Giữ hoài trên mặt cỏ

.

Đường tạt bóng từ chân tiền vệ Alexander Prass điêu luyện đến mức như đặt vào đầu Christoph Baumgartner với cú bật cao đưa bóng vào cầu môn. Sau lúc đập đất, quả bóng bay gọn về hướng trụ thành xa trong thế trống trải. Ồ, bàn thắng gỡ hòa cho đội tuyển Áo, kéo cuộc thư hùng vào hai hiệp phụ đây rồi! Ai cũng nghĩ thế khi nhìn dáng thủ môn Mert Gunok đang kề bên trụ thành gần. Vậy mà không! Cú bay người thanh thoát cùng cánh tay phải phóng ra của người giữ thành Thổ Nhĩ Kỳ kịp đẩy bóng ra khỏi cầu môn. Không cò bàn thắng gỡ hòa và tỉ số được giữ nguyên 2-1 khi tiếng còi tan trận cất lên sau đó chẳng bao lâu.

Những phút cuối trận, khi Thổ Nhĩ Kỳ đang dẫn 2-1, Áo liên tục tấn công vây hãm khung thành thủ môn Gunok. Sự xuất sắc của Mert Gunok giúp Thổ Nhĩ Kỳ làm nên lịch sử, lọt vào tứ kết Euro 2024. Ảnh: Internet
Những phút cuối trận, khi Thổ Nhĩ Kỳ đang dẫn 2-1, Áo liên tục tấn công vây hãm khung thành thủ môn Gunok. Sự xuất sắc của Mert Gunok giúp Thổ Nhĩ Kỳ làm nên lịch sử, lọt vào tứ kết Euro 2024. Ảnh: Internet

Một pha cứu thua không tưởng! Bằng các đầu ngón tay của mình, Gunok giữ lại chiếc vé vào tứ kết cho Thổ Nhĩ Kỳ trong một trận cầu giàu chất lượng và cú cản phá này sẽ hiển hiện rạng rỡ trong trang sử đáng trân trọng của Vòng chung kết Euro 2024. Vô số lời ca ngợi dành cho khoảnh khắc giàu xúc cảm từ tài nghệ và nỗ lực của người giữ thành này. Phút chốc, chiếc sổ ghi chép các pha cản bóng trứ danh xưa nay trên sân cỏ được các nhà chuyên môn mở ra để trân trọng điền thêm cái tên mới Mert Gunok. Chàng thủ môn ít tên tuổi trước đó của đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ giờ đàng hoàng xếp chung chiếu với các bậc tiền bối, đàn anh Gordon Banks, David Seaman, Jim Montgomery, Gianluigi Buffon, Peter Schmeichel, Iker Casillas, Jerzy Dudek…

Trong đó, cái đẹp và giá trị từ pha cứu thua của Gunok được sánh với cú đẩy bóng của tiền bối Gordon Banks sau pha dứt điểm của danh thủ Pele trong trận Anh gặp Brazil ở Vòng chung kết World Cup 1970; pha cản phá của Buffon (Ý) sau cú đánh đầu cận thành của Zinedine Zidane (Pháp) trong trận chung kết World Cup 2006 với ngôi quán quân sau đó về tay đội tuyển Ý hay cú ra chân cản bóng vào phút cuối của Emiliano Martinez (Argentina) trước cú sút căng của Kolo Muani (Pháp) trong trận chung kết World Cup 2022 mới đây.

Bằng tài năng xuất thần trong khoảnh khắc mang tính định đoạt số phận và hành trình đi sâu vào giải của đội nhà từ một pha bóng cứu thua, như các thủ thành thế hệ đi trước, Gunok đã “giữ chỗ cho mình trong cuốn sử của sân cỏ thế giới”. Chữ dùng này của một chuyên gia bóng đá châu Âu quả xứng với các đóng góp của người giữ thành dũng cảm, sắc sảo này. Trên chiếc chiếu hoa rạng rỡ ấy, chỗ của Gunok được công chúng ngắm nhìn với lòng chờ đợi rằng chàng trai trẻ sẽ còn cống hiến thêm nhiều khoảnh khắc giàu rung cảm hơn nữa để sân cỏ ngày thêm quyến rũ.

Và nếu tiền vệ Jude Bellingham của đội tuyển Anh cảm nhận được sự vinh danh của khán giả dành cho Gunok lúc này thì có thể chàng tuyển thủ trẻ của đội tuyển Anh sẽ phần nào hối tiếc về cử chỉ bốc đồng của mình sau lúc ghi bàn thắng vào lưới đội Slovakia. Bàn thắng đẹp và quý, dẫn đến chiến thắng sau cùng và chiếc vé vào tứ kết cho đội nhà nhưng cách chàng trai 21 tuổi ăn mừng thì thật đáng hổ thẹn vì tục tĩu. Dù Bellingham giải trình với cuộc điều tra của UEFA rằng đây chỉ là cử chỉ riêng hướng về các bạn thân của mình trên khán đài nhưng ít ai tin vào cách chống chế này. Người ta nhắc chuyện anh từng xử sự như thế để trả đũa người chê mình khi khoác áo Borrusia Dortmund vào 3 năm trước trong một trận đấu với Bayern Munich. “Cậu ấy có tài, ai cũng biết nhưng không nên thô lổ như thế. Thật xấu hổ khi phải chứng kiến hành vi ấy ở một bạn trẻ!”, Diltmar Hamann- cựu tuyển thủ Đức từng khoác áo câu lạc bộ Liverpool- tỏ ý tiếc với người đàn em. Anh bảo rằng nếu không sửa chữa, Bellingham sẽ khó tiến xa trong sự nghiệp và rằng lịch sử bóng đá sẽ chóng quên cậu ấy vì chẳng ai muốn mang về những hình ảnh khiến mình tổn thương.

Chắc chắn rồi, công chúng sẽ quên những ai làm họ vơi đi cảm hứng bởi sân cỏ chỉ chọn giữ cho mình sắc xanh hồn nhiên…

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.