Người làm báo học nữa, học mãi, học cả đời

.

Di tích lịch sử quốc gia, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vừa được Hội Nhà báo Việt Nam chính thức khánh thành, bàn giao sau thời gian tu bổ, tôn tạo. Hơn 75 năm trước, ngày 4-4-1949, Tổng bộ Việt Minh tổ chức lễ khai giảng lớp học viết báo đầu tiên tại đây. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và đặt tên, là dấu son chói sáng, cơ sở dạy nghề báo đầu tiên của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam

Sáng 9-8-2024, tại chính địa điểm Trường dạy báo năm xưa, xóm Bờ Rạ - vùng Hồ Núi Cốc (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Hội Nhà báo Việt Nam - Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt với báo giới cả nước; cũng là sự kiện mở đầu kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025).

Nền Báo chí Cách mạng Việt Nam trải qua những chặng đường phát triển vẻ vang. Giai đoạn mở đầu, Báo Thanh Niên, xuất bản số đầu ngày 21-6-1925 có trọng trách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam; chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, lý luận, điều kiện cần và đủ tiến tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiếp sau đó, báo chí tuyên truyền, cổ động, tổ chức toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Nhà nước công nông năm 1945; báo chí phục vụ kháng chiến - kiến quốc; báo chí thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; báo chí thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vô cùng khó khăn, 42 học viên và hàng chục giảng viên đều là những trí thức, các nhà lãnh đạo tiêu biểu của Mặt trận Việt Minh cùng trui rèn nghề báo trong 3 tháng. Các giảng viên đứng lớp dạy nghề báo là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị, có lý luận, thực tiễn phong phú, các nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Tố Hữu, Đỗ Đức Dục, Như Phong, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Xuân Trường, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Đồ Phồn, Nguyễn Xuân Khoát, Quang Đạm, Trần Đình Thọ… Những bài giảng thể loại báo chí chuyên đề như viết xã luận do đồng chí Trường Chinh đứng lớp; chuyên đề viết tin chiến sự trên báo do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì; Phương thức trình bày báo và tạp chí do họa sĩ Trần Đình Thọ truyền đạt…

Tổng Bí thư Trường Chinh đồng thời là giảng viên, khi tổng kết khóa học đã phát biểu cảm tưởng, nhấn mạnh: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng, sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân” (Báo Cứu Quốc, 12-9-1949).

Lớp học dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, trong điều kiện kháng chiến nhiều khó khăn chỉ mở được một khóa duy nhất với 42 học viên đã góp phần tạo nên những hạt nhân của báo chí kháng chiến, báo chí cách mạng như các nhà báo Trần Kiên (Báo Nhân Dân), Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc), nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, đạo diễn Bạch Bảo, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương)... Ngày 7-1-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho học viên lớp học làm báo Huỳnh Thúc Kháng: “Biết lớp học xong, tôi muốn đến thăm. Nhưng tiếc không đến được. Vậy tôi gửi vài lời khuyên các cô chú: Có thể ví dụ rằng, 3 tháng này các bạn đã học cửu chương. Còn muốn học giỏi các phép tính thì phải học nữa, phải học mãi. Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác, thực tế, học ở quần chúng…”. Lời dạy của Người vẫn nóng hổi nguyên tính thời sự cho đến ngày nay. Người viết báo, làm báo học làm nghề là học mãi, học nữa, học cả đời người, học tập không ngơi nghỉ.

Sự nghiệp vẻ vang của các bậc tiền bối làm báo kháng chiến, cách mạng vẫn mãi ngời sáng trong trang sử hào hùng của dân tộc, của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) mà nhân dân ta thường kính yêu gọi là cụ Huỳnh, sinh ra tại làng Thạnh Bình (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Cụ Huỳnh có sự nghiệp văn và báo xuất chúng. Cụ là chí sĩ yêu nước, khí phách và bản lĩnh, là nhà báo, nhà văn tài năng, nhà hoạt động xã hội nổi bật, một trong những nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân. Năm 1927, cụ sáng lập và là cây bút chủ lực của tờ báo yêu nước mang tên Tiếng Dân xuất bản tại Huế, bị chính quyền thời kỳ đó đình bản năm 1943. Cùng với báo chí, cụ có nhiều tác phẩm về văn học, lịch sử có giá trị như Thi tù tùng thoại, Thơ văn với thời đại, Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, Cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ, Cuộc khởi nghĩa Duy Tân, Xã hội tư tưởng sử… Sự nghiệp yêu nước, sự nghiệp báo chí và văn học của cụ Huỳnh Thúc Kháng, người con ưu tú của xứ Quảng sống mãi cùng non sông đất nước, với các thế hệ làm báo Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Di tích lịch sử quốc gia. Ảnh: P.Q.T
Một số hình ảnh tại Di tích lịch sử quốc gia. Ảnh: P.Q.T

Từ thành công của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hơn 75 năm trước, ngày nay nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có hệ thống các nhà trường giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí bài bản, chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại, hội nhập với các nền báo chí tiên tiến của thế giới. Việc phân định thể loại báo chí tiên tiến và khoa học, giáo trình giảng dạy hoàn chỉnh cho cả 4 loại hình báo chí: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Các thế hệ làm báo Việt Nam ngày nay mãi noi gương các thế hệ làm báo cách mạng tiền bối. Nhớ lời dạy của nhà báo vĩ đại, lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu về chân lý của người làm báo “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý” (Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị Khóa 1, Trường Đại học Nhân Dân, 21-7-1956); đặt trong bối cảnh phát triển của báo chí ngày nay, sự kiện Hội Nhà báo Việt Nam chính thức khánh thành và bàn giao Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đúng dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 có ý nghĩa đặc biệt, là niềm tự hào của người làm báo, tô thắm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Khu Di tích lịch sử quốc gia, Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại ATK xóm Bờ Rạ bên bờ sông Công là địa chỉ đỏ, nơi lui tới thường xuyên của những người làm báo Việt Nam tâm sáng - bút sắc - lòng trong, một trong những nơi kết tinh và hội tụ truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam.   

ĐNCT:  Nhằm thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025), chuẩn bị xuất bản kỷ yếu Báo Đà Nẵng - 65 năm trưởng thành (dự kiến phát hành vào đầu năm 2025), từ ngày 23-6-2024 Đà Nẵng cuối tuần mở mục “Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”. Nội dung tập trung phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển Báo Quảng Đà, Cờ Giải Phóng, Quảng Nam - Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng qua các thời kỳ, khắc họa các bước phát triển và những đóng góp quan trọng của các thế hệ những người làm báo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ quan của Đảng bộ, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Xin được giới thiệu đến bạn đọc và mong nhận được sự cộng tác của các đồng nghiệp, cộng tác viên xa gần. Trân trọng.

PHẠM QUỐC TOÀN

;
;
.
.
.
.
.