Vượt lên chính mình - Kỳ 2: Chính thức xuất bản nhật báo

.

Mấy mươi năm làm báo của tôi cũng là mấy mươi năm tôi gắn bó, cống hiến cho một tờ báo duy nhất, đó là Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Thật hạnh phúc và tự hào trên chặng đường phát triển của tờ báo, tôi đã hai lần được chứng kiến giây phút tờ báo “Vượt lên chính mình” để trở thành một trong năm tờ báo Đảng trực thuộc Trung ương ra nhật báo.

Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng Ngô Quy Nhơn tặng quà cán bộ, nhân viên cơ quan nhân dịp sinh nhật. Ảnh: Tư liệu
Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng Ngô Quy Nhơn tặng quà cán bộ, nhân viên cơ quan nhân dịp sinh nhật. Ảnh: Tư liệu

Buổi làm việc chân tình, cởi mở, tin cậy và nhất trí cao

Khoảng giữa tháng 3-1996, tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cử mang tài liệu ra các cơ quan chức năng của Trung ương xin cho Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ra hằng ngày. Thời điểm khởi hành, không hiểu vì sao linh tính mách bảo tôi rằng, chuyến công tác này nhất định sẽ thành công tốt đẹp. Hôm đến làm việc với Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, đồng chí Hữu Thọ - Trưởng ban vì bận công tác nên đã giao cho đồng chí Đào Duy Quát - Phó Trưởng ban Thường trực, đồng chí Võ Duy Thông - Vụ Trưởng và đồng chí Quế Liêm - Vụ Phó vụ Báo chí của ban làm việc với tôi. Thì ra, ba đồng chí Duy Quát, Duy Thông, Quế Liêm, trước đó tôi đều quen biết qua nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc trong các cuộc hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tôi rất cảm mến tài năng, đức độ của họ trong công tác tư tưởng văn hóa của Đảng. Và ngược lại, các anh cũng là những người nắm rất rõ bản sắc, trình độ của Báo Quảng Nam - Đà Nẵng.

Theo sự nhận biết thống nhất của các anh thì Báo Quảng Nam - Đà Nẵng là tờ báo “nghiêm túc, đĩnh đạt” trong định hướng tuyên truyền, trong việc xác định đúng đối tượng bạn đọc, giữ vững tôn chỉ mục đích nhiệm vụ chính trị của tờ báo Đảng địa phương; được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Có lẽ vì thế mà buổi làm việc diễn ra suôn sẻ trong không khí chân tình, cởi mở, tin cậy lẫn nhau, nhanh chóng kết thúc và nhất trí cao với đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng là cho Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ra hằng ngày. Trưa hôm đó, đồng chí Hữu Thọ cùng một số lãnh đạo vụ Báo chí Tuyên truyền tổ chức mời cơm tôi, mà theo lời nói vui của đồng chí Hữu Thọ là để “Chào mừng Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ra hằng ngày”. Bữa cơm trưa “văn phòng” ở một quán bình dân chỉ có món đậu phụ rán chấm mắm tôm, tôm kho thịt lợn, canh cua đồng nấu với mướp và rau đay. Bữa cơm đạm bạc nhưng làm tôi vô cùng xúc động vì nó thật sự rất ấm áp tình đồng chí, tình người…

Gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Trần Hoàn

Sau khi có ý kiến của Ban Tư tưởng văn hóa hiệp thương gửi Bộ Văn hóa-Thông tin, tôi rất mừng và chuẩn bị thật kỹ để tiếp tục làm việc với bộ này. Vì căn cứ theo Luật Báo chí và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thì Bộ Văn hóa-Thông tin mới là cơ quan có quyền quyết định cho xuất bản cũng như đình chỉ hoạt động của một cơ quan báo. Dẫu có hơi căng thẳng và áp lực, tôi vẫn tự tin mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Cửa mở” đầu tiên của tôi là gặp anh Lưu Văn Hân - Cục trưởng Cục Xuất bản Báo chí, người “chốt gác” cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Trần Hoàn.

Cũng như các anh Vũ Duy Thông, Quế Liêm bên Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, tôi lại có cơ duyên được gặp gỡ, tiếp xúc với anh Lưu Văn Hân trong những lần anh dự hội thảo báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên. Hai anh em đã thân thiết và rất quý mến nhau. Anh là người cẩn trọng, chín chắn trong công việc nhưng cũng rất cởi mở, phóng khoáng trong giao tiếp đời thường. Hôm gặp nhau ở Cục Xuất bản Báo chí, anh niềm nở bắt tay tôi rất chặt như người thân lâu ngày mới gặp lại. Khi nghe tôi trình bày mục đích chuyến công tác, anh cười nói ngay: “Mình đã nhận được ý kiến của Ban Tư tưởng văn hóa. Riêng công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, mình sẽ dành thời gian xem xét kỹ lưỡng để trình bày xin ý kiến với lãnh đạo bộ”. Rồi anh nhỏ giọng, bảo tôi nên chủ động dành thời gian gặp anh Trần Hoàn trình bày nội dung làm việc để ảnh nắm trước, trước khi có tờ trình của Cục trình lên Bộ trưởng…

Theo lời anh Hân chỉ dẫn, tôi chủ động đăng ký với bộ phận chức năng để được gặp Bộ trưởng Trần Hoàn và không quên kèm theo lời nhắn là đồng chí cứ nói giúp tôi rằng: “Có đồng chí Ngô Quy Nhơn trong Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ra, có việc quan trọng cần gặp Bộ trưởng!”.

Sở dĩ có lời nhắn như trên là vì tôi tin rằng qua lời nhắn đó, ông sẽ nhớ ra mình đã gặp một Tổng Biên tập báo Đảng địa phương từng mến mộ mình theo một cách “rất riêng”. Bởi một lần tại hội thảo báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức ở Quảng Bình và một lần khác trong đêm văn nghệ mừng nhạc sĩ Trần Hoàn tròn 70 tuổi ở Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng, tôi đã tếu táo hát nhại lời bài hát “Lời người ra đi” của ông, trong đó có câu kết: “Và ra đi anh nói rằng, rằng báo chí còn Trần Hoàn - Thì báo chí còn nhiều gian khổ (vui vẻ) Nhơn ơi!”. Ông không những không giận mà còn cười xòa, bao dung rồi đệm đàn ghita cho tôi hát tiếp…

Cho đến tận bây giờ, thời gian trôi qua đã 28 năm (1996-2024), tôi vẫn không sao quên được cái đêm tôi được gặp Bộ trưởng Trần Hoàn để trình bày việc xin cho Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ra hằng ngày. Đêm ấy, ông mới đi công tác ở Tây Bắc vừa về, có vẻ hơi mệt, nhưng khi tôi bước vào phòng làm việc, ông đứng dậy ngay và cất tiếng chào tôi với một nụ cười tươi nở trên môi… Sau phần xã giao, ông ngồi đối diện với tôi, hỏi han bằng giọng rất nhẹ nhàng: “Em ra bộ có việc gì, cứ nói, đừng ngại…”. Trước thái độ và cử chỉ ân cần của ông dành cho tôi, bao nhiêu lo lắng, áp lực đè nặng lên tôi trước đó như tan biến hết. Tôi bình tĩnh, trình bày gãy gọn, khúc chiết cho ông nghe về mục đích chuyến công tác của mình.

Ông chăm chú lắng nghe, chỉ ngắt lời tôi mỗi khi muốn tôi làm rõ thêm một số chi tiết nào đó. Khi trình bày xong những vấn đề đã chuẩn bị, bất giác tôi thấy ông nhíu mày, như đang suy tư điều gì đó khiến ông chưa an lòng. Sau một lúc im lặng, chợt ông đặt ra cho tôi một số câu hỏi giống như để kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị ra báo hằng ngày của Báo Quảng Nam - Đà Nẵng đã đạt đến ngưỡng nào? Rất may, do đã chuẩn bị kỹ lưỡng và lường trước được việc này nên tôi tự tin, mạnh dạn giải đáp đúng và trúng những câu hỏi ông đặt ra…

Kết thúc buổi làm việc, ông tiến đến đặt tay lên vai tôi, ôn tồn: “Em về báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy là Bộ đã đồng ý cho Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ra hằng ngày ngay trong quý 2 năm nay. Mọi thủ tục sẽ do đồng chí Nguyễn Khoa Điềm - Thứ Trưởng Thường trực của Bộ ký, gửi về địa phương trong thời gian gần nhất”. Rồi ông dặn thêm “Ra được báo hằng ngày đã khó nhưng giữ cho được sức bền của báo hằng ngày là công việc càng khó khăn hơn. Ban Biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng phải cố gắng phấn đấu giữ vững truyền thống và bản lĩnh của tờ báo Đảng tỉnh nhà!”…

Chính thức xuất bản nhật báo

Ngày 1-4-1996, trong không khí toàn dân hân hoan chuẩn bị chào mừng lễ kỷ niệm 21 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức xuất bản nhật báo. Từ đó nhật báo Quảng Nam - Đà Nẵng cập nhật các vấn đề thông tin trong tỉnh, trong nước và quốc tế; chuyển tải kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ trương, công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến người đọc và nhân dân; phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Theo đó, ngày 2-1-1997, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cũng được phân thành hai tờ báo riêng là Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng. Tôi tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng.

Khi chia tách, Báo Quảng Nam chỉ chọn 15 phóng viên (không sử dụng những người ở các bộ phận khác). Biên chế lúc này của Báo Đà Nẵng còn lại 45 người, trong đó chỉ có 15 phóng viên. Mặt khác, do phải ưu tiên chuyển toàn bộ xí nghiệp in báo và các thiết bị tốt nhất trong hệ thống vi tính của tòa soạn cho Báo Quảng Nam nên Báo Đà Nẵng vừa thiếu phóng viên vừa thiếu thiết bị. Mặc dù vậy, vượt qua những khó khăn ban đầu, Báo Đà Nẵng vẫn xuất bản 4 số/tuần (Báo Quảng Nam 2 số/tuần) với chất lượng nội dung và trình bày, in ấn tốt. Nhờ đó, số lượng phát hành báo từ 1.500 bản/kỳ trong những ngày đầu chia tách đã dần được nâng lên 3.500 bản/kỳ (báo thường) và 4.000 bản/kỳ (Đà Nẵng cuối tuần). Chỉ một năm sau ngày chia tách, năm 1998 thực hiện chủ trương của Thường vụ Thành ủy và ước nguyện cùng quyết tâm của cán bộ, phóng viên Báo Đà Nẵng, đúng ngày 1-1-1999, Bộ Văn hóa-Thông tin cho phép Báo Đà Nẵng trở lại nhật báo với quy mô 6 số báo hằng ngày và 1 số Báo Đà Nẵng Cuối tuần phát hành vào thứ Bảy mỗi tuần…

Sự kiện này ứng nghiệm với lời dặn và niềm tin của Bộ Trưởng Trần Hoàn: “Ra hằng ngày đã khó nhưng giữ cho được sức bền của báo hằng ngày là công việc càng khó khăn hơn”. Sự kiện này cũng là một minh chứng tỏ rõ sự kiên định và bản lĩnh của tập thể Báo Đà Nẵng trong việc giữ vững và phát triển tờ nhật báo của mình bất chấp mọi trở ngại, khó khăn (kể cả những khó khăn trăm bề do yếu tố khách quan như sự chia tách tỉnh đem lại).

Cảm xúc mỗi ngày được cầm trên tay tờ báo có mồ hôi, công sức, trí tuệ của tập thể những người làm báo yêu nghề, tâm huyết với nghề của Báo Đà Nẵng là cảm xúc sâu đậm nhất của những người làm nên kỳ tích “Vượt lên chính mình” mà tôi vinh hạnh có trong đời…

"Ra được báo hằng ngày đã khó nhưng giữ cho được sức bền của báo hằng ngày là công việc càng khó khăn hơn. Ban Biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng phải cố gắng phấn đấu giữ vững truyền thống và bản lĩnh của tờ báo Đảng tỉnh nhà!”… Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Trần Hoàn

NGÔ QUY NHƠN

;
;
.
.
.
.
.