Xây dựng đô thị ven biển gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa làng biển, có sự tham gia của cộng đồng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững. Điều này không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương mà còn giúp người dân được hưởng lợi từ chính di sản văn hóa của cộng đồng.
Ông Huỳnh Văn Mười giới thiệu về các loại ngư cụ đang được cất giữ và trưng bày trong nhà mình. Ảnh: Đ.H.L |
Nung nấu làm nhà trưng bày làng chài
Khoảng 20 năm trở lại đây, chủ trương đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ khiến người dân làng chài Mân Thái (quận Sơn Trà) đối diện với những thách thức sống còn. Đất đai ven biển được quy hoạch để mở đường và xây cao ốc, nhà hàng, khách sạn. Điều này tác động không nhỏ đến văn hóa cư dân làng biển. Sinh ra và lớn lên tại làng chài Mân Thái, từ lâu ông Huỳnh Văn Mười nung nấu ý tưởng tạo dựng một gian nhà trưng bày về văn hóa làng biển. Hơn ai hết, ông Mười có kiến thức sâu rộng về văn hóa truyền thống của quê hương bởi gia đình có tới mười đời theo nghề biển, vừa đánh bắt, vừa chế biến hải sản với thời gian trên dưới 250 năm.
Chia sẻ về dự án nhà trưng bày làng biển, ông Mười cho biết, đến nay đã sưu tầm hơn 50 loại ngư cụ và dự kiến sẽ hoàn thành xong gian nhà trưng bày về văn hóa làng biển vào cuối năm nay. Theo ông Mười, vật dụng sưu tầm phải là những công dụng của người đi biển ở làng mình thì mới có giá trị, trong đó phần lớn là những ngư cụ do ông giữ lại qua nhiều đời bởi có nhiều kỷ niệm gắn bó mật thiết với sinh hoạt hằng ngày của gia đình ông. Có những vật dụng ông đã cất giữ hơn 50 năm như máy HATZ.
Cầm chiếc máy cũ trên tay, ông Mười giải thích, chỉ tới tận nơi nhìn thấy dụng cụ này thì mới hiểu rõ được nó đã đóng góp gì cho nghề đi biển. Ông hồ hởi kể: “Máy này sản xuất bên Đức, được bố tôi mua từ năm 1969 để chạy ghe đi biển. Hồi đó, nghề biển rất khó khăn, phải dành dụm tích cóp nhiều năm mới mua được. Bố tôi may mắn là người thứ hai trong làng Mân Thái sắm được chiếc máy này. Để có mã lực lớn chạy nhanh hơn, gia đình tôi đã đổi qua rất nhiều máy của Nhật và Trung Quốc nhưng vẫn cất giữ nó như một kỷ vật”.
Chỉ tay vào dây mành cơm, ông nói: “Mành cơm ngày xưa dùng để đánh bắt cá cơm, bây giờ ngư dân đã chuyển qua làm lưới quay hay còn gọi mành quay. Cách đây hơn 20 năm, thành phố quy hoạch mở đường Võ Nguyên Giáp, nhiều người dân thực hiện chuyển đổi ngành nghề và dây mành cơm cũng không còn nữa. Đặc biệt, cái đèn dọi cũng là một dụng cụ thú vị. Hồi xưa đánh bắt cá bằng chèo tay, người dân làm đèn ốc dọi từ những con ốc treo trên khung tre như cái chuông gió. Khi thuyền khác đi ngang qua nghe tiếng kêu của con ốc thì biết có ghe thả lưới gần đó mà tránh. Đến thời chống Pháp, chống Mỹ, người dân bỏ thêm đèn nhôm, đèn thủy tinh vào khung tre và gọi là đèn dọi”.
Giữa làng chài Mân Thái, ngôi nhà của ông Mười lưu giữ nhiều phương tiện, dụng cụ đi biển một thời của ngư dân như thúng, ghe nan, dầm, chèo, cột chèo, đuốc, đèn măng-xông, máy nổ, mành lưới gai, lưới cước, ghiêm đan lưới, cũng như những cái chum, cái ảng, cái tỉn, cái rổ, cái rá để làm mắm. Trong đó có những vật dụng được gia đình ông lưu giữ hơn 80 năm. Với nguồn hiện vật phong phú về văn hóa làng biển, mới đây, Bảo tàng Đà Nẵng đã dẫn nhóm “Thuyết minh nhí” đến nhà ông tìm hiểu về các ngư cụ làng nghề truyền thống ven biển. Qua đó, các bạn nhỏ tỏ ra rất thích thú khi được nghe ông Mười giới thiệu về cách làm mắm và hướng dẫn đan lưới bằng tay, làm khuyết chèo...
“Nhiều bé rất hào hứng khi nghe tôi chỉ cách làm khuyết chèo. Khuyết chèo được ngư dân dùng để nối thóp hai đầu chèo lại với nhau. Dù làm rất khó nhưng các bé tiếp thu khá nhanh. Bên cạnh đó, các bé được hướng dẫn làm trầu dây để nối hai đầu dây hoặc giới thiệu cách sử dụng vỏ cây gai để đan lưới. Không chỉ có trẻ em mà du khách trong và ngoài nước cũng đến trải nghiệm cách làm nước mắm và tìm hiểu một số ngư cụ”, ông Mười cho biết.
Với tình yêu văn hóa làng biển, hằng năm ông Mười còn đứng ra tổ chức các chương trình “Tân Thái - Khúc hát tình ca”, “Lan tỏa yêu thương”, “Mân Thái - Một miền thương”, được người dân và du khách thích thú. Tại đây, ngoài những nghệ sĩ hát bả trạo, trình bày ca khúc về Mân Thái, còn có hoạt động trưng bày kỷ vật gắn với quê hương Mân Thái, qua đó gợi nhớ về một làng chài đã có cách đây hơn 400 năm. Ngoài ra, ông Mười còn tiến hành sưu tầm, thực hiện cuốn sách giới thiệu về hát bả trạo và những câu chuyện, hình ảnh làng chài.
“Hiện nay, trên địa bàn phường Mân Thái có 2 đình làng Thái Tân, Cổ Mân được trùng tu và bảo tồn khá nguyên vẹn. Đây là nơi thờ thần và các vị tiền hiền của làng chài với nhiều lễ hội như Cầu ngư, Tri niệm tiền nhân và kỵ đức ngư ông. Bên cạnh duy trì các lễ hội của đình làng, thành phố cũng cần quan tâm phát triển các loại hình văn hóa dân gian như hát bả trạo và trình diễn bả trạo. Thông qua sân khấu hóa, người dân và du khách được xem trình diễn các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của cư dân địa phương để hiểu thêm về văn hóa làng chài xưa”, ông Mười đề nghị.
Khôi phục và phát huy văn hóa làng biển
Dành nhiều thời gian nghiên cứu văn hóa làng biển, bà Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố cho rằng, quá trình đô thị hóa tại Đà Nẵng diễn ra mạnh mẽ, qua nhiều lần mở rộng diện tích về các hướng. Bên cạnh yếu tố tích cực, quá trình đô thị hóa cũng bộc lộ những mặt trái như không gian làng biển bị bó hẹp, dẫn đến hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng ngư dân gặp nhiều khó khăn. Theo bà Trang, để bảo tồn văn hóa dân gian làng biển cần tiến hành sưu tầm, nghiên cứu các di sản văn hóa dân gian, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp tùy theo những thành tố văn hóa khác nhau.
Có thể thấy, kể từ khi thành phố ban hành đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu khai thác tốt các giá trị di sản văn hóa để phục vụ du lịch, đồng thời phát huy tác dụng trong giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Điển hình là thành phố đã đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng bảo đảm đủ điều kiện công nhận điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch năm 2007 cho cụm di tích Nam Ô, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu…
Bà Phan Thị Xuân Mai, Trưởng phòng Quản lý di sản, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, cùng với việc bảo tồn các đình làng, miếu mạo ven biển, thành phố đã tổ chức kiểm kê, đánh giá toàn bộ hiện trạng việc tổ chức lễ hội cầu ngư tại các địa phương có thiết chế thờ tự cá Ông (Thần Nam Hải). Đồng thời hỗ trợ các địa phương khôi phục, kiện toàn các ban quản lý lăng thờ tự cá Ông và ban tế lễ trực tiếp thực hành nghi lễ tại cơ sở thờ tự, đặc biệt là tổ chức lễ vinh danh “Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng” là di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định bản sắc văn hóa của thành phố Đà Nẵng. Nhờ đó, di sản văn hóa tồn tại với tư cách là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố trong tương lai”, bà Mai khẳng định.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG