Lắt léo và lịch lãm cùng tiếng Việt

.

Lê Minh Quốc - trong suốt những năm làm nghề, vừa viết báo, vừa viết sách, anh luôn đau đáu với việc giữ gìn sự trong sáng và vẻ đẹp của ngôn từ tiếng Việt. Vì tình yêu tiếng Việt rất lớn, sâu thẳm trong một tâm hồn Việt, anh đã dày công viết cuốn "Lắt léo tiếng Việt" (NXB Trẻ, 2017). Và đến 2024, cuốn "Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm" (NXB Trẻ) lại nối tiếp cho hành trình giữ gìn bản sắc, linh hồn của tiếng Việt, ngôn ngữ Việt ngày càng đẹp hơn, duyên dáng lịch lãm hơn.

 

Tiếng Việt qua nhiều giai đoạn biến dời của xã hội, trong dòng chảy giao lưu văn hóa không tránh khỏi có sự vay mượn từ nước ngoài. Thậm chí tiếng Việt cũng có nguy cơ bị bóp méo, bị biến dạng bởi một số thói quen do con người chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng nước ta.

Lê Minh Quốc vẫn đau đáu những nỗi niềm với các hiện trạng đau lòng đó. Anh không ngừng tìm tòi những nguồn tư liệu lớn, ngồn ngộn, rộng và sâu; cùng với việc gom góp những hiểu biết tường tận, những kiến thức của mình để làm nên một quyển sách đầy giá trị cho tiếng Việt.

Bạn đọc sẽ ít nhiều ngả mũ trước kho tư liệu mà anh đã nhọc công tìm tòi và kiến giải để phục vụ cho cuốn sách. Số lượng từ điển và sách khảo cứu mà Lê Minh Quốc tham khảo lên tới gần 50, được liệt kê rõ ở phần tài liệu tham khảo cuối sách.

Sự phong phú, thâm thúy và uyển chuyển của tiếng Việt, vốn là điều khiến cho người nói tiếng mẹ đẻ cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, điều đó mới chính là điều làm cho tiếng Việt trở nên giàu đẹp, là một kho tàng chứa đầy những thứ độc đáo mà người ta luôn luôn tò mò, muốn khám phá từng chút một.

Lê Minh Quốc đưa ra một câu hỏi thú vị cho hành trình đi tìm sự lắt léo và lịch lãm trong tiếng Việt: “Dám nói rằng, dù là người Việt nhưng chắc gì chúng ta có thể hiểu hết tiếng Việt?” Đó cũng chính là cơn cớ để anh - bằng tình yêu tiếng Việt vô bờ - cống hiến cho đọc giả cuốn sách đầy tâm huyết này.

Tiếng Việt bao la và luôn biến chuyển đa dạng, phong phú vô cùng, không thể chỉ gói gọn trong một vài quyển sách. Ta không thể chỉ học và đọc tiếng Việt một vài quãng trong đời là có thể hiểu hết, biết hết. Mà có khi, để hiểu và thực hành tốt tiếng Việt, chúng ta phải học, học nữa, học mãi, học cả đời. Có vậy mới thấy ngôn ngữ vốn muôn màu muôn vẻ, luôn vận động và biến đổi không ngừng.

Bản sắc bất biến của tiếng Việt nằm trong chính sự biến hóa. Khảo sát sự biến hóa này, từ đó giúp người đọc hiểu được cái tài tình và ý tứ trong lời ăn tiếng nói của dân tộc, chính là dụng ý lớn nhất của tác giả. Lê Minh Quốc khảo sát 4 khía cạnh của tiếng Việt trong 4 tiểu mục (4 phần): Ăn theo thuở, ở theo thời; Nhập gia tùy tục; Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ và Rành sáu câu… mút mùa Lệ Thủy.

Lê Minh Quốc đặc biệt thích thú với từ địa phương, dành đến 2/3 cuốn sách để đào sâu, khám phá phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ, đặc biệt là Nam Bộ. Anh cũng đặc biệt ưu ái văn chương bình dân, nhất là ca dao, tục ngữ - là đối tượng được anh quan tâm, đi sâu vào khảo sát. Là bởi, chúng lưu giữ “dấu vết văn hóa ngàn năm của người Việt”, là những “viên ngọc còn tồn tại muôn đời” nên được anh lấy làm chuẩn, làm mẫu mực khi sử dụng làm văn liệu dẫn chứng cho một từ nào đó. Một số tác giả cùng với tác phẩm mang tính bình dân được anh đề cập đến trong sách như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Hồ Xuân Hương, Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng, Phan Bội Châu…

Họ là những đại diện tiêu biểu cho ngôn ngữ một vùng miền hay ngôn ngữ đời thường. Bên cạnh đó là các tên tuổi văn chương có phong cách ngôn ngữ bác học hay trí thức hơn, như vua Lê Thánh Tôn, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử…

Anh còn lưu tâm đến nhóm từ ngữ xuất hiện gần đây, trong đời sống hằng ngày: trẻ trâu, bỉm sữa, ảo tung chảo, thổi giá, lùa gà, bom hàng, bóc phốt… Nhóm ngôn ngữ này xuất hiện cùng với sự phát triển của mạng xã hội, chứng tỏ tiếng Việt luôn có sự mở rộng, thích ứng với từng giai đoạn của cuộc sống, không bao giờ bị lạc hậu. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại xuất hiện một thứ “tiếng Việt méo mó”, “tiếng Việt dị dạng”, “tiếng Việt nói ngọng”… khiến thế hệ trẻ rất dễ “lạc đường” khi sử dụng chính ngôn ngữ mẹ đẻ. Điều này khiến không ít người, điển hình như Lê Minh Quốc thực sự lo lắng và xót xa cho tiếng Việt.

Cuốn sách với nhiều dụng công, tâm huyết mà anh đặt trọn vào từng câu chữ, không nằm ngoài mục đích chia sẻ kiến thức về tiếng Việt, với nỗ lực giúp mọi người hiểu và vận dụng tiếng Việt cho đúng, phù hợp. Hành trình gìn giữ từng vẻ đẹp từ mộc mạc đến duy mỹ, bác học của thứ ngôn ngữ mẹ đẻ, chính là minh chứng cho nhận định của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo: “Không! Linh hồn của tiếng Việt không hề mất”.

Lối viết nhẹ nhàng, Lê Minh Quốc dẫn người đọc đi qua những trang sách, khám phá lượng kiến thức lớn nhưng không hề khô khan. Những trang sách như những cánh cửa lần lượt mở ra, hé lộ những thứ “lắt léo” và “lịch lãm” của ngôn từ, tựa một sợi dây kết nối xuyên suốt.

Nhà thơ, nhà báo, tác giả Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng. Anh là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2020-2025). Lê Minh Quốc là tác giả của hơn 50 cuốn sách thuộc nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, tùy bút, biên khảo... Trong đó có một số cuốn biên khảo giá trị: Người Quảng Nam (NXB Trẻ, 2007), Người Bến Tre (NXB Trẻ, 2020), Lắt léo tiếng Việt (NXB Trẻ, 2017)…

TRẦN HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.