Duyên thơ thiếu nhi của Hồ Huy Sơn xuất phát từ những điều bình dị, gắn bó thiết thân với các bạn nhỏ. Thơ anh mộng mơ nhưng không hướng tới sự viển vông. Thơ ấy không có cô tiên, không có những phép thần kỳ, nhưng từ ông trăng đến chú ve ngốc nghếch… đều khoác lên mình một diện mạo sống động và hài hước. Tập thơ thiếu nhi Mùa hè ra biển (Lionbooks và NXB Hà Nội, 2024) cũng như vậy.
Và cũng vô cùng lạ
Hai chiếc xe đụng nhau
Cả hai cùng đứng dậy
Mỉm cười, chuyện qua mau!
Phải chi cuộc đụng độ giữa những người lớn nào cũng hồn nhiên như vậy thì đời sống hiện đại của chúng ta đã bớt đi biết bao nỗi muộn phiền. Nhưng tôi nghĩ gì kia chứ, nỗi buồn chỉ vắng bóng trong thế giới được nhìn qua đôi mắt trong veo của trẻ thơ. Đó chỉ là vài cảm nhận vu vơ ban đầu của một người lớn khi đọc thơ thiếu nhi. Bốn câu thơ trên được dẫn ra từ tập thơ thiếu nhi Mùa hè ra biển.
Tác giả sinh năm 1985 này đều đặn mỗi năm đều có tác phẩm mới, đa dạng thể loại, truyện, tản văn, thơ. Chưa kể đến công việc thường nhật của một nhà báo. Nhưng dù viết gì, anh cũng dành một khoảng trời cho thơ thiếu nhi.
Thơ thiếu nhi của Hồ Huy Sơn luôn xuất phát từ những điều bình dị, gắn bó thiết thân với các bạn nhỏ. Thơ anh mộng mơ nhưng không hướng tới sự viển vông. Thơ ấy không có cô tiên, không có những phép thần kỳ, nhưng từ ông trăng đến chú ve ngốc nghếch… đều khoác lên mình một diện mạo sống động và hài hước, như bài thơ về chú mèo lười trong tập Mùa hè ra biển.
Tại sao lười quá mèo ơi
Chẳng chịu làm việc mà ngồi đống tro
Mèo rằng “đang rét co ro
Chuột cũng đi trốn còn lo nỗi gì!...
Chú mèo của chúng ta mới thành thật với sự lười biếng của mình làm sao. Thơ thiếu nhi Hồ Huy Sơn hay ở chính cái thành thật nghĩ sao viết vậy. Thơ ấy là sự bộc trực mà nhiều khi ta nghe ra dường như tác giả đang muốn neo giữ tuổi thơ của chính mình.
Có lẽ nhà thơ người lớn nào khi đặt bút viết cho thiếu nhi cũng đều “triệu hồi” đứa trẻ bên trong bản thân, đứa trẻ thất lạc bấy lâu, đứa trẻ từng là ta nhưng giờ ta bỏ quên ở miền thơ ấu xa tít mù nào đó. Độc giả người lớn đọc những vần thơ thiếu nhi có cảm giác lần nữa tìm về với thế giới đã từng sống động, phong phú và giàu trí tưởng tượng biết bao.
Thơ thiếu nhi của Hồ Huy Sơn cũng khởi sự từ những thứ gần gũi như bốn mùa, biển khơi, cây bút chì… cho đến những điều trừu tượng như ước mơ, tự do tự tại.
Mình thích thì cười thôi
Có gì đâu phải sợ
Nụ cười - thang thuốc bổ
Cả trong mơ cũng cười
Hỡi ơi, các bé con nào biết cuộc sống của người lớn đâu phải muốn cười hoặc khóc lúc nào cũng được. Hai câu thơ trên trích từ bài “Mình thích thì cười thôi”. Các bạn nhỏ trong bài thơ băn khoăn không biết có thể cười “hô hố”, “khanh khách”, “khà khà” như ý mình muốn hay chăng, vì sợ người xung quanh trêu chọc.
Tớ chỉ mong có thể
Cười thật tươi như hoa
Nhưng sợ có người bảo
Ôi trời, y như… ma!
Âm thanh chủ đạo trong Mùa hè ra biển là tiếng cười. Hình ảnh chủ đạo cũng là nụ cười. Một nụ cười buổi sớm mai có thể xua tan những mâu thuẫn cỏn con để khởi đầu ngày dài học tập, làm việc (Những nụ cười sớm mai). Một mùa hè rộn ràng tưởng như muôn vật đều rộ vang. Thanh âm ấy là ngoại cảnh đã giao hòa được tiếng cười xuất phát từ nội tâm (Cổ tích mùa hè). Cái tiếng cười tràn ngập thực tại lẫn trong giấc mộng dịu êm của trẻ thơ (Mình thích thì cười thôi).
Cả những bài thơ khác, dù không xuất hiện nụ cười, độc giả vẫn có thể nghe ra tiếng cười bàng bạc trong từng câu chữ. Chẳng hạn:
Em đi tới trường
Khăn quàng phấp phới
Lòng vui như hội
Khi vừa sang thu
Hồ Huy Sơn đã gieo được vào thơ thiếu nhi của mình một tấm lòng phóng khoáng, một tâm hồn sảng khoái đúng với không khí của mùa hè, và cũng phù hợp với lứa tuổi của các bé. Thời gian dành cho những kỳ nghỉ, vui chơi, và xét trên khía cạnh nào đó, nó còn là mùa gia đình có thể ở cạnh nhau lâu nhất.
Cho nên, tình cảm gia đình cũng là một phần không thể thiếu trong tập Mùa hè ra biển. Hình bóng người bà, người cha, người mẹ, xuất hiện trong tập thơ tuy không nhiều bài nhưng lại có vai trò quan trọng như một gạch nối gắn kết các chủ thể trẻ con và thiên nhiên, thế giới nhuốm màu đồng thoại với thời hiện đại của các thiết bị điện tử, phương tiện cơ giới.
Vai trò quan trọng này được nhấn mạnh khi bài thơ mở đầu tập là thơ viết về (cho) bố. Dẫu là một bài thơ nói chuyện… giận bố. Vì sao giận? Chẳng qua bố tắt tivi lúc cô bé trong thơ đang thích xem. Thế là bé con làm lơ ông bố. Nhưng sau cùng nhận ra sự quan tâm, tình thương của nhau, hai cha con quyết định làm hòa.
Chỉ thế thôi mà thi sĩ viết thành một bài thơ, và cũng chỉ cần thế thôi, biết chăng ở đâu đó trên cuộc đời, có những độc giả nhí xem được những vần thơ ấy mà nuôi ước mơ viết một bài thơ giản dị như trang nhật ký về cuộc sống hằng ngày của mình.
Mùa hè ra biển tiếp nối Những ngọn đèn thơm, cho thấy một Hồ Huy Sơn nghiêm túc với thơ thiếu nhi như dự định đường dài. Những bài thơ, như chính người viết ra chúng, vẫn đang tìm một khoảnh khắc đáng yêu của cuộc sống trẻ thơ, để nắm bắt, để ghi lại, và để tận hưởng từng phút đắm say như đứa trẻ tận hưởng mỗi giây mùa hè ra biển.
Hồ Huy Sơn từ tốn và kiên nhẫn bước vào thơ ca thiếu nhi như vậy. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, đôi khi là vụn vặt. Những vụn vặt đời thường mà nhiều khi chúng ta bỏ quên giữa bộn bề cuộc sống. Như biết bao lần ta để lỡ khoảnh khắc giọt nắng vàng khẽ nghiêng xuống ô cửa sổ lớp học “ngó xem bé làm thơ…”
Nắng theo vào lớp ngồi
Lắng nghe lời cô giảng
Nắng soi tờ giấy trắng
Ngó xem bé làm thơ…
(Giọt nắng sân trường).
HUỲNH TRỌNG KHANG