Hoàng Cát - Nhà thơ thương binh

.

Nhà thơ thương binh Hoàng Cát (1942-2024) có cuộc đời huyền thoại. Ngay từ khi còn nhỏ, lúc chăn trâu, anh có cách gọi trâu, tìm trâu rất thơ. Và cách ấy đã lọt vào tai nhà thơ Xuân Diệu khi đi công tác ngang qua. Anh đã  được Xuân Diệu tiên đoán sẽ là một thi nhân ngay từ ngày ấy.

Ảnh chụp tại ga Huế mùa hè năm 2007 khi Hoàng Cát khép lại chuyến về thăm chiến trường cũ. Trong ảnh từ trái qua phải là nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Hoàng Cát và các văn nghệ sĩ Huế. Ảnh: T.K
Ảnh chụp tại ga Huế mùa hè năm 2007 khi Hoàng Cát khép lại chuyến về thăm chiến trường cũ. Trong ảnh từ trái qua phải là nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Hoàng Cát và các văn nghệ sĩ Huế. Ảnh: T.K

Những năm tháng được chắp cánh bay

Cũng lạ là ở Nghệ An, con nhà nghèo nhưng Hoàng Cát lại học giỏi tiếng Pháp. Tài thơ và vốn tiếng Pháp đã cho anh trở thành người em kết nghĩa của nhà thơ Xuân Diệu khi anh ra Hà Nội học Trường Trung cấp cơ khí, nhất là sau khi ra trường, Hoàng Cát được về công tác tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo thì căn nhà 24 Đường Điện Biên Phủ của cặp thi sĩ Xuân Diệu - Huy Cận cũng đã trở thành nơi đi về mưa nắng của Hoàng Cát.

Năm 1962, chỉ vừa đôi mươi, Hoàng Cát có bài thơ đầu tiên in trên Báo Lao động với cái tên rất hiện đại “Một tòa nhà 400 khung cửa sổ”. Bài thơ được viết ra hứng khởi từ một sự thật xây dựng của tòa cao trên đường Nguyễn Trãi giống như Phan Huỳnh Điểu xúc cảm từ tòa cao ốc đường Giảng Võ mà viết ra tình ca “Những ánh sao đêm”. Có điều tư duy Hoàng Cát mới mẻ hơn, cập nhật hơn. Mà sao anh đếm ra đủ 400 cửa sổ thì thật lạ và thật chính xác như toán học.

Một tòa nhà 400 khung cửa sổ
Ngực hiên ngang làm bức tường đón gió
Bạn cùng mây trò chuyện với sao trăng
400 khung thao thức với chị Hằng
Hẹn một đêm nào bên nghìn khung cửa sổ
Con số 400 vẫn còn rất nhỏ…

Năm 1963, bài thơ “Những ngôi sao đêm với người thợ đi ca đêm” của anh in trên Báo Văn Nghệ. Chắc cảm hứng từ nơi anh công tác - Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo.

Khi chúng tôi bước vào nhà máy
Sao trên trời như vừa thức dậy cùng ta
Sông Ngân Hà bạc vàng lấp lánh
Từng đôi, từng đôi - sao sánh từng đôi
Một con vịt cuối trời xa lắc
Giữa biển đêm thanh thản tìm mồi…

Nhà thơ Xuân Diệu đọc bài thơ này từ bản thảo và ông khẳng định: “với bài thơ này, em đích thực đã là thi sĩ”.

Người thợ, người thơ và người lính

Nhưng lối đi của phận người luôn phải cuốn theo lối đi của thời thế. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lôi con người ra ngoài yên tĩnh. Và một thế hệ trong đó có Hoàng Cát lộn trái mình thành lính. Ngày 5-7-1965 từ Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Hoàng Cát nhập ngũ và nhanh chóng tham gia chiến trường Trị Thiên - Huế. Thế là từ Nghệ An, Hoàng Cát ra Hà Nội để trở thành người thợ và người thơ, từ Hà Nội vào Trị Thiên - Huế để trở thành người lính. Ở chiến trường Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, người thợ Hoàng Cát trở thành người lính quân giới có hạng, tháo gỡ các loại bom mìn đạn pháo của địch chưa nổ, giúp cho du kích ở đây chế tạo những quả mìn, những quả đạn chống càn.

Anh là người viết thêm những dòng đẹp đẽ về chiến tranh nhân dân thần kỳ. Một thần kỳ nữa khắc vào đời Hoàng Cát, đấy là Tết Mậu Thân 1968. Trong khi cả miền Nam hòa vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thì anh được chỉ huy đoàn giao nhiệm vụ đặc biệt bí mật là bơi ra vũng Chân Mây, tiếp cận con tàu hàng từ Sài Gòn bị mắc cạn đã lâu và tìm cách gỡ cho bằng được một cái quạt gió để mang lên chiến khu thổi bễ lò rèn cho xưởng quân giới chế tạo bom mìn. Một nhiệm vụ ly kỳ. Hoàng Cát đang bơi thì bất thần máy bay do thám phát hiện, lượn sát mặt biển và suốt mấy giờ liên tục xả đại liên như mưa trút xuống con tàu mắc cạn. May sao, không viên đạn nào trúng vào Hoàng Cát.

Sau chiến tích đó, Hoàng Cát được phân công làm tổ trưởng một tổ quân giới vào Quảng Nam học cách chế tạo mìn bay của chiến trường khu 5. Mìn bay là loại mìn đánh đồn bốt và xe tăng từ xa rất hiệu quả. Học đến đầu năm 1969 đã xong. Sản xuất thử rất tốt. Đang tính trở lại Phú Lộc thì bất ngờ trưa mồng 2 Tết Kỷ Dậu (20-2-1969), địch rải bom chiến lược B52 trúng công binh xưởng. Chân trái Hoàng Cát nát bươm như cây bắp cải quật xuống sàn xi-măng. Anh được đưa vào bệnh xá cứu chữa, rồi được đồng đội cáng ra Bắc.

Cáng Hoàng Cát là hai chiến sĩ. Người đi trước là Linh - đồng hương Nghệ An của Hoàng Cát. Người đi sau là chiến sĩ vận tải người dân tộc Tà Ôi. Cáng lọt đúng vào điểm đổ quân càn quét. Một cơn mưa đạn các loại trút xuống. Linh gục chết ngay tại chỗ. Người lính Tà Ôi sợ quá chạy xuống suối. Thấy vậy, Hoàng Cát nghĩ đằng nào cũng chết. Anh liền bò và lặn xuống bờ suối giữa cơn mưa. Mãi tới đêm, Hoàng Cát mới nghe ám hiệu “Tróc chóc, tờ róc” của người lính Tà Ôi. Anh đáp lại, người lính Tà Ôi bò tới, thấy anh còn sống, tiếp tục cõng anh ra Bắc, để lại chiến trường chân trái của mình.

Tay làm nem chạo, tay viết thơ

Chính lúc Hoàng Cát ra Bắc chữa bệnh và an dưỡng lại là lúc tôi nhập ngũ sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc. Trong những ngày đầu quân ngũ, lần đầu tiên tôi biết đến tên Hoàng Cát và ấn tượng khi đọc chùm thơ của anh in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tôi nhớ có bài thơ năm chữ của anh viết về chiếc lá rừng như bàn tay của con vuốt ve cha trong đêm ngủ võng ở Trường Sơn. Từ đấy, cái tên Hoàng Cát được nạp vào bộ nhớ của tôi. Mùa mưa 1974, tôi đang ở Quảng Nam thì được đón tiếp nhà thơ Xuân Miễn đi thực tế dọc tuyến đường dây chiến lược xuyên Trường Sơn, tại đây ông kể tôi nghe những chuyện văn nghệ năm 1974 ở Hà Nội. Trong đó có câu chuyện về truyện thiếu nhi “Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát. Nghe Xuân Miễn kể, tôi thốt lên tự nhiên: “Em chưa hề gặp Hoàng Cát, nhưng đọc thơ của anh ấy, em thấy đầy chất nhân văn. Chính Hoàng Cát là người đã vô hình hướng em đến với thơ”. Và tôi được biết, sở dĩ Hoàng Cát viết truyện thiếu nhi này là bởi một sự thực của chính anh. Tại nơi anh ở, khi xưa đây là một vườn hoang rậm rạp, có một cây táo dại tự nhiên mọc lên và lớn rất nhanh. Vợ chồng anh lại đi làm suốt ngày sợ khi cây táo có quả, trẻ con sẽ vào hái trộm và quấy phá nhà cửa, vườn tược. Vậy là Hoàng Cát chặt cây táo. Nhưng khi chặt xong, thì anh lại đâm ra buồn bã và hối hận vì giây phút nhỏ nhen bất chợt vì anh vốn rất yêu trẻ con. Và để sám hối với lương tâm mình, anh đã viết truyện thiếu nhi “Cây táo ông Lành” để tự tạ lỗi với những đứa trẻ con mà anh đã cho rằng mình đã chặt cây táo là xúc phạm các em. Bây giờ đọc lại “Cây táo ông Lành” thấy càng thương Hoàng Cát.

Thời gian, sau việc “Cây táo ông Lành”, trong bần hàn Hoàng Cát đành ra ngồi bán nước chè chén năm xu ngoài vỉa hè. Còn chị Tâm - vợ anh thì làm nem chạo đi bỏ mối và ngồi bán trực tiếp tại chợ từ sáng tới khuya. Chính lúc này, anh còn có một người bạn đã bên anh trong những ngày cơ hàn. Đó là nhà thơ Phạm Đình Ân. Lúc ấy, Phạm Đình Ân công tác tại Báo Nhân dân và giữ mục “Chuyện lớn - Chuyện nhỏ”. Hoàng Cát được Phạm Đình Ân “bật mí” cho viết chuyên mục này.

Một huyền thoại còn thức

Năm 1991, sau một thời gian dài gián đoạn, chùm thơ của anh đầu tiên được “tái xuất” trên Báo Người Hà Nội. Từ đấy, Hoàng Cát viết ào ạt như người ốm ăn trả bữa. Anh liên tục cho ra những tập thơ riêng của một thương hiệu Hoàng Cát.

Thơ anh là một giọng điệu cổ điển chứa chan cảm xúc. Đấy là tuyên ngôn thơ của anh. Thậm chí có lúc anh đã chạm vào hiện đại như câu thơ “Thời gian đi như Hà Nội tắc đường” thì anh vẫn lại với tay chạm lại về thân thuộc. 14 tập thơ được ấn hành từ năm 1991 đến 2023 là một con số thuyết phục của một thi nhân. Tập “Cõi người” là tập thơ tuyển trước khi Hoàng Cát ra đi đã được ấn hành gần 800 bài thơ. Một tập thơ nặng tay, cứ ào ào thác chảy như tâm hồn Hoàng Cát. Ở đâu, ở nơi nào anh cũng làm thơ. Thơ ở bệnh viện của Hoàng Cát cũng đã đủ in một tập. Dường như nội lực thâm hậu của nhà thơ thương binh này là vô song, là bất chấp cả đau đớn tật nguyền. Một huyền thoại còn thức.

Cũng là nhớ, nhưng “Nhớ sông Hàn” thì lại là một nỗi nhớ hoàn toàn khác lạ. Còn “Gửi lại Hải Phòng” thì là gửi lại một nụ hôn đầu thuở ấy - thuở thanh xuân. Tôi đã phổ nhạc “Gửi lại Hải Phòng” của Hoàng Cát vì thấy trong bài thơ anh có bóng dáng của chính mình. Năm 2009, khi ra CD “Mùa yêu dấu” có bài này, Hoàng Cát đến dự và rất cảm động khi nghe Việt Hoàn trình bày “Gửi lại Hải Phòng”.

Nhắc đến thơ Hoàng Cát trong những ngày tháng Bảy này, tôi chỉ muốn nhắc đến một bài thơ "Trái tìm tôi là một nấm mồ" mà Hoàng Cát làm bằng cả gan ruột của mình với tình đồng đội chứa chan.  

Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất mẹ tôi bị bom tàn sát
Tôi chôn cất em trai tôi không thấy xác
Trên chiến trường miền Nam
*
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn Tiến - người Tĩnh Gia - Thanh Hóa
Đi công tác rồi không về nữa
Suốt tháng tôi tìm, nhặt được dép cao su
*
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất ấp iu, người em tình nghĩa
(Linh ở Yên Thành, Nghệ An)
Tôi cụt chân Linh cáng cứu tôi
Địch xả liên thanh Linh nát người
Máy bay đổ quân chặt Linh thành hai mảnh
*
Tôi đã chôn biết bao bè bạn
Giữa tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi
(Khải, Bi, Xin, Danh, Quyên, An)
Không nhớ hết từng người
Vì cuộc sống vẫn còn phải sống
Tôi giữ mãi những nấm mồ được ấm
Giữa trái tim…

Bài thơ thấm đẫm chất nhân văn cùng cực. Nó an ủi cả những dâng hiến, hy sinh cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Họ chưa được đưa về nghĩa trang, nhưng từ lâu, họ đã được yên nghỉ trong trái tim người thân, trong trái tim bè bạn, đồng đội. Như vậy, chẳng là quá đủ rồi sao. Còn nếu tìm kiếm được thì thêm tốt biết bao... Đấy là đóng góp nhân bản của Hoàng Cát - Nhà thơ thương binh.

Năm 1991, chùm thơ của anh đầu tiên được “tái xuất” trên Báo Người Hà Nội. Từ đấy, Hoàng Cát viết ào ạt như người ốm ăn trả bữa. Anh liên tục cho ra những tập thơ riêng của thương hiệu Hoàng Cát. Thơ anh là một giọng điệu cổ điển chứa chan cảm xúc. Đấy là tuyên ngôn thơ của anh.

NGUYỄN THỤY KHA

;
;
.
.
.
.
.