Những ngày vừa qua, ngày nào cũng thấy xuất hiện những thông tin âu lo, đau buồn liên quan đến thiên tai. Ngày 30-7, tại thôn Chúng Chải, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, 2 bố con đang đi xe máy về nhà thì bị lượng lớn đất đá lăn từ taluy dương xuống đè vào người gây tử vong tại chỗ. Cùng ngày, vụ sạt lở đất đá xảy ra tại xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên khiến một phụ nữ tử vong. Trong khi đó, một người đàn ông 33 tuổi bị nước suối cuốn mất tích ở khu vực tổ dân phố số 9, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà.
Chỉ riêng tỉnh Điện Biên, do mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, ngập úng, gây ách tắc cục bộ, gây thiệt hại về người và tài sản. Tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên xảy ra trận lũ quét vào rạng sáng 25-7 khiến ít nhất 4 người tử vong và 3 người mất tích; hơn 100 nhà dân bị lũ cuốn trôi, đánh sập hoặc hư hỏng… Tại các tỉnh khu vực Tây Bắc, thiên tai gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sơn La, trong 2 ngày 29 và 30-7 xảy ra mưa lớn ở nhiều huyện, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi và sạt lở đất trên sườn dốc. Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra tại tỉnh. Tính đến ngày 29-7, mưa lũ đã làm 9 người tử vong, 1 người mất tích, 5 người bị thương và ảnh hưởng nặng nề đến các công trình giao thông, nông nghiệp; ước tính tổng thiệt hại khoảng 315 tỷ đồng.
Không chỉ riêng 3 tỉnh “rốn lũ” của Tây Bắc, thiên tai còn đe dọa, gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương khác, như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Trong khi đó, người dân 11 xã vùng “rốn lũ” của huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội ngày đêm âu lo, thấp thỏm trực chạy lũ, bởi nếu nước lũ tràn đê sông Bùi, gia sản của biết bao gia đình sẽ bỗng chốc bị dòng lũ cuốn trôi. UBND huyện Chương Mỹ thống kê, mưa lũ khiến hơn 5,5km đê thuộc địa bàn 11 xã bị ngập. Nước lũ làm hơn 1.200 hộ dân bị ngập từ 0,5-2m, hơn 1.200 hộ bị ngập lối đi. Huyện đã di dời khoảng 1.300 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt, còn khoảng 700 hộ dân (khoảng 1.000 người) bám trụ vùng ngập. Người dân điêu đứng vì bị cô lập trong cuồn cuộn dòng nước sông Bùi đầy ám ảnh...
Tại miền Trung, Tây Nguyên, nhiều người dân bị ám ảnh bởi động đất. Trận động đất 5 độ richter - lớn nhất từ trước tới nay ở Kon Tum - xảy ra trưa 28-7 không chỉ khiến người dân khu vực tâm chấn là thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông hoảng loạn, mà còn gây sợ hãi cho người dân cách đó hàng chục, hàng trăm ki-lô-mét, như tại Kon Tum (cách 80km), Pleiku, Gia Lai (cách hơn 100km), Quảng Ngãi (cách 150km)… Thậm chí, các khu vực cách xa tâm chấn chừng 200-300km như Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Đăk Lăk, người dân cũng cảm nhận được dư chấn động đất. Đáng chú ý, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) từ năm 2022, tại cuộc họp phòng, chống thiên tai đã nhận định rằng, nguyên nhân động đất ngoài liên quan đứt gãy địa chất thì việc tích nước của các thủy điện cũng đáng lưu tâm, vì đây là lý do gây ra động đất ở khu vực thủy điện sông Tranh (Quảng Nam)...
Như vậy, nguyên nhân của động đất đã được dự báo từ trước. Tình hình thiên tai khốc liệt cũng đã được dự báo từ trước. Ngày 10-5, tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 có kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, vấn đề này đã được nêu rõ. Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường và cực đoan. Sau El Nino thì ảnh hưởng của La Nina vào những tháng cuối năm có thể gây mưa lớn, lũ lụt, nhất là tại khu vực miền Trung, đi kèm với đó là sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi. Hiện tượng ENSO duy trì trạng thái trung tính đến tháng 6 với xác suất 80-85%, sau đó có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-65% và có khả năng kéo dài trong các tháng cuối năm 2024.
Dự báo được diễn biến phức tạp, khó lường, hết sức nguy hiểm của thiên tai, công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro được xem là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm ngăn ngừa thiệt hại ở mức tối thiểu. Bên cạnh đó, sự chủ động ứng phó của các bộ, ngành, địa phương và bà con nhân dân là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại nhất định. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho rằng, đáng kể nhất, đó là nhận thức của người dân, có cả cán bộ, cơ quan chức năng có lúc, có nơi còn hạn chế. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc ứng phó trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng đã thực hiện tốt. Một số quy định pháp luật chưa thông suốt, còn chồng chéo, hoặc chưa phù hợp, không còn phù hợp thực tiễn; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn hạn chế...
Khí hậu ngày càng biến đổi khó lường. Thiên tai cũng đỏng đảnh không kém. Con người ngày càng có thể dự báo chính xác hơn những hiện tượng thời tiết cũng như thiên tai, thảm họa. Nhưng không thể có sự tuyệt đối chính xác, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hết sức khó đoán định và con người vẫn chưa thể dừng những tác động tiêu cực đến “mẹ thiên nhiên Trái đất”. Để bớt đi những ám ảnh khôn nguôi, sự đau thương, nhọc nhằn, tan hoang gây ra bởi thiên tai, chắc chắn con người cần phải quyết liệt hơn trong việc tránh tối đa những tác động làm tổn thương đến thiên nhiên, khiến thiên nhiên ngày càng thêm suy thoái để rồi nổi giận trừng phạt chính con người.
NGUYỄN TRI THỨC