Khi người trẻ yêu lịch sử

.

28,13 là điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2024 của ngành Sư phạm Lịch sử - Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; tăng 0,55 điểm so với năm 2023, tăng 3,05 điểm so với năm 2022. Đây cũng là mức điểm cao nhất trong 9 trường thành viên của Đại học Đà Nẵng, vượt xa các ngành học khác. Không riêng Đà Nẵng, ngành Sư phạm Lịch sử tiếp tục là ngành xếp đầu về điểm chuẩn tại nhiều trường, như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (29,30 điểm), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (28,83 điểm), Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (28,76 điểm), Đại học Vinh (28,71 điểm), Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (28,6 điểm), Đại học Cần Thơ (28,43 điểm), Đại học Sư phạm - Đại học Huế (28,3 điểm)…

Năm 2023 từng được xem là năm thiết lập “kỷ lục” về tiêu chuẩn đầu vào của ngành Sư phạm Lịch sử với số điểm cao ngất, từ gần 27 đến trên 28. Tuy nhiên, kỷ lục đó nhanh chóng bị phá vỡ khi điểm chuẩn năm 2024 còn cao hơn năm trước. Điều này cho thấy việc lựa chọn ngành Sư phạm Lịch sử không phải là hứng thú nhất thời; cũng chứng minh sự quan tâm đặc biệt của thế hệ trẻ đối với lịch sử - môn học từng liên tục ngân vang hồi chuông báo động về tình trạng học sinh “thờ ơ”.

Con số hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử năm 2011 đến nay vẫn còn là câu chuyện thời sự khó quên của ngành Giáo dục. Cơn sóng tiếp tục bùng nổ khi từ năm 2014 đến năm 2016, nhiều hội đồng thi không có thí sinh nào đăng ký thi môn Lịch sử. Trong những năm tiếp sau, mặc dù chất lượng thí sinh và điểm số được cải thiện nhưng Lịch sử vẫn là môn có điểm liệt nhiều nhất và thuộc nhóm các môn có điểm trung bình thấp nhất: 4,32 (năm 2016), 4,6 (năm 2017), 3,79 (năm 2018), số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ 83%, 4,3 (năm 2019), 5,19 (năm 2020), 4,97 (năm 2021).

Thời điểm này, tranh cãi liên tục xảy ra. Nhiều học sinh cho rằng việc né môn Lịch sử không có nghĩa là thờ ơ trước lịch sử đất nước. Các bạn chỉ đang e ngại trước những con số khô khan, mốc thời gian khó nhớ hoặc ngán ngẩm lối dạy chay, thiếu cọ xát thực tế hay tư liệu để hình dung và hình thức thi tuyển nặng tính thuộc lòng… Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng từng thẳng thắn thừa nhận việc dạy lịch sử trong các nhà trường vẫn thiên về sự kiện, số liệu, chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh trong việc học. Việc kiểm tra, đánh giá, thi môn Lịch sử vẫn chỉ chú ý vào mốc, số liệu, sự kiện mà chưa quan tâm nhiều đến tư duy, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử.

Ba năm gần đây, điểm trung bình môn Lịch sử đã có sự cải thiện đáng kể, vượt mức 5: 6,34 (năm 2022), 6,03 (năm 2023), 6,57 (năm 2024). Đặc biệt, kết quả môn Lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 ghi nhận số lượng bài thi điểm 10 tăng cao với 2.108 bài, tăng gấp 2,7 lần số bài thi đạt điểm 10 năm 2023. Đây chính là kết quả của sự đổi mới, đột phá từ phương pháp giảng dạy. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời cùng sự nỗ lực, tâm huyết của các thầy, cô trong việc thay đổi phương pháp dạy học truyền thống (đọc chép, truyền thụ kiến thức một chiều), thành phương pháp giáo dục phát huy sự sáng tạo của người học, gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn (tham quan, trải nghiệm thực tế ở bảo tàng, khu di tích; sắm vai diễn tuồng; xem triển lãm…).

Tuy nhiên, những bạn trẻ ngày nay ngoài việc chọn ngành Sư phạm Lịch sử, còn thể hiện sự trân trọng lịch sử nước nhà trong nhiều sắc thái khác nhau, không chỉ ở trang sách. Họ vẫn đang ngày ngày thổi bùng ngọn lửa yêu nước qua từng hành động nhỏ. Đó là nữ sinh Hoàng Quỳnh Anh (SN 2006) lồng ghép các yếu tố, sự kiện lịch sử Việt Nam trong bản rap “Việt Nam Kiêu Hùng”, thể hiện tinh thần yêu nước đầy khí phách. Đó là những người trẻ đặt nhiều tâm huyết vào các sáng tác nghệ thuật, như: truyện tranh “Truyền thuyết Long Thần Tướng” (Nguyễn Khánh Dương, Thành Phong, Mỹ Anh sáng tạo với sự cố vấn về sử học của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức), sách tranh “Lĩnh Nam chích quái” (Tạ Huy Long), phim hoạt hình dã sử “Việt sử kiêu hùng” (nhóm Đuốc Mồi)… Đó là nhóm bạn trẻ 9X quảng bá văn hóa dân tộc bằng công nghệ số qua dự án “Đồng bào Việt Phục”. Đó còn là “Sử Talk” - nơi lịch sử được kể, bàn luận một cách say sưa, đầy cảm xúc bởi những người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x với các diễn đàn đông đảo người tham gia…

Các liệt kê trên chỉ là phần nhỏ nhoi trong nhiều, rất nhiều hoạt động sáng tạo của những người trẻ với khát khao đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng. Nhưng mỗi thế hệ lại có một cách gìn giữ và yêu thương lịch sử bằng cách riêng. Với người trẻ, họ truyền đi cảm hứng trong từng sáng tạo chuyên môn, khám phá, gìn giữ và nâng niu quá khứ: từ câu chuyện lịch sử đến cổ phục, không gian di sản, di tích, môi trường diễn xướng, thực hành văn hóa… Họ lan tỏa tinh thần dân tộc bằng công nghệ và mạng xã hội, có khi đơn giản chỉ là chia sẻ các đoạn phim ngắn giới thiệu một di tích lịch sử, đăng tải những bài hát cách mạng đi cùng năm tháng, hoặc rưng rưng xúc động trước một chương trình nghệ thuật vang bóng thời vàng son…

Người trẻ yêu nước, yêu lịch sử từ mỗi hành động như thế!

DUY AN

;
;
.
.
.
.
.