“Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” là tên gọi mô hình thanh niên do các Đoàn phường thuộc Quận đoàn Thanh Khê đồng loạt triển khai từ nhiều năm nay tại các chợ trên địa bàn, với mong muốn xây dựng lối sống xanh của cộng đồng dân cư ngay từ chuyện đi chợ.
Tuổi trẻ Thanh Khê tặng túi sinh học, giỏ đi chợ... cho người dân và tiểu thương các chợ trên địa bàn. Ảnh: N.Đ |
Thời gian qua, người dân và tiểu thương các chợ Thuận An (phường An Khê), Chính Gián (phường Chính Gián) hay Tân Chính (phường Tân Chính)… được đoàn viên thanh niên tuyên truyền về tác hại của túi ni-lông và sự cần thiết của việc giảm thiểu rác thải nhựa. Tại đây, lực lượng tình nguyện viên trong màu áo xanh thanh niên gửi tới tiểu thương và người đi chợ những chiếc túi sinh học dễ phân hủy hay giỏ xách, túi giấy có thể tái sử dụng nhiều lần. Đồng thời, các bạn chia sẻ nhanh, ngắn gọn với mọi người về lợi ích của những món quà nhỏ này với môi trường và vận động người dân sử dụng giỏ xách, làn, hộp đựng... khi mua thực phẩm, hàng hóa.
Cầm trên tay những chiếc túi sinh học, chị Lê Thị Liễu (SN 1977, bán hàng ở chợ Tân Lập, phường Thạc Gián) cho hay: “Tôi cũng như nhiều người bán hàng khác biết tác hại của túi ni-lông là khó phân hủy gây ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên thói quen sử dụng do tiện lợi và rẻ. Sau khi nghe tình nguyện viên vận động, chúng tôi biết được có những loại túi khác có thể thay thế được túi ni-lông mà chi phí không cao hơn bao nhiêu, lại thân thiện môi trường. Từ đó chúng tôi sẽ dần loại bỏ hẳn túi ni-lông khi bán hàng”. Chung suy nghĩ với chị Liễu, chị Phạm Hồ Hoài Anh (SN 1990, trú phường An Khê) cũng “nói không với túi ni-lông” khi đi chợ. Bên cạnh túi sinh học được tình nguyện viên Đoàn phường tặng, chị chủ động mang theo giỏ xách, hộp đựng hoặc dùng giấy báo để gói thực phẩm.
Đó là những tín hiệu tích cực, thể hiện tinh thần sống xanh ngày càng lan tỏa trong cộng đồng dân cư sau thời gian dài triển khai mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa”. Bí thư Đoàn phường An Khê Phan Trần Hải Giang cho biết, mô hình thực hiện từ năm 2020 với nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, các hộ kinh doanh trong chợ giảm thiểu rác thải nhựa, tạo thói quen "đi chợ xanh" cho cả người mua và người bán. Song song đó là hoạt động gây quỹ từ chương trình thu gom rác thải nhựa, giấy báo… định kỳ ở khu dân cư để lấy kinh phí mua túi thân thiện môi trường tặng bà con. "Bây giờ nhiều tiểu thương tự mua thêm các loại túi sinh học để sử dụng, người dân cũng quen với việc hạn chế túi ni-lông khi mua hàng hóa", anh Giang nói.
Được biết, Thanh Khê là địa phương tiên phong trên địa bàn thành phố triển khai chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh. Tại đây, nhiều mô hình được thực hiện nhằm hướng đến cộng đồng không rác thải nhựa, trong đó có mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” được các Đoàn phường của Quận đoàn Thanh Khê đồng loạt triển khai từ nhiều năm nay, mang lại sự thay đổi tích cực tại các chợ, điểm chợ của 10 phường trên địa bàn. Không chỉ tặng túi thân thiện với môi trường, các bạn còn tổ chức chương trình đổi rác lấy cây, đổi rác lấy thực phẩm, hướng dẫn người dân phân loại rác đúng cách, thu gom các loại rác thải có thể tái chế… Nhờ đó, lan tỏa phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường tại các chợ nói riêng, địa phương nói chung.
Theo anh Võ Duy Rin, Bí thư Quận đoàn Thanh Khê, mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” được các Đoàn phường triển khai đều đặn mỗi tháng, mỗi quý theo điều kiện và tình hình thực tế. Đây là một trong những mô hình có tính lan tỏa, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa trên địa bàn.
NAM ĐỊNH