Miền an yên yêu thương và tiếc nuối

.

Tập Miền an yên (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Nguyễn Thị Thu Thủy xoay quanh những đề tài tập trung vào ngôi làng bên nhánh sông Cừ hiền hòa êm ả và miền quê Quảng Nam, nơi chị đã trải thời tuổi thơ của mình. Hình ảnh của nguồn cội quê nhà luôn theo Thu Thủy bằng nỗi nhớ chênh chao, bồi hồi để rồi trở thành nguồn cảm hứng tưởng như bất tận trong sáng tạo văn chương.

Bìa sách Miền an yên.
Bìa sách Miền an yên.

Làng quê, ở nơi nào cũng đều quen thuộc với chúng ta nhưng với thời gian, hình ảnh cánh cò trắng cùng hàng tre ven sông đã không còn nữa vì nhà cửa xây mới, cái giếng làng “rộn rã âm thanh của tiếng gàu, tiếng thùng, tiếng cười nói, tiếng bước chân” cứ cựa quậy trong tâm trí bởi giếng làng đã không còn ai đến nữa, chỉ còn âm vang của tiếng gàu trong giấc mơ về sáng. Những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm đã thổi vào tâm hồn chị tình yêu quê hương sâu sắc. Và rồi, tình yêu ấy hiện lên trong văn chương sự đằm thắm, trong sáng đầy trĩu nặng của một tấm lòng thương cảm.

Những hình ảnh giàu sức gợi, sự liên tưởng bay bổng, “nhìn hoa xoan nở rộ trên tàn lá xanh non ta cứ ngỡ mây trời đang xòa xuống thấp” (Mùa xoan). Tất cả chỉ còn lại trong nỗi nhớ và niềm tiếc nuối vương vấn của mùi hương quê, hương thời gian: “Cho dù mái tóc của chị em tôi hiện tại gội đủ loại dầu nhưng hương mùi và độ mượt sẽ không bao giờ sánh được với nước gội bồ kết pha lá dứa bình dị với làng quê” (Hương dứa vườn sau). Cái mùi hương đồng cỏ nội trong vườn quê cũng đã phai đi, không còn tìm lại được “vẫn ruột đỏ vỏ xanh nhưng cái vị chua ngọt giòn tan khi cắn miếng đầu tiên không còn nữa, cầm trái ổi chín vàng đưa lên mũi ngửi cũng không còn tìm đâu ra"… 

Hình ảnh người cha từng là một công chức cũ ở thành phố về quê làm ruộng và người mẹ tần tảo quán nghèo, nuôi dưỡng sáu chị em lớn khôn luôn in đậm suốt những trang văn của Nguyễn Thị Thu Thủy, luôn thức dậy trong ký ức dạt dào cảm xúc. Những bài viết “Chắt chiu một đời", "Tết Đoan Ngọ", "Ôi cái ngày xưa ấy", "Tuổi thơ sống với cha mẹ", "Mùa hè tuổi thơ tôi", "Sợi rơm vàng", "Mùa ổi chín", "Ngọn đèn đời cha"… làm người đọc cứ rưng rức bởi một nỗi u hoài về những gì không còn nữa, đã vĩnh viễn ra đi. Điều đáng nói, trên một đề tài quá quen thuộc đối với mọi người, ai cũng từng trải qua nhưng dưới ngòi bút của tác giả, bằng sự tinh tế chi li từng chi tiết, một giọng văn trữ tình luôn khêu gợi mỹ cảm, lay động lòng người.

Mọi sự vật, hiện tượng liên quan đến miền quê ấy được khai thác đủ đầy bằng sự hiểu biết sâu sắc, thể hiện sự kỳ khu của tác giả trước khi chấp bút. Đặc biệt là đời sống và công việc nhà nông, là “con nhà nông chính hiệu” đã giúp cho những trang viết trở nên sinh động, phong phú, phác thảo một không gian văn hóa của miền quê Quảng Nam với phong tục, tập quán được diễn ngôn theo những chồng lớp lịch sử, văn hóa vùng miền. Loạt bài như “Tằm tang xứ Quảng", "Mùa Trung Thu năm cũ", "Bậc đá in dấu thời gian", "Điệu hát bài chòi năm xưa", "Hương vị Tết xứ Quảng"…, bằng sự chọn lựa một lối viết, góc nhìn theo hai chiều lịch đại và đồng đại đã nâng cao giá trị cho tập sách. Trong bài "Tằm tang xứ Quảng", nói về nghề trồng dâu nuôi tằm bên sông Thu Bồn, hình như ai cũng từng biết đến nhưng đôi khi chỉ biết phần ngọn. Tác giả đã mang đến khá đầy đủ những “tư liệu sống” trong quá trình trồng dâu nuôi tằm “làm ruộng ăn cơm nằm/ nuôi tằm ăn cơm đứng”.

Người ta “ai cũng lớn lên ở đồng quê mà không một lần chơi trốn tìm quanh gốc rơm cuối vườn”. Nhưng đọc "Sợi rơm vàng" mới thức ngộ ra một điều, đằng sau hình ảnh đầy thi vị ấy là một quá trình để làm cây rơm “vừa to vừa chắc” rất mất công, từ chọn đất, làm cột đóng bằng “3 cây tre già, đào đất chôn thật chặt và kỹ thuật làm cây rơm, phải huy động 3, 4 người mới làm được”. Rõ ràng nếu không được sống cùng với nghề nông, khó có những trang viết giàu tính “thực chứng” như vậy… Sử dụng nhuần nhuyễn giữa hai thủ pháp nghệ thuật miêu tả và tự sự, tác giả đã tái hiện một miền quê Quảng Nam với những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong trẻo, êm đềm, ngọt ngào cùng những tiếc nuối thảng thốt bởi thời gian và quá trình đô thị hóa đã ít nhiều lấy mất đi. Hãy nghe tác giả tâm sự: “Tôi trân quý thời thơ ấu của mình bởi quá khứ ấy chắp cánh cho hiện tại. Sống với hoài niệm là tìm về chút hương xưa, tìm lại chút niềm vui đời thường”.

Là “con nhà nông chính hiệu” đã giúp cho những trang viết của Nguyễn Thị Thu Thủy trở nên sinh động, phong phú, phác thảo không gian văn hóa của miền quê Quảng Nam với phong tục, tập quán được diễn ngôn theo những chồng lớp lịch sử, văn hóa vùng miền.
Sử dụng nhuần nhuyễn giữa hai thủ pháp nghệ thuật miêu tả và tự sự, tác giả đã tái hiện một miền quê Quảng Nam với những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong trẻo, êm đềm, ngọt ngào cùng những tiếc nuối thảng thốt bởi thời gian và quá trình đô thị hóa đã ít nhiều lấy mất đi...

HỒ SĨ BÌNH

;
;
.
.
.
.
.