Những buổi chiều mùa hạ

.

Lũ trẻ sẽ không đủ kiên nhẫn chờ khi nắng tắt hẳn mới chạy ra cánh đồng trước nhà. Trên những cây phượng già dọc đường làng lũ ve đã ngừng inh ỏi. Đút nắm bi ve vào túi quần, cổ quàng thêm cái ná cao su, thằng Sóc leo lên xe phóng vèo qua khúc cua ngõ nhỏ. Chỉ lát nữa thôi nó sẽ có mặt ở cổng nhà cậu bạn gọi ời ời rủ nhau đi bắn chim. Tất nhiên thời nay chim cò đã ít hơn xưa, chiếc ná cao su chỉ dùng để bắn chùm nhãn đầu mùa, mấy quả ổi chín bên hàng rào hoặc thi xem đứa nào bắn xa hơn. Thằng Sóc thích nhất trò bắn vào giữa bụi tre chỉ để nghe tiếng đá rơi lọc cọc len lỏi giữa những thân tre đan vào nhau khăng khít. Mấy chú cò đậu trên ngọn tre giật mình bay tán loạn.

Hình ảnh cánh cò trắng bay lả dập dờn trên cánh đồng xanh mướt chắc hẳn đã đủ làm nhiều người xao xuyến. Dưới đồng ai đó đang làm cỏ bờ cũng vội rút điện thoại từ trong túi ra quay lại hình ảnh bình yên ấy. Thằng nhỏ đoán chỉ lát nữa thôi thước phim về cánh đồng làng thân thuộc của mình sẽ thu hút cả trăm lượt thích trên mạng xã hội. Như hôm nào đó lúc đang lướt facebook, mẹ thằng nhỏ bất ngờ thấy hình ảnh nó cùng tụi bạn tắm mưa được người đi đường quay lại. Thằng nhỏ tự hào nói: “Mẹ ơi, quê mình chỗ nào mà chẳng đẹp”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chiều quê, tụi nhỏ thường túm năm tụm bảy ở đầu làng. Đứa đòi thả diều, đứa rủ hun dế, đứa nói “đi bắt cua về để tối mẹ nấu canh”. Gió đuổi nhau trên cánh đồng lúa non tạo thành từng con sóng xanh mơn mởn đến là thích mắt. Chẳng cần mũ nón, tụi nhỏ thích thú chơi đùa cùng ánh nắng chiều. Cầm chiếc vợt nhỏ men theo bờ lúa, Sóc bắt những chú châu chấu về cho chim. Cái Hạnh chạy theo sau, bộ váy hoa lấm lem bùn đất không ngăn nổi niềm vui của nắm cỏ gà mập ú vừa hái được. Con nhỏ bỗng thốt lên khe khẽ: “Một chú cua này”, khi phát hiện ra đôi mắt đen láy ẩn mình dưới lớp cỏ bờ. Rất nhanh, chú cua bỏ chạy chỉ để lại một vệt bùn đục ngầu trên mặt ruộng. Phía xa xa là chú chim bói cá có bộ lông màu xanh biếc đang đậu trên đầu con bù nhìn. Thoắt một cái chú chim sà xuống mặt ruộng rồi lại thoắt một cái nó đã bay vù lên bầu trời, mỏ cắp con tép nhỏ. Khi những bước chân bé nhỏ đi qua, con bù nhìn vẫn đứng đưa bàn tay căng gió lên vẫy vẫy. Tụi nhỏ tạm cất đi những bài văn, phép toán trong đầu để khám phá biết bao điều thú vị và sinh động bên ngoài trang sách.

Những ngày này ở quê bố mẹ đang tất bật với mùa màng. Phải nhổ lạc cho kịp không mưa xuống củ mọc mầm hỏng hết. Mấy ruộng đỗ đen chỉ mong cái nắng giòn tan để chín hết chờ tay mẹ thoăn thoắt hái về. Trên rừng măng đang vào vụ, phải cắt phơi chắt chiu dành tới Tết. Bố giục “chè đã ra búp non hết cả rồi. Hái sao khô để các con mang xuống phố làm quà”. Ngoài vườn nhãn đã ngọt nước, những quả na đã mở mắt to tròn. Sáng sớm có khi vừa mở cửa ra đã thấy gió đưa đến mùi thơm mít chín. Chiều đến giọng quê ời ời gọi nhau vọng qua những hàng rào, thơm thảo chia từng nắm rau non, từng chùm quả ngọt. Nắng tắt, đàn trâu đủng đỉnh trở về chuồng. Theo sau, bác nông dân mang nụ cười thảnh thơi kết thúc một ngày cực nhọc.

Trong đám trẻ ríu rít nô đùa kia, sẽ có đứa mang theo về thành phố con dế mèn trong chai nhựa, câu chuyện về cánh diều và những người bạn thôn quê dễ mến. Sau này khi lớn lên bao kỷ niệm tươi đẹp ấy vẫn sẽ mãi lấp lánh trong tâm trí những “đứa trẻ to xác”. Ngọn khói trắng bếp chiều của những người bà, người mẹ cũng sẽ đánh thức thứ hương vị của làng quê với cá kho, cơm cháy đáy nồi, mẻ kẹo lạc vẫn còn nóng hổi… ngay cả khi tất cả chỉ còn là ký ức.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.