Có một Nguyễn Trọng Tạo - Nhà báo

.

Hình như ngay từ ngày ở Quân khu IV thời chiến tranh, Nguyễn Trọng Tạo đã bắt đầu viết báo. Chắc sẽ là cộng tác viên “Báo Quân khu IV” chẳng hạn, giống như tôi là cộng tác viên báo “Thông tin” của Binh chủng Thông tin. Những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp làm báo đã khiến cho Tạo in thơ trên báo đều đều. 1978 là năm Tạo gặt hái được nhiều giải thưởng thơ trên các tờ báo “Nhân dân”, “Văn nghệ”... và bắt đầu nổi tiếng trên văn đàn cũng từ gốc báo chí mà nên.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: T.L
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: T.L

Song phải nói đến khi Tạo chuyển ngành về Hội Văn nghệ Bình - Trị - Thiên năm 1986 đúng thời kỳ mở cửa, đổi mới thì con người báo chí trong Nguyễn Trọng Tạo đa tài mới có đất để vùng vẫy. Công việc chính của Tạo lúc ấy là làm xuất bản cho hội nhưng Tạo vẫn là một tiếng nói có trọng lượng với tạp chí “Sông Hương” lúc ấy rất nổi tiếng. Đến khi tách tỉnh Bình Trị Thiên trở lại thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tuy vẫn ở Huế, Tạo đã vừa cộng tác với tạp chí “Sông Hương”, lại vừa là một trong ba người sáng lập ra tạp chí “Cửa Việt” do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị làm chủ xị. Nhà văn Nguyễn Quang Lập trực tòa soạn ở thị xã Quảng Trị. Còn Tạo thì vừa tham gia biên tập, vừa là người chịu trách nhiệm mỹ thuật cho tạp chí kể cả khâu in ấn. Con người họa sĩ đồ họa trong Tạo đã có đất tung hoành ở tạp chí. “Cửa Việt” ra được 13 số thì tạm dừng năm 1992, cũng như “Sông Hương” tạm dừng ở số 36 giữa năm 1989.

Khi “Cửa Việt” tạm dừng thì lúc ấy “Sông Hương” đã được ấn hành, Tạo lại gắn bó cùng “Sông Hương” cho đến khi ra làm “Tạp chí Âm nhạc” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Mùa thu 1997, khép lại một thời kỳ dài làm báo ở địa phương, mở ra một thời kỳ làm báo ở Hà Nội, ở Trung ương. Về “Tạp chí Âm nhạc”, Tạo làm Thư ký Tòa soạn. Ba con người nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ trong Nguyễn Trọng Tạo thỏa sức vẫy vùng trong một tờ tạp chí chuyên ngành âm nhạc. Số báo đầu tiên Tạo trình làng ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính là số đặc biệt - số ghép của nhiều số nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-1977).

Tạp chí phát hành dày dặn về nội dung, mãn nhãn về hình thức đã đưa Tạo lên vị trí chính thức của một người làm báo, làm chủ một tờ báo sau bao nhiêu năm chỉ là người viết báo. Một vị trí rất xứng đáng với tài năng tiềm ẩn trong Nguyễn Trọng Tạo. Nhạc sĩ An Thuyên cầm “Tạp chí Âm nhạc” số đặc biệt này cứ khen nức nở sự tài hoa của Tạo, khen là khen thật chứ không phải là bạn Khu IV với nhau. Tạo cứ thế trấn cửa “Tạp chí Âm nhạc” cho đến khi về hưu. Trong lúc vẫn là chủ “Tạp chí Âm nhạc”, Tạo còn được nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn mời làm chủ xị tờ báo “Thơ” (phụ bản của báo Văn nghệ) kiểu như “Văn nghệ trẻ”. Ở tờ “Thơ”, Tạo được toàn quyền làm cả nội dung và hình thức. Tờ “Thơ” là tờ báo đặc biệt, lo nội dung là Tạo. Mỹ thuật là Tạo. In ấn là Tạo. Tạo làm báo đã đời đến thế thiết tưởng thời kỳ đó ngoài anh ra không ai làm được. Có hôm làm xong một số báo, mệt quá, Tạo lao vào văn phòng cơ quan tôi ở 59 Tràng Thi - Hà Nội nằm vật trên ghế nệm dài.

Về hưu rồi, ngoài rong chơi, uống rượu, làm thơ, Tạo làm tạp chí "Sao Việt" một thời gian ngắn. Sau đó Tạo lại bắt tay vào làm báo mạng. Tờ báo mạng của Tạo cũng đầy uy tín. Lúc này, Tạo đã đạt được cảm giác làm báo “như không” rồi. Tôi nhớ có lần ở Quy Nhơn, Tạo vừa uống rượu với tôi, vừa ngồi trước máy tính để đăng tải các bài lên tờ báo của mình khi vừa biên tập xong. Báo mạng quả là lợi hại khôn cùng. Khi ấy, Tạo có thể đăng cả cuốn tiểu thuyết “Hàn Mặc Tử - Thi sĩ đồng trinh” (NXB Văn học) của tôi lên tờ báo mạng của mình. Ngày hôm ấy, tôi và Tạo uống whisky từ 11 giờ trưa đến 5 giờ sáng hôm sau. Anh em văn nghệ Quy Nhơn yêu quý hai thằng tôi thay nhau kíp này kíp khác đến uống cùng, cuối cùng chỉ còn lại nhà văn Lê Hoài Lương. Tàn cuộc rượu, Tạo đóng máy tính, ra sân bay bay về Hà Nội uống tiếp. Quá kinh!

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019), sinh ra trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã xuất bản hơn 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình tiểu luận và đoạt nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Ông để lại những tập thơ, trường ca được viết bởi bút pháp tài hoa như: Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao… Nhiều ca khúc nổi tiếng của ông như: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang... Về hội họa, Nguyễn Trọng Tạo là tác giả của hàng trăm bìa sách và minh họa. Ngày 12-6-2024, tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã diễn ra lễ khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

NGUYỄN THỤY KHA

;
;
.
.
.
.
.