Giữ chân người làm công tác bảo tàng

.

Bảo tàng là nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần thuộc về quá khứ của một lĩnh vực, một nền văn hóa cộng đồng, rộng hơn là của nhân loại. Do đó, người làm công tác bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để hoạt động bảo tàng không ngừng phát triển mạnh mẽ và bền vững, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng gắn mã QR cho hiện vật tại bảo tàng. Ảnh: Đ.H.L
Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng gắn mã QR cho hiện vật tại bảo tàng. Ảnh: Đ.H.L

Đòi hỏi tính chuyên môn cao

Hè là dịp đông đảo học sinh và du khách tìm về Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Nghệ thuật Đà Nẵng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm tham quan. Các hoạt động ở bảo tàng cũng vì thế mà trở nên sôi động bởi nhiều sự kiện trưng bày, triển lãm hiện vật.

Điều này khiến công việc của người làm công tác bảo tàng càng thêm bận rộn. Để các tư liệu và hiện vật được bảo quản nguyên vẹn trong không gian sạch đẹp, đằng sau đó là biết bao công sức của những người làm việc đầy tâm huyết và có chuyên môn cao.

Hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm lưu giữ 6 bảo vật quốc gia. Việc bảo quản và phục dựng tốt các hiện vật trong bảo tàng là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi áp dụng nhiều kỹ thuật phức tạp và triển khai chặt chẽ các phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Chia sẻ về công việc này, ông Nguyễn Bảy, di sản viên phòng Sưu tầm - bảo quản và trưng bày cho biết, công tác bảo quản các bảo vật quốc gia tại bảo tàng được xác định là hoạt động trọng tâm, trong đó công tác bảo quản phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc di chuyển, thay đổi vị trí trưng bày, bảo quản trong nội bộ bảo tàng đối với các bảo vật quốc gia phải có sự theo dõi, giám sát của lực lượng bảo vệ và lập thành kế hoạch cụ thể.

Nằm trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng từ lâu đã trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Đà Nẵng. Với không gian hơn 3.000m2 trưng bày hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, đội ngũ làm công tác bảo tàng tại đây phải thực hiện khối lượng công việc đồ sộ để lưu giữ và bảo quản các tư liệu, hiện vật quý này.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, muốn làm tốt công tác bảo tàng, trước hết phải xác định nhiệm vụ của bảo tàng. Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học, sưu tập, trưng bày, kiểm kê, bảo quản, giáo dục, truyền thông; từng lĩnh vực, từng hoạt động của bảo tàng coi nguồn nhân lực phải đa ngành nghề. Lâu nay, các bảo tàng chỉ tuyển nhân sự từ các ngành lịch sử, văn học, ngoại ngữ thì chưa đúng lắm bởi bên cạnh đó còn có nhiều công việc chuyên môn khác. Chẳng hạn các hoạt động bảo quản hiện vật đòi hỏi phải có chuyên ngành kỹ thuật như cử nhân hóa, kỹ sư sinh hóa để nghiên cứu đưa ra các phác đồ bảo quản các chất liệu về gỗ, kim loại, vải, gốm, sứ...

Đối với hoạt động trưng bày, bên cạnh bộ phận nghiên cứu lịch sử và văn hóa, cần những người có chuyên môn về mỹ thuật công nghiệp để thực hiện thiết kế, đồ họa; đối với công tác kiểm kê buộc phải có chuyên môn ngành bảo tàng học được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực bảo tàng như kiểm kê, bảo quản và những định hướng về các hoạt động của bảo tàng.

Cần có chế độ khuyến khích người làm công tác bảo tàng

Công tác bảo tàng cần nguồn nhân lực đa ngành đa nghề nhưng việc tuyển dụng và giữ chân người lao động gặp nhiều khó khăn bởi công tác đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế ở bảo tàng và chế độ tiền lương chưa xứng đáng.

Về vấn đề này, ông Hà Thanh Vân, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, bảo tàng hiện có khoảng 20 cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. So với Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Bảo tàng Đà Nẵng thì Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ra đời muộn hơn, chỉ tiêu biên chế khi mới thành lập là 12 người, hiện nay một người phải kiêm nhiều việc.

“Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vẫn phải chấp nhận làm việc trong tình trạng thiếu người. Sở Nội vụ từng làm việc với bảo tàng về nguồn nhân lực nhưng nhu cầu của bảo tàng không đáp ứng được, nhất là nhu cầu về bảo tàng học hiện đại, công nghệ thông tin. Để tạo dấu ấn và gây sự chú ý của công chúng, thời gian qua, cán bộ và nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật phải làm việc cật lực. Trong khi đó, chế độ tiền lương thấp, chế độ đãi ngộ không hấp dẫn, nhân sự thiếu nên bảo tàng càng gặp khó khăn”, ông Hà Thanh Vân nhấn mạnh.

Khối lượng công việc chuyên môn lớn nhưng Bảo tàng Đà Nẵng hiện có hơn 40 cán bộ, công nhân viên, người lao động. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho rằng, hệ số tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp làm công tác bảo tàng hiện nay khá thấp nên cần có cơ chế chính sách để giữ chân người lao động gắn bó với bảo tàng. Nhất là đối với lĩnh vực công nghệ thông tin khi các doanh nghiệp thu hút với mức lương cao.

“Hầu hết các bảo tàng có tỷ lệ lao động nữ cao hơn nam vì họ chấp chận lương thấp nhưng ổn định. Để thu hút nguồn nhân lực vào làm việc trong ngành bảo tàng, thành phố cần đẩy mạnh kích cầu, quảng bá để thấy được tầm ảnh hưởng của bảo tàng đến công chúng và vai trò đóng góp của bảo tàng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Con người của bảo tàng là con người nghiên cứu khoa học, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hồn cốt của di sản văn hóa, bởi mất văn hóa là mất dân tộc”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện khẳng định.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.