Cất tiếng từ miền sâu thẳm

.

Thơ là sự tinh tế của khoảnh khắc được kết tinh từ sự lóe sáng của ý nghĩ và cảm xúc trước cuộc đời của chủ thể khi đã chín muồi. Từ khoảnh khắc được kết tinh đó, thơ đem lại cho người đọc những suy tư sâu sắc. Với sự cần mẫn trong hành trình cày sâu trên cánh đồng chữ nghĩa, 44 bài thơ trong tập thơ “Trên tầng sâu ý nghĩ” của nhà thơ Đào An Duyên (NXB Hội Nhà văn, 5-2024) là những khoảnh khắc kết đọng như vậy.

Như con tằm kiệt mình nhả tơ trên nong, Đào An Duyên đã vắt kỹ phía sâu thẳm lòng mình dành cho Tây Nguyên, nơi chị đã gửi gắm cuộc đời mình suốt bao năm qua để khởi phát những lời thơ đầy sức gợi, chất chứa ở đó những vỉa tầng sâu sắc. Chính vì vậy, đọc thi tập, thoạt tiên người đọc sẽ ấn tượng bởi những phác họa đầy tính gợi về vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng của núi rừng: “Em ẩn mình vào thác/ Nắng mây trời nghiêng rơi/ Suối hiền như lời gọi/ Phía nào cũng mặt trời” (Chiều Kbang).

Những nỗi niềm của nhà thơ cũng tinh tế hiện ra trên từng câu chữ: “Anh chờ em phía núi/ Núi trôi theo mây trời/ Chạm vào miền đồi thẳm/ Em và chiều nghiêng rơi” (Chạm miền đồi thẳm). Trên phông nền đó, người đọc sẽ phát hiện và lắng sâu trong những khoảnh khắc khi chủ thể nhận ra những nhẽ điều của thực tại, của cuộc sống bộn bề mỗi ngày luôn mở ra trước mắt. Để rồi, khi đối mặt với những mảng màu vốn có ấy của đời sống, nhà thơ đã lặng lẽ gửi gắm những ý nghĩ, chiêm nghiệm về sự tái sinh: “Người ngồi đấy/ Mai rồi biền biệt/ Ta có thề tái sinh vào một kiếp có thể không còn nhau” (Chiều tượng mồ).

Trong mạch thi cảm ấy, bằng nhãn quan tinh tế, tác giả đã quan sát, thu nhận và khắc họa lên thơ những nét văn hóa Tây Nguyên đặc trưng. Hình ảnh “Người đàn bà Jơrai ngồi dệt vải” nhịp nhàng trong tiếng thoi đưa dệt những sợi chỉ đủ sắc màu cho cuộc sống sinh hoạt, cho trầm tích núi rừng, cho những khoảng chiều bazan lộng gió. Ấn tượng hơn chính là những “chạm khắc theo một cách riêng” của tác giả khi đưa vào thơ những biểu tượng văn hóa qua những tượng gỗ kỳ lạ trong những ngôi nhà mồ, gợi nhớ về tập tục bỏ mả của người Jarai. Từ đó liên tưởng đến những trạng thái vui buồn trong cuộc đời mà ai cũng phải trải qua: “Chẳng biết đại ngàn rồi có khổ đau/ nước mắt đêm chia ly có hóa thành thác đổ/ ta lặng nghe hồn mình vụn vỡ/ rồi mục đi… không biết tự kiếp nào…” (Lời tượng gỗ).

Xứ núi ân tình đã cho nhà thơ một bờ vai nương tựa bao năm. Chị khát khao đồng điệu với quê hương thứ hai nhưng trong tầng sâu ý nghĩ, hình bóng miền quê xa nơi chị sinh ra vẫn luôn thường trực, ám ảnh và day dứt. Người đọc cùng lắng lại trong những hồi cố xa xưa mạnh mẽ bằng con đường của nỗi nhớ, của giấc mơ xanh, của hồi tưởng và chiêm nghiệm. Những thi ảnh thân thương một thời xuất hiện trên những câu thơ như gió quê, cánh diều, bờ sông, lời ru, tiếng gà, cánh đồng, đường cày… khiến độc giả xúc động: “Tôi gửi buổi chiều những gam màu tháng năm/ Vẽ vào buồn vui phận số/ Cánh đồng xanh/ Đàn cò trắng/ Dòng sông nâu sậm phù sa/ Mẹ tôi dấu chấm nhỏ li ti lẫn vào làn mưa mịt mùng/ Tôi chọn màu nào để vẽ dáng hình ngày cũ” (Vẽ chiều).

Những tiếng thơ rót ra với âm hưởng nhẹ nhàng, tự nhiên, cứ thế đến với người đọc. Người đọc sẽ thấy được một tiếng lòng hết sức nhân văn, đầy tình nghĩa của tác giả với mảnh đất mình đang nương tựa và quê hương xứ cũ. Chị cứ trở đi rồi trở về giữa hai không gian ấy bằng thơ mặc thời gian, mặc khoảng cách: “Con tựa vào núi tìm lại bình yên/ Chuyện thành thị phố phường lòng người chật chội/ Đàn cò mải miết bay theo mặt trời về núi/ Núi ngủ dần trên bóng mình ngả vào đồng ruộng quê hương” (Bóng núi).

Thêm một miền mĩ cảm nữa mà Đào An Duyên muốn gửi đến người đọc qua thi tập chính là những xúc cảm về chiến tranh. Chiến tranh đã theo lối thời gian để lùi xa nhưng những âm vang, những chứng tích, mà đặc biệt là những nỗi đau thì vẫn còn mãi. Bao khói nhang đốt lên trong chiều nắng Vị Xuyên, sự lặng im khi đứng cạnh bên những tấm bia liệt sĩ, những tiếng gọi tìm đồng đội của người cựu binh năm xưa trở về sau chiến tranh cứ cựa thắt nỗi lòng hậu thế và khôn nguôi ám ảnh người đọc: “Người lính già gọi tên đồng đội/ Tiếng gọi loang trong nắng tháng Bảy/ Thắt tim tôi…” (Nắng chảy ngày Vị Xuyên).

“Thơ là rượu của thế gian” (Huy Trực). Rượu ngon hơn khi càng để cũ, thơ lắng đọng, gợi khơi xúc cảm và tạo ra những say sưa mạnh mẽ hơn khi nhà thơ càng chưng cất kĩ lưỡng từ những tầng sâu của tâm hồn và ý nghĩ. Thi tập “Trên những tầng sâu ý nghĩ” của nhà thơ Đào An Duyên chính là những chưng cất như thế, thi tập sẽ mở ra cho người đọc những không gian với những chiều kích khác nhau. Có thể nói, giữa bộn bề nắng gió Tây Nguyên, tác giả đã quan sát tinh tế, chắt chiu cảm xúc và kỹ càng gọi chữ để làm nên một mùa thơ như nắng, khiến lòng đọc giả ấm lên.

Đào An Duyên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện chị sinh sống và dạy học tại Gia Lai. Trong hành trình văn chương, chị đã xuất bản năm cuốn sách và xuất sắc đoạt được nhiều giải thưởng văn học uy tín của các hiệp hội văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương. Thi tập “Trên tầng sâu ý nghĩ” là tập thơ mới nhất, thể hiện rõ tinh thần sáng tạo miệt mài của chị.

TRẦN VIỆT HOÀN

;
;
.
.
.
.
.