Họ sẽ phô ra gương mặt họ đang cố giấu, hoặc đánh mất, mà họ nhặt được trong đó và đeo lên”. Tàn tích trong thế giới hậu hiện đại của Phát Dương có lẽ sẽ khiến con người ta sởn gai ốc khi chứng kiến những gương mặt được nhặt lại (mà có lẽ chẳng ai muốn nhặt - trừ khi bị tàn tích gọi đích danh và buộc phải bước vào nó). Người ta bị buộc phải nhận lại chính quá khứ đã từng chối bỏ của mình - như một quả báo - những quá khứ đầy tổn thương và đau đớn... Dọc theo 12 truyện ngắn, đều có những sự lựa chọn khi con người không ngừng tranh đấu sống cho đúng chất người. Mỗi con người đều phải tự chịu trách nhiệm cho chính lựa chọn đó, nhân tính hay phi nhân tính đều có cái giá phải trả.

Phát Dương tên thật Dương Thành Phát, sinh năm 1995. Anh được bạn đọc biết đến từ giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VI-2018 với tập truyện “Tự nhiên say”. Phát Dương là một trong những cây bút nổi bật của Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay với sức viết đầy nội lực, luôn gọt giũa câu chữ sắc bén, văn phong riêng biệt, độc đáo. Sau tập truyện “Tự nhiên say”, anh cũng đã xuất bản tập truyện đặc sắc dành cho thiếu nhi “100 cửa sổ”, tập truyện “Mở mắt và mơ”, “Bộ móng tay màu đỏ”… Ngoài viết văn, Phát Dương còn mát tay ở mảng vẽ minh họa. Điều thú vị ở anh chàng là làm tốt cả hai thứ trái ngược trong mình: con chữ văn chương già dặn bao nhiêu thì những nét vẽ trên tranh minh họa của anh lại tươi tắn mang tính trẻ thơ hồn nhiên bấy nhiêu. Tự viết, tự vẽ cho cuộc đời mình đầy thi vị, chính là bức chân dung đẹp nhất của chàng trai này.

TRẦN HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.