Tại vùng biển ngoài khơi của Colombia có một khu trưng bày điêu khắc độc đáo dưới đáy biển được tạo ra với mục đích cũng độc đáo không kém: thiết lập không gian bảo tồn cho các loài san hô đang bị đe dọa trước hoạt động du lịch và tình trạng biến đổi khí hậu.
Khu trưng bày dưới đáy biển ở vùng biển Caribe của Colombia đã giúp bảo vệ các rạn san hô khỏi các mối đe dọa từ du lịch và biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP |
Sáng kiến “có một không hai” này cho tới nay là sự kết hợp sáng tạo của nghệ thuật, văn hóa bản địa, nỗ lực bảo tồn biển và sự bền vững môi trường.
Khu trưng bày dưới đáy biển
Theo Hãng tin AFP, khu trưng bày này do hai người thợ gốm Hugo Osorio và Pedro Fuentes thực hiện theo sự ủy quyền của người đã nghĩ ra ý tưởng thành lập nó: nhà thiết kế thời trang và cũng là một cư dân trên đảo Isla Fuerte, chị Tatiana Orrego.
25 bức tượng gốm có được cho tới nay đã tạo nên một bãi ám tiêu nhân tạo trong vùng nước xanh xung quanh đảo thiên đường Isla Fuerte, ngoài khơi bờ biển Colombia.
Những bức tượng gốm cao 1,5m, nằm rải rác ở độ sâu khoảng 6m dưới đáy biển, đã trở thành “điểm đến” hấp dẫn các “du khách” - vốn chủ yếu là các loài cá, nhưng cũng đôi khi có cả các thợ lặn.
Các bức tượng này đã được đặt ở đó kể từ năm 2018 theo sáng kiến có tên MUSZIF của chị Tatiana Orrego. “Khi tôi nhận ra tình trạng suy thoái trong các bãi ám tiêu tự nhiên của hòn đảo, tôi đã nhìn thấy ở dự án nghệ thuật một khả năng giúp bảo vệ và hỗ trợ đời sống cho các rạn san hô”, chị Orrego chia sẻ với AFP về sáng kiến của mình.
Khi đó chị Orrego đã cấy vào bên trong các bức tượng gốm của mình những nhánh san hô bé và quan sát thấy chúng sinh trưởng rất tốt tại đó. Các bức tượng gốm là “chất nền lý tưởng” để loài động vật không xương sống của biển sinh trưởng. Cũng từ đó, nhà thiết kế thời trang đã trở thành người kiến tạo nên khu trưng bày nghệ thuật dưới đáy biển đầu tiên của Colombia.
Khu trưng bày nghệ thuật dưới biển của đảo Isla Fuerte đón tiếp khoảng 2.000 du khách mỗi năm. Theo chị Orrego, nó mang lại “một không gian khác để đón tiếp du khách mà không gây quá tải với các bãi ám tiêu tự nhiên”.
Hai bác thợ gốm Osorio và Fuentes đã tạo ra những bức tượng làm nơi cư trú cho san hô theo ủy quyền của chị Orrego với các thiết kế dựa trên những sáng tạo của người Zenu, các cư dân bản địa đã sống ở vùng biển Caribe thuộc Colombia trước khi người Tây Ban Nha đến.
“Tất cả những điều này đến từ nguồn cội của chúng tôi”, ông Fuentes, 48 tuổi, chia sẻ với AFP. “Chúng tôi tiếp tục với văn hóa để nó không bị mất đi”, ông Osorio, năm nay 59 tuổi, tiếp lời.
Cứu san hô và bảo tồn văn hóa bản địa
Kể từ đầu năm nay, thế giới đã chứng kiến hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt xảy ra ở cả khu vực bắc và nam bán cầu. Đây cũng là hiện tượng xảy ra trên toàn cầu được ghi nhận lần thứ 4 cho tới nay và lần thứ 2 trong vòng 10 năm qua, theo Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA).
San hô là quần thể các động vật biển không xương sống. Hiện tượng tẩy trắng san hô được kích hoạt bởi tình trạng tăng bất thường về nhiệt độ nước khiến san hô đẩy các loại tảo đầy màu sắc sống cộng sinh ra khỏi các mô của chúng. Nếu không có sự hỗ trợ của tảo trong việc cung cấp chất dinh dưỡng, san hô sẽ chết, kéo theo đó là ảnh hưởng tới các hệ sinh thái vốn phụ thuộc vào san hô, cũng như các lĩnh vực du lịch và an ninh lương thực. NOAA cho rằng nguyên nhân của tình trạng tẩy trắng san hô chính là do nước biển ấm lên.
Thực tế, nước biển ấm lên đã được giới khoa học nói chung nhìn nhận như một nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Theo trang Curlytales, ngay cả khi nhiệt độ nước biển tăng thêm 1 độ C nhưng nếu kéo dài trong nhiều tuần cũng sẽ gây ra tình trạng này.
Theo Bộ Môi trường Colombia, mặc dù các rạn san hô của nước này bao phủ một khu vực rộng tương đương với khoảng 100.000 sân bóng đá, nhưng hơn 2/3 trong số ấy đã đối mặt với tình trạng bị tẩy trắng.
Ngoài ra, mối đe dọa với san hô còn đến trực tiếp từ các thợ lặn và du khách. Nhiều khách du lịch đã bẻ san hô mang lên bờ, số khác thậm chí còn giẫm chân đi lên chúng. “Mọi người không hiểu rằng san hô là các sinh vật”, chị Orrego nói.
Một triệu rạn san hô cho Colombia Đây là tên dự án phục hồi rạn san hô lớn nhất tại châu Mỹ đã được chính phủ Colombia khởi động từ năm 2021 với mục tiêu phục hồi 200 ha rạn san hô vào năm 2023. Theo trang web của UN, dự án đã được thực hiện bởi các nhà khoa học, cộng đồng địa phương và tình nguyện viên. Họ sử dụng một số kỹ thuật khác nhau để phục hồi rạn san hô, bao gồm kỹ thuật nuôi cấy vi mảnh san hô, tức là lấy những mảnh nhỏ từ rạn san hô khỏe mạnh cấy vào những rạn san hô bị hư hại. Các nhà khoa học hy vọng những rạn san hô được phục hồi sẽ kéo theo sự hồi sinh của cá và các loài sinh vật khác. Rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng cung cấp nơi ở và thức ăn cho nhiều loài động thực vật dưới biển. Chúng cũng bảo vệ bờ biển khỏi sự xói mòn của sóng và bão. |
TRẦN ĐẮC LUÂN