Xiêm ngồi lại trong văn phòng sau giờ làm. Ngoài kia trời mỗi lúc một tối hơn, mưa xối xả bắn vào cửa kính khiến chị không thể nhìn thấy khung cảnh bên ngoài. Thành phố bị thất thủ sau mấy ngày mưa không ngớt. Nhiều cung đường ngập lụt, sau một ngày bơi trong mớ hỗn độn của công việc các công dân thành phố lại bơi trong biển nước trở về nhà. Nhưng nếu người ta có một mái ấm thì dù có phải vượt bao nhiêu khó khăn cũng muốn trở về nhà. Để ăn cùng người thân bữa tối, nghịch nước cùng lũ nhỏ trong phòng tắm, cuộn tròn như con mèo trong vòng tay của vợ của chồng. Xiêm không có động lực gì để rời khỏi căn phòng làm việc này. Suốt mấy năm qua, mỗi lần xong việc trở về nhà đều đã khuya. Hành lang chung cư dài hun hút và lạnh lẽo. Lộp cộp! Lộp cộp! Xiêm chỉ nghe thấy bước chân mình vọng lại. Mở cửa bước vào, mọi thứ đều ngăn nắp và yên tĩnh, không có bất cứ sự xáo trộn gì. Nhìn đĩa kẹo đặt trên bàn Xiêm ước gì nó đã vơi đi. Ước gì nhà cửa lộn xộn, bày bừa một chút. Ước gì có tiếng mè nheo, khóc lóc của trẻ con. Ước gì mình có lý do để đầu bù tóc rối, lôi thôi như bao người đàn bà khác. Ước gì có ai đó kêu đói, giục mình nấu cơm. Ngay cả lúc sang nhà bạn chơi, thấy trên áo bạn đầy mùi nôn trớ của con, Xiêm cũng ước gì…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Anh nhớ từ khi mới yêu cho đến lúc lấy nhau, em lúc nào cũng bận rộn. Em luôn nói chúng mình còn trẻ mà. Còn phải kiếm tiền mua nhà, trả nợ, sắm xe, gây dựng sự nghiệp.
- Em chỉ thấy nhà mình lạnh lẽo lắm. Nó không giống như một gia đình.
- Từ khi nào em mới nhận ra điều ấy? Anh nhắn đợi em rất nhiều bữa cơm chiều, em luôn nói anh phiền phức. Anh đề nghị tụi mình dành nhiều thời gian cho nhau hơn, em nói “anh rảnh quá, kiếm thêm việc gì đó mà làm”. Anh mong mỏi có một đứa con, em luôn nói “chúng mình còn trẻ, vội gì”.
Bách nói xong những lời chua chát thì đổ vật ra giường. Dạo này Bách hay say, nhưng Xiêm biết những lời anh nói ra thật lòng hơn bao giờ hết. Xiêm nhìn quanh căn nhà và tự hỏi anh đã loay hoay một mình ra sao suốt những năm tháng chị mải mê công việc? Anh chắc hẳn đã ngồi trên chính chiếc ghế này, trước mắt là mâm cơm nguội ngắt. Chắc hẳn khi nghe tiếng bước chân ngoài hành lang anh từng khấp khởi mừng rồi lại hụt hẫng và trống rỗng. Chắc anh cũng đã từng chán ngán sự tĩnh lặng đến nhàm chán này đến mức phải tìm đến những cuộc vui ở ngoài kia. Lúc nhìn gia đình người ta ríu rít quây quần hẳn anh đã hình dung về những đứa trẻ của mình. Có lần anh từng nói: “Em sinh con đi, anh đã nghĩ sẵn tên cho con của chúng mình rồi”. Nhà có ba phòng ngủ, anh đã nghĩ sẵn màu sơn cho phòng của con trai, con gái. Thỉnh thoảng đi công tác về, chị thấy trong đống đồ anh mua có vài món đáng yêu của trẻ con. Đêm của ngày tháng hiện tại dài thật dài, Xiêm mở cửa bước vào căn phòng trống, nhìn lên trần nhà thấy một bầu trời sao nhấp nháy anh gắn tự bao giờ, chỉ thiếu một thiên thần ôm gấu bông nằm ngủ. Đã gần hai năm cầu con nhưng con không tới. Bác sĩ nói Xiêm đã qua giai đoạn tốt nhất để mang thai và sinh con... Có nhiều khi ngồi dưới sân chung cư ngắm tụi con nít chạy chơi, Xiêm tự hỏi mình kiếm nhiều tiền để làm gì?
Bách giấu nỗi buồn trong những cuộc vui ở ngoài kia. Hai người tránh chạm mặt nhau bởi không biết phải nói chuyện gì. Thói quen trò chuyện, chia sẻ cùng nhau như thời mới yêu đã dần mất đi theo năm tháng.
Chẳng cần cơn mưa chiều thì con đường về nhà của Xiêm vốn đã mờ mịt lắm rồi. Trên màn hình máy tính, dòng tít “ly hôn xanh” đập vào mắt chị. Thuật ngữ này dùng để chỉ những cặp vợ chồng ly hôn trong khoảng thời gian 5 năm đầu chung sống. Vợ chồng Xiêm đã đi qua quãng thời gian đó bằng tất cả sự cảm thông, chia sẻ. Những thứ Xiêm muốn đều đã dần toại nguyện, có nhà, có xe, có một sự nghiệp vững vàng. Nhưng mỗi tối khi trở về nhà, nhìn mọi thứ lạnh lẽo xung quanh chị lại thấy mình chẳng có gì. Ngay lúc này, phòng không bật điện, Xiêm chìm trong bóng tối và mớ suy nghĩ lộn xộn của mình. Chị thấy vai mình co lại, cơ thể nhẹ bẫng đến mức lọt thỏm trong chiếc ghế tựa. Rất có thể ngày mai, khi ai đó mở cửa bước vào sẽ chỉ thấy một chiếc ghế trống không, đọng lại vài vệt nước. May mà chuông điện thoại reo vang, Bách gọi dặn: “Cứ thong thả chờ mưa tạnh, nước rút bớt hãy về. Anh đợi cơm, nay có món cá khô mà em thích”. Xiêm bừng tỉnh nhìn ra ngoài cửa kính. Trời tối rồi, mưa cũng ngớt rồi, chị phải về thôi.
Chờ chị là mâm cơm nóng hổi với những món giản đơn. Đĩa cá khô, bát canh chua, lưng bát cà muối xổi. Nó khiến chị nhớ đến bữa cơm của những ngày khó khăn khi hai người mới yêu nhau. Lúc ấy sau giờ làm anh hay sang xóm trọ nghèo nằm tít hút trong căn ngõ nhỏ để cùng chị đi chợ nấu bữa cơm chiều. Chợ cóc đầu ngõ chuyên bán cho sinh viên và dân lao động nghèo với dưa cà mắm muối. Gạo mắm đều là loại rẻ tiền ăn vẫn thấy ngon. Nghèo mà vui, lúc ấy sao nhiều chuyện để nói với nhau đến thế. Cắn miếng cá khô mặn đót trong miệng, chị thấy vẫn ngon như ngày nào. Dù bây giờ sau nhiều năm bán mình cho công việc chị đã có cuộc sống tốt hơn nhiều. Nhưng hóa ra hạnh phúc với chị vẫn giản đơn thế thôi, như mâm cơm này, có khi sơn hào hải vị lại không phù hợp.
Ăn cơm xong, Bách rủ hai vợ chồng ra ban công ngắm mưa. Xiêm nghĩ mình đã hết tuổi ngắm mưa từ lâu lắm rồi ấy chứ. Thời tiết chớm thu nên trà táo đỏ với kỷ tử ấm lan trong cổ họng sao mà hợp thế. Ông Ngâu - bà Ngâu gặp nhau nước mắt tuôn rơi ngập cả nhân gian. Xiêm nhìn ra màn mưa suy nghĩ mông lung. Chị bất chợt hỏi anh:
- Có phải những đứa trẻ đã chờ mình lâu quá nên chúng đã bỏ đi vào cửa nhà người khác hết rồi?
- Anh nghĩ rồi, con cái là lộc trời cho. Con chưa đến là mình chưa có duyên. Em cứ thoải mái tư tưởng, ăn tốt, ngủ tốt, thuốc thang đầy đủ. Anh tin rồi con sẽ đến.
Xiêm định hỏi thế nhỡ con không đến thì sao? Nhưng nhìn vào mắt Bách chị thấy được sự ấm áp của buổi ban đầu. Như thể anh muốn nói, sẽ chẳng sao cả, chỉ cần hai đứa mình thương nhau vẫn thành một gia đình. Chị ngả đầu vào ngực anh nói với nhau chuyện đã lâu không đi mua sách, không xem chung một bộ phim, không lang thang phố phường vào một ngày đẹp trời nào đó. Yêu như vừa mới yêu. Cuộc sống ngoài kia tất bật lo toan, thành phố triệu dân, nếu có phải tan biến cũng sẽ tan biến cùng nhau. Nếu mỗi người chỉ còn là một chấm nhỏ cũng nhất định sẽ là hai chấm nhỏ đứng cạnh nhau. Ngày xưa nghĩ gì cũng giản đơn nên dễ sống. Mười năm đủ để Xiêm nhận ra thứ khiến cuộc đời mình ngột ngạt không phải là khói bụi, hay những căn nhà san sát nhau. Mà chính là những tham vọng chị tự mình chất lên vai, chỉ biết nhìn về tương lai mà quên mất hạnh phúc bình dị mỗi ngày. Bách nói: “Không sao cả. Chúng mình còn thời gian để vun vén lại”. Ngoài trời, mưa đã ngừng rơi…
Con đến với Xiêm trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Con đến bằng giấc mơ về một thiên thần. Con đến bằng cơn nghén ngủ, thèm chua. Con đến lúc hoa ở ban công nở rộ, trời mùa thu mát mẻ trong xanh. Ra khỏi phòng khám Xiêm đứng lặng hồi lâu tưởng tượng ra khuôn mặt hạnh phúc của chồng khi biết tin này.
Thành phố vẫn vậy thôi, nhưng sao giây phút này chị thấy mọi thứ xung quanh dễ chịu vô cùng. Đường như bớt đông hơn. Ngó nụ cười của người dưng chị cũng thấy lòng mình ấm áp. Con mới chỉ là giọt máu vừa được hình thành trong lòng mẹ nhưng Xiêm đã cảm nhận được rất rõ sợi dây gắn kết của tình mẫu tử thiêng liêng. Từ giờ giấc sinh hoạt đến ăn uống mỗi ngày chị đều nghĩ làm sao để tốt nhất cho con. Xiêm nghe ngóng con lớn lên mỗi ngày trong cơ thể của mình. Có khi đang ngồi họp ở công ty Xiêm bỗng vỡ òa trong cái máy bụng đầu tiên. Có nhiều đêm thức giấc chị tập hình dung mọi thứ về con. Chắc con sẽ có chiếc mũi cao giống bố, mắt to và đen. Biết đâu con cũng có má lúm đồng tiền giống Xiêm. Có khi nào con đang nằm mút những ngón tay xinh trong bụng? Mường tượng ấy khiến chị bật cười. Bách trở mình ôm vòng qua bụng Xiêm hỏi em khó ngủ à? Tư thế nằm có dễ chịu không? Có đau mỏi ở đâu cần anh xoa bóp cho không?
Nhờ có con mà căn bếp lúc lửa đêm còn sáng đèn ấm lửa. Chỉ cần Xiêm đói, Bách sẽ chẳng nề hà lọ mọ nấu cháo đêm. Xiêm ngồi một chỗ tận hưởng niềm hạnh phúc đã lâu lắm rồi chị không có được. Nhìn căn bếp lộn xộn chị mới thấy nó giống một gia đình. Chẳng mấy chốc sẽ có một em bé chạy lăng xăng chỗ này chỗ kia, quấn lấy chân Xiêm trong lúc đang nấu nướng. Có thể con sẽ nghịch nghợm làm đổ vỡ vài thứ, chẳng sao cả. Có thể con sẽ khóc nhặng lên đòi ăn lúc món trứng đang rán dở, cơm còn chưa kịp sôi. Không sao cả, chỉ cần thấy con háo hức ăn ngon những món mà mình nấu cũng đủ làm trái tim bất cứ người mẹ nào cũng tan chảy vì hạnh phúc. Bách ở đâu trong những mường tượng ấy ư? Chắc là đang ngồi ở góc nhà sửa một món đồ chơi nào đó cho con. Cũng có khi Bách bận lắp lưới chắn cầu thang để con không bị ngã. Hoặc là Bách đang trốn trong một góc nào đó chờ bước chân lẫm chẫm của con chạy đến để… ú òa…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG