Hàn Quốc và câu chuyện giáo dục phòng, chống tự tử

.

Ở Hàn Quốc, tự tử không còn được nhìn nhận là vấn đề cá nhân mà đã trở thành vấn nạn nhức nhối xã hội khi tỷ lệ tự tử cao trên thế giới. Giới chức nước này không ngừng nỗ lực để đảo ngược tình trạng này, trong đó đưa giáo dục phòng, chống tự tử thành chương trình bắt buộc được kỳ vọng sẽ nuôi dưỡng và lan tỏa văn hóa tôn trọng sự sống mạnh mẽ hơn.

Bức tượng một người đàn ông đang an ủi người khác được dựng trên cầu Mapo, Seoul (Hàn Quốc) để ngăn chặn hành vi tự tử. Ảnh: Yonhap
Bức tượng một người đàn ông đang an ủi người khác được dựng trên cầu Mapo, Seoul (Hàn Quốc) để ngăn chặn hành vi tự tử. Ảnh: Yonhap

Những con số báo động

Hàn Quốc đang đối mặt căn bệnh trầm kha nghiêm trọng của thời hiện đại: tự tử. Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở giới trẻ hiện nay. The Korea Times dẫn báo cáo gần đây của Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc cho biết, tỷ lệ tự tử trên 100.000 người trong độ tuổi 9-24 là 10,8 ca - cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong do tai nạn (3,9 ca) và ung thư (2,5 ca). Không chỉ người trẻ, người già cũng rơi vào trạng thái tinh thần cực đoan này. Trong 6 tháng đầu năm 2023, gần 7.000 người tự tử, đánh dấu mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chuyên gia quan ngại những con số đáng buồn này có thể chưa dừng lại nếu không thực thi chính sách ngăn chặn quyết liệt hơn.

Yonhap dẫn nhận định của giới chuyên gia tâm thần học cho rằng, tốc độ công nghiệp hóa vũ bão trong những thập niên gần đây dường như là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số vụ tự tử. Ngược dòng quá khứ khi nơi đây vốn là xã hội nông thôn với các gia đình đông con, dẫu điều kiện sống còn khó khăn nhưng vẫn tồn tại sợi dây liên kết gia đình, bạn bè và láng giềng truyền thống. Vì vậy, mọi người, đặc biệt là người trẻ tuổi, ít nhiều có sự sẻ chia, hỗ trợ lẫn nhau dễ dàng hơn. Giờ đây, ở một xã hội hiện đại cạnh tranh cao với quá nhiều sức ép, căng thẳng tột độ từ công việc đến đời sống riêng tư như vậy, càng có nhiều người trẻ “rơi tự do” vào thế giới đơn độc với hội chứng “xa lánh cộng đồng”, và đây ắt hẳn cũng có thể là một trong những tác nhân dẫn đến hành vi nông nỗi tự hại bản thân.

Chương trình giáo dục bắt buộc

Trước tình hình đáng báo động nói trên, theo The Korea Times, Chính phủ Hàn Quốc vừa phê duyệt sắc lệnh thực thi sửa đổi của luật có liên quan, yêu cầu học sinh các cấp tiểu học, THCS và THPT, sinh viên, nhân viên tại các cơ quan công sở, bao gồm các cơ sở và bệnh viện do nhà nước điều hành phải tham gia chương trình giáo dục phòng chống tự tử hằng năm. Các doanh nghiệp tư nhân có từ 30 nhân viên trở lên cũng được khuyến cáo tham gia.

Theo quy định có hiệu lực từ ngày 12-7, người quản lý các tổ chức nói trên phải xây dựng các chương trình đào tạo về phòng ngừa tự gây hại và thực hiện ít nhất một năm một lần trực tiếp hoặc trực tuyến cho học sinh, sinh viên và nhân viên, đồng thời phải báo cáo kết quả cho cơ quan chức năng. Chương trình đào tạo gồm hai phần chính: giáo dục người tham gia về bản chất của hành động tự tử, gồm các yếu tố góp phần làm suy giảm sức khỏe tâm thần và chiến lược vượt qua tình trạng này; cung cấp hướng dẫn thực tế về hỗ trợ những cá nhân có nguy cơ tự tử cao, bao gồm cách nhận biết dấu hiệu cảnh báo và chiến lược ứng phó hiệu quả.

Hàn Quốc kỳ vọng giảm tỷ lệ tự tử từ 25,2 ca/100.000 người xuống mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 10,6 ca/100.000 người trong 10 năm tới. Kể từ năm 2003, Hàn Quốc luôn là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số 34 quốc gia thành viên OECD. Do vậy, công chúng đang dõi theo nỗ lực đưa chính sách này đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, tạo sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức, phần nào làm vơi bớt ý nghĩ, hành vi tự hại. Bà Lee Young-hoon, quan chức cấp cao từ Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết: “Hơn một nửa số người mà tôi nói chuyện trong nhiều năm tiết lộ rằng họ từng có ý định hoặc cố gắng tự tử. Do đó, tôi nghĩ những chương trình giáo dục như vậy sẽ cứu thêm nhiều mạng sống”.

Rõ ràng, những gì Hàn Quốc đã và đang nỗ lực xoa dịu vấn nạn tự tử cũng có thể là bài học chiêm nghiệm thiết thực cho các quốc gia khác vốn cũng đang loay hoay thoát khỏi tình cảnh này. Nhìn về Hàn Quốc rồi ngẫm sang nước láng giềng Nhật Bản để thấy rằng cũng không phải vô lý mà chính quyền tỉnh Yamagata thông qua sắc lệnh kêu gọi người dân... cười ít nhất một lần mỗi ngày để nuôi dưỡng nguồn năng lượng nội tâm tích cực, sống cởi mở và tận tâm với cuộc đời. Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh các quy định của chính quyền, cũng như dịch vụ giúp hỗ trợ sức khỏe tâm thần, rất cần sự tương tác, sẻ chia và quan tâm lẫn nhau hơn nữa trong các mối quan hệ xã hội, và đặc biệt là gia đình, để gỡ “nút thắt” tâm lý tiêu cực dồn nén, phần nào ngăn ngừa suy nghĩ và hành vi tự hại, để thấm nhuần tư tưởng “Cao cả thay cái chức vị làm người trên trái đất” như lời nhà văn M.Gorki.

Nhìn về Hàn Quốc rồi ngẫm sang nước láng giềng Nhật Bản để thấy rằng cũng không phải vô lý mà chính quyền tỉnh Yamagata thông qua sắc lệnh kêu gọi người dân… cười ít nhất một lần mỗi ngày để nuôi dưỡng nguồn năng lượng nội tâm tích cực, sống cởi mở và tận tâm với cuộc đời.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.