Biến cây dại thành nghệ thuật: Sứ mệnh của những bức tượng voi

.

Cuộc di cư voi vĩ đại (The Great Elephant Migration) là tên triển lãm lưu động thú vị đang diễn ra tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Triển lãm trưng bày vẻ đẹp và tầm quan trọng của loài voi Ấn Độ, đồng thời nhằm mục tiêu thúc đẩy ý thức bảo tồn động vật hoang dã và bảo vệ môi trường.

Các bức tượng voi được trưng bày tại thành phố Newport, bang Rhode Island (Mỹ), tháng 7-2024. Ảnh: NPR/Newport Restoration Foundation
Các bức tượng voi được trưng bày tại thành phố Newport, bang Rhode Island (Mỹ), tháng 7-2024. Ảnh: NPR/Newport Restoration Foundation

Dự án nghệ thuật độc đáo này là sự hợp tác giữa các nghệ nhân bản địa, nghệ sĩ đương đại và các tổ chức văn hóa, nhằm mục đích gây quỹ hàng triệu USD cho các dự án cộng sinh giữa con người và động vật hoang dã, cũng như bảo vệ các loài động vật di cư trên toàn thế giới.

Ý tưởng phía sau đàn voi

Triển lãm trưng bày 100 bức tượng voi có kích cỡ to như thật, do khoảng 200 nghệ nhân từ các cộng đồng Bettakurumba, Paniya, Kattunayakan và Soliga ở Khu Dự trữ sinh quyển Nilgiri, Tamil Nadu của Ấn Độ tạo nên. Theo trang Lovebrand, những bức tượng này không chỉ là các tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ về bảo tồn và tầm quan trọng của sự cộng sinh hài hòa giữa con người và động vật hoang dã.

Các bức tượng voi được chế tác thủ công từ một loài cây ở Ấn Độ có tên là “lantana camara”. Ở Việt Nam đó chính là cây ngũ sắc hay cây “cứt lợn”. Đây là loài cây bụi có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, tuy nhiên hiện nay nó đã trở thành loài thực vật xâm lấn nguy hiểm ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Ấn Độ. Theo trang Lovebrand, loài cây này đã xâm chiếm khoảng 300.000 km2 lãnh thổ được bảo vệ của Ấn Độ, làm mất nơi ở của động vật hoang dã và gây ra xung đột giữa người và động vật.

Bằng cách biến loài cây dại khó chịu này thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, các nghệ nhân không chỉ tạo ra các bức tượng tuyệt đẹp mà còn góp phần phát quang, dọn sạch để động vật hoang dã có thể giành lại môi trường sống tự nhiên của chúng.

Theo đài NPR (Mỹ), các bức tượng được tạo theo nguyên mẫu là những con voi thật vốn đã quen thuộc với các nghệ nhân Ấn Độ, bức nào cũng biểu đạt sinh động cá tính và tinh thần của nguyên mẫu sống. Sự tài hoa và khéo léo của các nghệ nhân cho thấy mối liên hệ sâu sắc của họ với đất đai và động vật hoang dã.

Hành trình của những con voi

Theo thông tin trên trang web của dự án nghệ thuật tại địa chỉ: thegreatelephantmigration.org, cuộc di cư voi vĩ đại bắt đầu hành trình từ thành phố Newport, tiểu bang Rhode Island (Mỹ) vào tháng 7-2024 và sẽ tiếp tục đến các thành phố lớn như New York, Miami và Los Angeles. Dọc đường, các bức tượng sẽ được trưng bày, cho phép khách tham quan quan sát và tương tác gần với các tác phẩm điêu khắc.

Trong quá trình diễn ra triển lãm, nhà tổ chức cũng sẽ bán các bức tượng voi này để gây quỹ cho 22 tổ chức bảo tồn thiên nhiên trên toàn nước Mỹ. Đài NPR cho biết tới nay khoảng 30 bức đã bán được với giá từ 8.000 USD cho tượng voi con đến 22.000 USD cho tượng voi có ngà lớn nhất. Một phần số tiền thu từ triển lãm ở Newport được đóng góp cho Save the Bay, một tổ chức đang nỗ lực phục hồi quần thể chim sẻ sống ở các đầm lầy muối ở địa phương bằng cách loại bỏ những loài cỏ dại xâm lấn ở khu vực đó.

Cuộc di cư voi vĩ đại không chỉ là một triển lãm nghệ thuật, nó còn là tuyên ngôn mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã và sự cộng sinh giữa con người và muôn loài. Triển lãm nêu bật sự thành công trong việc phục hồi quần thể voi của Ấn Độ, trùng hợp với việc dân số loài người đã tăng gấp đôi trong 40 năm qua. Thành tựu phi thường này là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đồng cảm chung, và tầm quan trọng của việc chia sẻ không gian với động vật hoang dã.

Cuộc di cư voi vĩ đại là một ví dụ điển hình về cách nghệ thuật có thể được sử dụng để thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và bảo vệ môi trường. Bằng cách trưng bày vẻ đẹp và tầm quan trọng của loài voi Ấn Độ, triển lãm truyền cảm hứng cho mọi người trong việc chia sẻ không gian sống với các loài động vật hoang dã. Thành công của dự án là minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác, sáng tạo và sự đồng cảm chung, đồng thời đóng vai trò là hình mẫu cho các nỗ lực bảo tồn trong tương lai trên toàn thế giới.

Dự án nghệ thuật Cuộc di cư voi vĩ đại còn hỗ trợ sáng kiến biến cây Lantana camara thành than sinh học, một loại than củi có thể được sử dụng để cô lập carbon (là quá trình thu giữ và lưu trữ CO2 trong khí quyển. Đây là phương pháp giảm lượng CO2 trong khí quyển nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu). Theo Lovebrand, dự án đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, cô lập được 2.625 tấn carbon, nhiều hơn đáng kể so với mức 275 tấn khí thải carbon ước tính đã thải ra trong toàn bộ quá trình tạo tác đàn voi và vận chuyển chúng khi tham gia triển lãm.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.