Một gánh hàng rong, một tiếng rao

.

Tiếng rao và gánh hàng rong, một nét văn hóa truyền thống vốn luôn xuất hiện ở góc đường, trong ngõ hẻm, trước thềm nhà, đang được tái hiện đầy màu sắc trong triển lãm nghệ thuật “Rong - Rao” do dự án “Đà Nẵng tui” tổ chức.

Khách tham quan bị thu hút bởi cách trưng bày độc đáo tại triển lãm
Khách tham quan bị thu hút bởi cách trưng bày độc đáo tại triển lãm "Rong - Rao". Ảnh: T.Y

Với hơn 30 tác phẩm, triển lãm nghệ thuật “Rong - Rao” là sự kết hợp khéo léo giữa không gian trưng bày truyền thống và hiện đại, giữa một bên là những gánh hàng rong quen thuộc, một bên là những trải nghiệm công nghệ đầy mới mẻ. Anh Trần Việt Huy, Giám đốc nghệ thuật triển lãm “Rong - Rao” cho hay, gánh hàng rong và tiếng rao vốn dĩ rất quen thuộc trong đời sống văn hóa, kinh tế người Việt nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Từ khi có ý tưởng, điều nhóm trăn trở là làm thế nào để gánh hàng rong, tiếng rao xuất hiện chân thực, sống động nhưng cũng đầy mới mẻ. Để đạt được mục tiêu này, nhóm vận dụng linh động công nghệ diễn hoạt, trình chiếu 3D, kết hợp âm thanh. Đặc biệt, sự kiện này còn được hỗ trợ bởi công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), mô hình sách lật (flipbook) và ảnh thu phóng vô tận (infinite zoom). Trong đó, công nghệ diễn hoạt 3D và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) cho phép người xem tương tác trực tiếp với tác phẩm, cũng như đưa họ vào những câu chuyện ẩn chứa sau mỗi hình ảnh.

Người tham quan có thể dùng thiết bị AR để khám phá những gánh hàng rong từ nhiều góc độ khác nhau, như thể người bán đang đứng ngay bên cạnh. Mặt khác, công nghệ diễn hoạt 3D mang lại cảm giác như người bán hàng rong đang thực sự di chuyển trong không gian triển lãm. Có thể nói, triển lãm “Rong - Rao” giống như hành trình đi theo tiếng rao và gánh hàng rong qua nhiều không gian, thời gian, nơi những yếu tố văn hóa truyền thống hòa cùng công nghệ hiện đại giúp tạo ra trải nghiệm nghệ thuật giàu cảm xúc.

Thích thú lắng nghe những tiếng rao quen thuộc:“Bánh bao, bánh bao đây. Bánh bao nóng hổi, thơm ngon đây”, “Ai tóc dài tóc rối bán nào. Ai tóc dài tóc rối bán không?”, "Ai lông ngan, lông vịt, dép rách đổi kẹo kéo đây”, “Mài dao, mài kéo, thay cán dao”… phát ra ngay lối vào không gian triển lãm, ông Nguyễn Văn Việt (51 tuổi, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết bản thân bị thu hút bởi cách thể hiện mới mẻ của giới trẻ về gánh hàng rong, về tiếng rao. “Nhờ công nghệ diễn hoạt 3D và công nghệ thực tế ảo tăng cường, tôi như được bước vào thế giới của người bán hàng rong, như thể mình cũng đang đi bán bắp, bán chổi hay bán chiếu dọc theo phố phường Đà Nẵng. Những tiếng rao gợi bao kỷ niệm ngày thơ ấu lại xuất hiện trong một không gian đa chiều mới mẻ và khá tinh tế”, ông Việt vui vẻ nói.

Ở vai trò khách tham quan, chị Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết rất ấn tượng với cách kết hợp giữa công nghệ và văn hóa truyền thống trong nghệ thuật trưng bày. Theo chị, triển lãm mang tính tương tác cao, nội dung ý tưởng sâu sắc được thể hiện bằng các giải pháp trưng bày, vừa diễn giải, vừa truyền thống, vừa đương đại và ứng dụng tối đa hiệu quả công nghệ số... Nhờ tăng cường yếu tố tương tác, mỗi người khi tham quan triển lãm dễ có được cảm giác như mình đang sống trong một không gian của gánh hàng rong, của tiếng rao trên phố.

Nghe, nhìn, chạm, cảm nhận là 4 trải nghiệm tương tác nổi bật tại triển lãm. Đến đây, mọi người được cung cấp một lộ trình khám phá, ban đầu là lắng nghe những tiếng rao quen thuộc, kế tiếp là ngắm nhìn những món hàng lấp ló dưới đôi quang gánh. Khi khách đạt đến cảm xúc quen thuộc sẽ được đội ngũ “Đà Nẵng tui” hướng dẫn thao tác “chạm, vuốt, xoay” trên thiết bị công nghệ để xoay chuyển không gian, lân la vào từng ngóc ngách hình ảnh, món ăn, đồ vật. Cuối cùng, điều triển lãm muốn hướng đến là cảm nhận của công chúng, sau khi kết thúc hành trình quan sát và trải nghiệm cùng “Rong - Rao”.

Chị Nguyễn Ngọc Thiên Hiếu, quản lý dự án “Đà Nẵng tui” khẳng định, bên cạnh việc tái hiện hình ảnh, âm thanh quen thuộc, triển lãm mở ra không gian sáng tạo, nơi mỗi người tham gia có thể tạo dựng cho mình một câu chuyện riêng chỉ sau vài thao tác chạm, quét mã QR. Cũng theo chị Hiếu, triển lãm “Rong - Rao” ra đời sau một năm chuẩn bị bởi gần 20 người trẻ yêu nghệ thuật tại Đà Nẵng. Nhờ sự kết hợp giữa các yếu tố nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại, triển lãm đã thành công trong việc tạo ra một không gian nghệ thuật độc đáo, giúp công chúng hiểu và trân trọng hơn những giá trị của văn hóa đường phố, đồng thời mở ra cơ hội mới để giới trẻ kết nối và trải nghiệm.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.