Ngôi sao lặng lẽ

.

Bến Giá của con sông trước nhà nằm phía lở, cái bến có dốc dựng đứng, từ dưới sông thiếu nước phải bò lên bờ, còn từ trên bờ xuống sông phải bám chân cho kỹ chứ lỡ mất đà lộn cổ xuống sông như chơi. Tệ hơn, vùng đất bên trái bến - phần giáp sông - là những mõm đất mong manh, cảm giác như nó đang rung rinh mỗi khi có một cơn gió nhẹ thổi qua, sẵn sàng đổ nguyên mảng xuống lòng sông bất cứ lúc nào. Nguyên nhân do bị nước sông gặm sâu, tạo thành những bức tường đất khuyết chân. Nguy hiểm hơn, khúc sông chỗ đó (phía dưới bến) lại có vực xoáy - gọi vực Đá Cối (do nước xoay tròn như cái cối đá), đã vậy còn thêm cái thế đất nằm nghiêng nên nó bị hoang hóa. Mẹ kể hồi trước xóm tôi cũng có vài người tới trồng khoai. Nhưng một hôm nào đó, đem bò tới cày xới, chúng tranh ăn húc nhau rớt xuống vực nên từ đó không ai thèm dòm miếng đất đó bằng con mắt thiện chí nữa. Kể cũng lạ, tới chừng Tám tới làm thì những mom đất vẫn cứ mỏng mảnh nhưng mưa dập gió vùi vẫn kiên cường đeo bám. Tôi tự nhiên buột miệng như có ai đó nói hộ mình, có khi nào “chú bộ đội đặc công” đã trấn giữ những tảng đất lỏng lẻo đó hem, mẹ? Mẹ gạt, mê tín tào lao. Tôi lý lẽ, thì tại mẹ bảo tro cốt của người đó được Tám tự tay rải trước sông còn gì. Mẹ lặng im…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có lẽ mẹ đang chiêm nghiệm về cuộc đời của Tám. Còn tôi, tôi nghĩ những tế bào bên trong người phụ nữ nhỏ bé ấy tích đầy ý chí. Lúc thấy Tám tới khai khẩn miếng đất hiểm họa đó, người ta ái ngại như thấy Tám đang loay hoay tìm cách bắc thang lên trời vậy. Một mình, không biết mệt mỏi, cắm cúi cuốc đào lật, bứng từng gốc tranh, gánh từng thúng đất ở chỗ cao ụp lên chỗ đất thấp. Dàn xếp thử, nếu không ổn thì tính phương án khác - Tám trả lời mẹ. Bang đất xong, mua phân chuồng về ủ, thu rơm về trữ, cày, xới, trộn, băm… Tám cùng với mấy người làm, nhỏ mồ hôi ròng ròng trên từng hạt đất. Nhưng đâu phải cứ có trồng là có hái. Người ta nhìn những đống dây dưa chất chồng chờ đốt khi mới trổ hoa đợt đầu mà héo rũ thì xót xa, thấy may vì mình đã không dính vào chỗ đất hiểm họa đó. Nhưng dễ dàng bỏ cuộc không phải phẩm chất Tám. Tìm người học hỏi rồi gộp với trải nghiệm của mình mà sửa sai. Phải chỉn chu cẩn trọng như bà mẹ chăm sóc một đứa trẻ. Không thể ẩu tả được với một hạt mầm. Thả xuống đất rồi thì phải quan sát thật kỹ, chú ý xem chúng thở có đều, có hắt hơi sổ mũi không chứ bất thình lình rủ nhau đổ bịnh thì mẹ trở tay không kịp. Tám trồng bằng một tình yêu to lớn và thành tâm như vậy thì dưa bí đâu nỡ phụ lòng.

- Làm như rồng cuộn hổ cuốn, đố ai dám nghĩ đã bị bom đạn tước mất một bàn chân - mẹ nói.

Vâng, nếu mẹ không tiết lộ thì tôi cũng không tài nào biết chuyện Tám đã thiếu một bàn chân dù hồi đó ngày nào cũng rề rà bên Tám. Nhanh nhẹn đến thoăn thoắt cơ mà. Bên dưới trại dưa là một cái rào to rồi tới nghĩa địa, dưới nữa là một cánh đồng giáp bãi cát, cây cỏ, rau dại cùng xương rồng bàn chải mọc nhiều nên bị bỏ hoang. Đất bỏ hoang nên chăn bò sướng lắm, mấy đứa bày trò chơi, còn tôi thường lên trại rủ rỉ với Tám.

- Có đổi một núi vàng em cũng không dám ngủ ở cái trại mát lạnh mát rượi đó đâu?

- Có gì sao? - chị Hai hỏi.

- Còn phải hỏi. Trại gần nghĩa địa, mả cũ, mả mới có hết. Đó là chưa nói vẫn có tro cốt được rải trước sông rồi những vong hồn chết trôi chết đuối nữa. Nên ở đó sẽ có hẳn một cộng đồng ma, phong phú sống động các kiểu ma.

- Tám một thời lội bom đạn như người ta lội mưa thì sợ gì ma cỏ. Có ma sợ Tám thì có!

Hai nói quá rồi. Có can trường mạnh mẽ thế nào thì Tám vẫn là phụ nữ thôi. Nhớ có lần xăm xăm lại trại, thấy vắng hoe, đảo mắt nhìn một vòng, tôi hoảng hồn khi thấy Tám đang đứng chỗ mom sông. Tám đứng nhẫn nại cao đẹp như bức tượng vọng phu, hướng mắt về phía núi xa xăm rồi tha thiết nhìn xuống mặt sông. Đó là lúc tôi thấy Tám yếu đuối nhất. Đứng trầm tư, để mặc bóng chiều phủ lên mình. Tôi nghĩ Tám có năng lực của một nghệ sĩ đa sầu đa cảm, hãy nhìn cái cách ngắm sông núi mà xem, mê đắm đến nỗi khiến người xung quanh không nhận ra sự hiện diện của Tám nữa.

Có lần, tôi rón rén hỏi bị sao mà bàn chân biến mất? Tám kể, đó là loại mìn lá, đương nhiên sẽ thấy không giống tẹo nào với chiếc lá nhưng đem thả vào rừng cây, đường mòn có lá rụng thì dẫu có ba đầu sáu mắt cũng chẳng biết đường mà né. Lá mìn nằm dưới đất, khi có người hoặc vật nặng đi qua, sẽ bị kích nổ. Lá mìn gắn vào vỏ cây, lính đi ngang, vướng phải giây rừng, bật lên bung nổ. Mìn nhỏ nhưng độ sát thương cao, nếu nặng, sẽ phá tan ổ bụng, như Tám là may mắn. Ôi, nếu biết chân đã đặt lên lá mìn, chắc con sẽ chết ngang luôn vì sợ chứ không phải đợi đến lúc nó phát nổ đâu. Lúc giẫm lên, Tám chẳng hay, nhưng rất nhanh thôi, chỉ trong vòng chưa đầy một nốt nhạc, con sẽ nghe hơi mát tỏa về phía mình, biết đã giẫm mìn nhưng cũng không kịp run rẩy nữa, trong tích tắc, đến nỗi không đủ thời gian để nghĩ “vậy là giờ mình sẽ chết” thì một tiếng nổ tàn khốc phát ra. Choáng váng đổ ngã, tỉnh dậy, cúi xuống thì bàn chân và chiếc giày đã bốc hơi, máu chảy lạnh chân rồi cơn đau đớn khủng khiếp mới trút xuống. Khoảng thời gian vật vã nằm đợi được cứu mạng là những phút giây dài nhất trong cuộc đời. Lúc đó, thứ duy nhất khiến Tám biết mình vẫn còn sống là máu cứ ồ ạt chảy. May thay, đã có người đi ngang ứng cứu.

Cuộc sống của một cô gái sẽ thế nào sau khi bị cắt cụt một bàn chân? Hỏi rất thừa. Không ổn cả về thể xác lẫn tinh thần. Bất tiện và mất tự tin với dáng đi lệch vẹo - dù có lỡ bộ lỡ thời thì cũng là gái chưa chồng. Nhưng tuyệt vọng khóc lóc thì bàn chân cũng đâu mọc lại được. Cuộc sống không có phép màu thì mình phải tự tạo ra thôi.

Mẹ bổ sung thêm, hồi ở Trung tâm điều dưỡng dành cho người có công, Tám gặp một người cùng cảnh ngộ. Mặc cảm tàn tật nên chỉ trò chuyện xã giao, ý tứ giữ khoảng cách. Nhưng chẳng có khoảng cách nào giữa những người may mắn được về từ chiến trường cả. Họ rất dễ tìm tiếng nói chung. Tám chủ động ngỏ lời luôn, mặc kệ chuyện trâu tìm cọc hay cọc tìm trâu, cái Tám cần bây giờ là hạnh phúc.

Tình yêu sâu nặng của Tám đã làm mềm lòng người đàn ông đó. Nhưng oan khiên thay, hạnh phúc là thứ khó cầm nắm nhất, lập trình số phận vẫn chưa hết cao trào với Tám. Chưa kịp về với nhau thì người đó đã về cõi mây trắng - chỉ trong một giấc ngủ. Bỏ lại Tám một mình.

“Bỏ Tám lại một mình” là không còn ba mẹ, không có bờ vai nương tựa lúc thở than, chứ Tám vẫn còn người thân. Còn vợ chồng người em trai Út và hai thằng cháu. Đi lính về thì rúc tạm vô căn nhà bố mẹ để lại cho cậu em. Sau đó, chính quyền đã xây tặng một ngôi nhà cho Tám, sát vách nhà người em. Có nhà đền đáp nhưng vì bận rộn với trại dưa nên Tám ở trước bến sông nhiều hơn. Nhưng rồi một gánh nặng khác đã ập tới khi vợ chồng người em lần lượt đổ bệnh mà hai đứa cháu đã lấy vợ và dắt nhau vô Sài Gòn ôm giấc mộng đổi đời. Em trai bị tai biến, vợ bị ung thư phổi. Bố mẹ mình mà hai đứa cháu làm như bố mẹ Tám vậy, gọi điện nói không dứt công việc ra được, ở nhà trăm sự nhờ Tám. Vừa lo trại dưa vừa chăm người bệnh. Tám quay như cái chong chóng gặp gió, như cánh cò ngược bão.

Em trai mất. Nửa năm sau, em dâu cũng sum họp với chồng. Hậu sự chồng hậu sự. Sau đó thì vợ chồng hai thằng cháu cũng đem nhau về, chia đôi nhà bố mẹ làm hai cơ ngơi khang trang.
                                                         
Hôm đó, cả nhà ăn cơm chiều thì nghe tiếng hét hô đinh tai từ phía nhà Tám - nằm đối diện, cách nhà tôi một đám đất. Hai thằng cháu đang chì chiết, hai khuôn mặt như hai cục than chực lao vào nhau chỉ vì bụi chuối sau hè ông anh mẫn cán vươn tàu qua rào và nhảy lấn cây con sang rào ông em.

Vừa lúc Tám từ trại dưa về. Khi ông em cầm cái rựa chạy bổ lại chỗ ông anh thì tôi thấy Tám ngã nhào từ xe xuống.

Vậy là Tám đi, nhanh hơn một tiếng hét.

Đời người ngắn tựa gang tay, chưa kịp một ngày thư thả… Nghe tôi than thì mẹ bảo, Tám đi dễ dàng vậy cũng là cái phước. Tôi nghe mẹ nói mà thấy nhẹ người, liền đưa mắt nhìn lên trời. Bất giác thấy có hai đám mây như đang quấn quýt cùng nhau...

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

;
;
.
.
.
.
.