Phép màu

.

Chắc mẹ không nhớ đâu, ngày em còn nhỏ, em chỉ có mẹ là bạn. Mỗi ngày, em thơ thẩn chơi cùng mẹ trong vườn. Vườn nhà em rộng, mẹ trồng cây hoa màu theo từng mùa. Khi thì cà chua, bắp, khoai lang, khổ qua... Em nhớ nhất là những buổi sáng mùa đông trời nhiều gió, cái lạnh khiến em cuộn mình ngủ sâu hơn. Thức giấc, mẹ đã ra vườn sau khi ủ sẵn quả trứng gà luộc trong chiếc khăn cho em ăn sáng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mỗi sáng, việc của em là lon ton chạy xuống bếp tìm thức ăn mẹ nấu. Thường thì mẹ nấu đơn giản cho cả nhà với một nồi luộc gồm ít củ khoai, củ dong, trái bắp mới bẻ sau nhà… Ngày nào có mẻ cá sớm của anh bắt về, mẹ mới thổi lửa nấu cơm. Nếu mùa nước nổi, mẻ cá của anh sẽ là cá rô. Cá rô mùa nước tràn bờ, con nào con nấy mình căng tròn, béo ngậy. Loại cá này kho kỹ mất ngon nên mẹ chỉ kho sổi, sôi tràn lên là chín, mỡ cá tươm ra béo ngậy, quện vào nước kho tạo độ sánh sệt. Mẹ nghiêng chảo gang cho nước thấm đều từng con cá rồi tắt lửa. Mẹ ra vườn ngắt thêm ít đậu rồng non, vài trái cà, dưa leo, tất cả rửa sạch để lên mâm cạnh nồi cá kho, chỉ một lát là nồi cơm cạn đáy.

Chắc mẹ không nhớ đâu, tuổi thơ em rong ruổi khắp các nhánh sông kênh Cái Sắn, cùng mẹ đi giao rượu cho các tiệm tạp hóa. Dạo đó còn thưa người, khoảng cách giữa mỗi điểm giao rượu mẹ phải chèo mỏi rã cánh tay mới tới. Mẹ thiết kế chiếc xuồng có mái che chỗ em ngồi, khi thấy tóc em ngày càng vàng hoe vì cháy nắng. Em vẫn không chịu ở nhà một mình. Em không đòi hỏi gì ở mẹ, em có thể tự chơi, chỉ là, em muốn thấy mẹ trong tầm nhìn của mình, như một sự an toàn cho đứa trẻ lên ba ngày ấy. Mái che cản gió khiến tay chèo của mẹ nặng hơn, mẹ vẫn cười thật tươi với em.

Em lớn lên bên dòng sông Cái Sắn, qua bao mùa nước nổi nước ròng, em vẫn chỉ có mẹ là bạn. Các anh chị lớn lên đều đón đò ra thẳng thị trấn, lên thành phố học, rồi ở lại làm việc trên ấy. Có lần, mẹ hỏi em sau này có muốn đi theo các anh chị không, em lắc đầu, em chỉ ở với mẹ.

Lên mười tám tuổi, cánh cửa trước mặt em mở toang với bao điều mới mẻ. Ý nghĩ của em cũng khác đi. Em muốn đến những nơi chân trời rộng mở phía trước. Thời đại công nghệ số, em có thể gọi điện video để gặp mẹ mỗi ngày, khoảng cách xa mấy cũng thành gần. Quê nhà khi ấy là bức tranh cũ kỹ khiến em chỉ muốn quay lưng, bước đi thật nhanh.

***

Sáng cuối tuần. Ngoài trời đổ cơn mưa lớn, đám cây lá nghiêng ngả theo cơn gió. Nghe đâu có cơn bão ngoài xa khơi. Em đứng lặng yên nhìn mưa, nhìn gió. Cô y tá gọi đến lần thứ ba em mới nghe thấy: “Người nhà bà Lành đâu?”. Em choàng thêm lớp áo của bệnh viện dành cho thân nhân mỗi khi vào. Mẹ nhìn em với ánh mắt mờ đục, không nhận ra. Em ngơ ngác. Em phóng cái nhìn ra ô cửa, để ngăn dòng nước mắt trực ứa trào. Cô y tá hình như có dõi theo giường bệnh của mẹ, giọng cô ấy nhỏ hơn khi ở trong căn phòng chăm sóc đặc biệt: “Bà Lành nhắc tên Út, người nhà ai là Út thì vào”. Em nuốt nghẹn nước mắt vào trong. Một lần nữa, em chạm bàn tay mình vào những ngón tay của mẹ, mẹ nhìn em nhưng không biểu lộ cảm xúc gì. Bên trong, em nghe có tiếng sột soạt nơi bàn giấy, và một giọng khác: “Bà cụ bị Alzheimer”.

Mười phút cho mỗi lần thăm bệnh nhân, chẳng đủ để mẹ nhận ra em. Em lớn rồi, em không khóc trước mặt mẹ như khi còn nhỏ. Em phải cứng cỏi, trưởng thành và tự lập, mẹ cũng muốn em như vậy. Em cười với mẹ trước khi trở ra, những ngón tay của em vẫn nằm trong bàn tay thờ ơ của mẹ. Em mở mạng internet tìm hiểu về căn bệnh mà em đã nghe quen nhưng không hiểu rõ. Những thông tin ngồn ngộn về căn bệnh suy giảm trí nhớ hiện ra. Niềm thương trào dâng thành cảm xúc tiêu cực, mẹ không nhận ra em vì căn bệnh hay vì những lần trông mong mà em không về, mẹ giận? Nhưng bác sĩ bảo, căn bệnh lúc nhớ lúc quên ấy thường xảy ra với độ tuổi của mẹ.

Vậy là mẹ không nhớ gì đâu, đúng không? Mẹ không nhớ suốt dọc dài tuổi thơ khi em cần, mẹ luôn ở bên cạnh em. Còn em, em đã làm gì trong những lúc mẹ cần đến em nhất?

Hôm chị gái gọi báo tin mẹ nhập viện ở quê nhà, em đang chuẩn bị hành lý cho một phần thưởng là chuyến đi du lịch nước ngoài. Với lĩnh vực của em, đó còn là dịp để giao lưu học hỏi. Em xin ý kiến chị gái bằng một câu hỏi: “Em nên đi hay ở nhà với mẹ?”. Chị gái em quanh năm chỉ biết đến vườn tược, đồng áng, việc con bé Út được vinh danh trong một sự kiện có phát trên tivi hẳn hoi, ai cũng biết, cũng ngỡ ngàng, còn chị thì hãnh diện. Chị đáp lại rất nhanh: “Em cứ đi rồi về với mẹ, ở nhà đã có anh chị lo”. Vậy là em đi.

Trở về thành phố, em bị hút vào công việc, những mối quan hệ mới và cả Quân. Quân không thích đến bệnh viện, anh thích cùng em đến những nơi sang trọng, sạch sẽ và lãng mạn. Em phải giành giật chút thời gian cuối tuần để quê thăm mẹ, nhưng rồi cũng bị Quân cuốn phăng đi đến những nơi xa hoa nơi phố thị.

***

“Chúng tôi sẽ làm thủ tục chuyển bà Lành lên tuyến trên” - bác sĩ nói, và anh trai gọi điện thông báo cho em. “Bệnh viện thành phố là gần chỗ em ở rồi” - anh trai nói với em như vậy, trong thanh âm có cả niềm hy vọng. Em sắp xếp mọi thứ, để sẵn sàng đón mẹ điều trị nơi thành phố em đang sống.

Em đến bệnh viện chờ sẵn. Từ phòng cấp cứu nhìn ra có khuôn viên trồng cây xanh khá rộng, để cho bệnh nhân và người thân có không gian thoáng đãng hơn, hít thở chút không khí trong lành sau những lo lắng, buồn thương. Em cũng ra đấy ngồi chờ. Bầu trời nơi này giống với bầu trời quê em thuở ấu thơ. Những buổi chiều mây trời thênh thang. Em ngước nhìn đám mây trắng đổi hình thù liên tục, em với mẹ chơi trò hình dung, đoán xem một lát nữa mây sẽ ra hình gì. Một lần em hỏi mẹ, làm sao để đi lên những áng mây ấy? Mẹ nói, là lúc mình chết đi. Khi ấy, cái chết không phải là điều gì đáng sợ trong tâm trí của đứa trẻ lên năm.

Nhưng mọi ý nghĩ thay đổi theo thời gian. Một ngày, em thức giấc trong căn nhà trống người. Đói bụng, em nhón những bước chân xuống nhà bếp tìm thức ăn. Căn bếp nguội lạnh, đàn gà con nghịch ngợm bới tung đống tro tàn. Dì Tư đi ngang, thấy cổng mở, tưởng không có ai nên dì với tay định đóng giúp thì gặp em. “Ủa, bé Út còn ở nhà hả?”. Em chẳng hiểu gì, dì gọi giật anh Tài đang đạp xe phía trước, biểu chở bé Út lên ngoại, chứ ở nhà ai trông? Bà ngoại mất, cả nhà đã chạy sang từ tờ mờ sáng.

Anh Tài chở em băng qua những hàng rào nở ngợp hoa thiên hương. Ở quê em, hàng rào nhà nào cũng chỉ trồng hoa thiên hương. Loại cây cao gần bằng đầu người lớn, cho hoa màu trắng, tròn bằng bàn tay em nắm lại, hương thơm ủ từ bao giờ mà đến khi bung nở ướp thơm cả con đường.

Em đến nơi thấy bà đã được phủ lên người tấm vải trắng, trên ngực bà là những đóa hồng mới nở, tươi rói. Người qua lại nhộn nhạo trong căn nhà quen thuộc. Chỉ có mẹ là lặng im, gục đầu bên cạnh giường bà. Chưa bao giờ em thấy mẹ khóc nhiều như vậy. Lúc mẹ ngước lên vì nghe có bước chân lại gần, em thấy mắt mẹ đỏ hoe. Sao mẹ nói khi mất đi sẽ lên được áng mây trên bầu trời? Nếu vậy thích quá, có gì để mẹ đau buồn đến gục khóc? “Bà sẽ rời chúng ta đi mãi mãi” - mẹ nói vậy trong lúc lấy bữa sáng cho em. “Nhưng mà bà không phải chịu những cơn đau thể xác” - mẹ nói thêm với em, hình như có hàng nước mắt chực trào nơi khóe mắt mẹ.

***

“Như một phép màu” - bác sĩ đã thốt lên như vậy với em. Cũng vị bác sĩ ấy, hôm chuyến xe cấp cứu chuyển mẹ từ bệnh viện dưới quê lên, lúc gọi em vào, cô ấy lạnh lùng yêu cầu em cung cấp giấy tờ “để có mất thì làm thủ tục đưa về cho nhanh”. Em ngơ ngác. Sao điều kinh khủng ấy mà bác sĩ thốt ra nghe nhẹ tênh vậy? Những ngón tay em chẳng còn làm theo ý mình, tờ chứng minh thư để sẵn trong ngăn túi, mà em lấy mãi không ra. Em bật khóc khi vừa rời khỏi phòng bác sĩ. Ở hành lang bệnh viện, rất nhiều ánh mắt nhìn theo em thương cảm. Anh trai đợi em ở ngoài, thấy nước mắt lã chã trên gương mặt em, anh phần nào đoán ra những gì bác sĩ nói với em. Anh ôn tồn: “Mình đưa mẹ lên đây, cũng chỉ là ‘còn nước còn tát’ nên chấp nhận mọi thứ em ạ”. Nhưng đến hôm nay, nét mặt của vị bác sĩ biểu lộ rõ sự vui mừng khi nói với em: “Như một phép màu, bà đã qua cơn nguy kịch”.

Sáng nào mẹ khỏe, em cùng mẹ đi lại nhẹ nhàng theo lời bác sĩ dặn “đừng nằm một chỗ sẽ lâu hồi phục”. Có bữa, em đưa mẹ ra góc vườn trong công viên bệnh viện, đút cho mẹ từng muỗng cháo nóng. Mẹ em ăn còn khó khăn, không thấy có vị, nhưng vẫn chịu khó ăn.

Mẹ hồi phục hơn mỗi ngày. Em cũng quen dần với nhịp sống ở bệnh viện, chung quanh em mỗi người mỗi cảnh. Tất cả chia sẻ cùng nhau, đỡ đần cho nhau, không dưng em thấy không gian nơi đây thật ấm áp. “Hai mẹ con xưng hô “mẹ, em” nghe dễ thương quá hen!” - một người thân giường cạnh mẹ nói với em. Em kể rằng, từ ngày em biết nói đã quen xưng hô với mẹ vậy. Em nhìn sang thấy mẹ mỉm cười.

Một ngày, em nhận được tin nhắn của Quân, gọn lỏn: “Đi ăn nhé?”. Em lướt xem lại những tin nhắn Quân gửi cho em, không có bất cứ dòng tin nào hỏi thăm về mẹ. Hình như em vừa nhận ra điều gì đó rồi, rằng mình chỉ là đứa ngốc nghếch. Em nhắn cho Quân một câu nhẹ nhàng, đọc chắc anh hiểu. Sau đó, chỉ vài thao tác đơn giản trên màn hình, em chặn số Quân. Để hiện diện trong lòng nhau mới khó chứ biến mất ở thời đại này quá dễ, em nghĩ vậy.

Hôm nay, một buổi sáng đẹp trời. Những áng mây trắng rải đều trên nền trời trong xanh. Em đưa mẹ ra công viên ngồi hóng gió, đón nắng. Mẹ ngước nhìn những áng mây, hỏi em: “Hôm nay mây có hình gì?”. Em ngỡ ngàng, nhìn những sợi tóc bạc phơ bay trong gió của mẹ, em ôm lấy mẹ. Trong khoảnh khắc ấy, những tháng ngày tuổi thơ êm đềm của em bên mẹ hiện ra đầy thân thương.

Phép màu đã thành hiện thực, mẹ đã khỏe lại, để em được sống chuỗi ngày yên bình bên mẹ!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.