Quả ngọt từ những con số

.

Trong 50 năm qua, vượt ra không gian trường, lớp, 10 cựu học sinh chuyên Toán Trường THPT Phan Châu Trinh và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chạm vào hào quang 8 huy chương bạc và 2 huy chương đồng cuộc thi toán học quốc tế Olympic (IMO). Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự IMO (1974-2024), Đà Nẵng cuối tuần có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Lê Hoành Phò, cựu giáo viên chuyên Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn để nhìn lại quá trình hình thành và phát triển lớp chuyên toán tỉnh nhà.

NGƯT Lê Hoành Phò (bìa trái) cùng lãnh đạo nhà trường Trung học Phan Châu Trinh nhiệt liệt chào mừng học sinh xứ Quảng đầu tiên dự thi IMO 1983 Trần Nam Dũng (thứ hai, từ trái sang) Ảnh: Tư liệu
NGƯT Lê Hoành Phò (bìa trái) cùng lãnh đạo nhà trường Trung học Phan Châu Trinh nhiệt liệt chào mừng học sinh xứ Quảng đầu tiên dự thi IMO 1983 Trần Nam Dũng (thứ hai, từ trái sang). Ảnh: Tư liệu

* Quá trình bắt đầu bồi dưỡng học sinh giỏi để tham dự IMO được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Năm 1981, chưa hết thời gian tập sự tại Trường phổ thông trung học Hòa Vang nhưng Sở Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng chọn tôi đi tham dự hội nghị “Giáo viên giỏi toán toàn quốc” tại Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhằm đánh giá 16 năm mở hệ chuyên toán và 7 năm Việt Nam tham dự IMO. Bởi thời ấy, Trường THPT chuyên Quốc học Huế cũng như khu vực Bình -Trị - Thiên là điểm sáng nổi bật với hai thí sinh đoạt huy chương đồng IMO năm 1978 là Hồ Đình Duẩn và Lê Bá Khánh Trình, huy chương vàng IMO năm 1979. Chính vì vậy, tôi mang niềm háo hức và sự quyết tâm học tập kinh nghiệm quý giá từ hội nghị để đào tạo các học sinh chuyên toán đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến năm 1982, các khối chuyên toán đầu tiên của tỉnh mở tại Trường Trung học Phan Châu Trinh, tôi được chuyển về phụ trách lớp và bắt đầu con đường bồi dưỡng học sinh chuyên toán hằng năm.

* Để đào tạo học sinh thi IMO, chắc hẳn ông có phương pháp dạy học riêng?

- Tôi cố gắng hơn 200% nỗ lực chỉ với mong muốn đào tạo những lứa học trò tham dự cuộc thi IMO. Tôi không có phương pháp riêng mà chỉ thầm lặng vừa dạy học vừa nghiên cứu chọn lọc các tài liệu toán học ở hai miền Bắc, Nam và cả tư liệu từ các nước Anh, Pháp, Nga. Đồng thời, tôi thường xuyên tổ chức học tập, luôn đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, cho học sinh viết bài, báo cáo chuyên đề và thi giải toán từng tháng… Đến hè năm học lớp 10, tôi giao nhiệm vụ từng nhóm luyện thi nhằm rút ngắn chương trình, nên lớp 11, năm 1983, đã có học sinh xứ Quảng đầu tiên đi thi IMO, đó là Trần Nam Dũng, giành huy chương bạc tổ chức tại Paris (Pháp).

* Quả ngọt đầu tiên gặt hái, cảm xúc của ông ra sao?

- Thú thực, khi nhận nhiệm vụ mới, tôi chỉ dám hy vọng vài năm sau sẽ hái quả. Thế nhưng, một năm sau đã có học sinh tham gia IMO và đoạt giải nhì. Đó là niềm vui không ngôn từ diễn tả nổi, tôi như vỡ òa xen lẫn giọt nước mắt tự hào. Không chỉ riêng tôi mà ngành giáo dục, lãnh đạo tỉnh nhà cũng tổ chức gặp mặt và dành nhiều lời khen thầy và trò. Tôi quan niệm, chỉ cần gặt quả ngọt thì dù khó, dù khổ ra sao vẫn cố gắng hết mình để đồng hành, hỗ trợ. Tôi còn nhớ, phần thưởng cho giáo viên dạy giải IMO đầu tiên là hai chiếc lốp xe đạp quý giá.

* Sau thành công của Trần Nam Dũng, những cái tên đoạt giải IMO tiếp theo là ai?

- Tính từ giai đoạn năm 1981-1986, mỗi năm, Trường Trung học Phan Châu Trinh tuyển một lớp khoảng 20 học sinh. Các giáo viên chuyên lần lượt về giảng dạy như thầy giáo Nguyễn Cung Nghi, Hồ Xuyên và Ngô Thế Phiệt… Đây là những năm tháng của sự tự lực vươn lên của thầy lẫn trò bởi gặt hái nhiều thành tích đáng hãnh diện với 5 giải IMO liên tục, chưa tỉnh thành nào vượt qua như: IMO 1984, Nguyễn Văn Hưng giành huy chương bạc và Võ Thu Tùng đoạt huy chương đồng; IMO 1985 tại Phần Lan, Lâm Tùng Giang giành huy chương bạc; IMO 1986 tại Varsava Ba Lan, Nguyễn Hùng Sơn giành huy chương bạc.

* Thưa ông, quá trình mở trường năng khiếu, xây trường chuyên hiện đại để tiếp tục đào tạo những cái tên dự thi IMO như thế nào?

-  Tháng 9-1986, trường Năng Khiếu cấp 2 và 3 Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức thành lập, cơ sở là trường Cán bộ Quản lý khá nhỏ bên cạnh trường Trung học Phan Châu Trinh (trường tư thục Phan Thanh Giản trước 1975). Đến năm 1991, đổi tên thành trường Trung học chuyên Lê Quý Đôn và thực hiện cải cách của bộ về phân ban mới như: ban A môn Toán, Lý; ban B môn Hóa, Sinh; ban C môn Văn, Sử, Địa; ban D là ngoại ngữ. Riêng lớp A1 chuyên toán có khoảng 35 học sinh. Các giáo viên chọn về từng năm như thầy Trần Bá Hà, Nguyễn Văn Thông, Phan Xuân Quang… Giai đoạn này, giải quốc gia ổn định song IMO thì vắng bóng. Đến năm 2003, học sinh chuyên toán Võ Văn Dũng là nhà vô địch cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 4”, làm nức lòng người dân Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Bước sang thiên niên kỷ mới, đích thân cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cùng lãnh đạo ngành tìm chọn khu đất lớn đắc địa bên kia sông xây dựng trường chuyên. Năm 2003, trường khánh thành với quy mô hiện đại và được giao sứ mệnh phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho thành phố và đất nước, kiến tạo những giá trị giáo dục ưu việt theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực cốt lõi và năng khiếu của từng cá nhân.

* Xây dựng ngôi trường chuyên nghiệp thì giấc mơ chạm vào hào quang IMO liệu có tiếp nối?

- Có thể nói, trường mới, khí thế mới cũng như đội ngũ giảng dạy được tuyển chọn về nhiều hơn như TS. Nguyễn Chí Liêm, ThS. Nguyễn Đình Minh, TS. Nguyễn Duy Thái Sơn… Sau 2 năm thành lập, giấc mơ IMO vẫn rực lửa như ban đầu, trường vinh dự có học sinh thứ 6 dự thi IMO 2005 là Đỗ Quốc Khánh giành huy chương bạc tại Mexico. Rồi phong trào chìm lắng qua 5 năm, đến năm 2010, IMO tại Astana (Kazakhstan), Phạm Kiều Hiếu và Nguyễn Việt Cường đoạt huy chương bạc. Tiếp nối thành công, năm 2011, IMO tại Hà Lan, Lê Hữu Phước giành huy chương đồng và IMO 2014 tại Nam Phi, nữ sinh Vương Nguyễn Thùy Dương chạm tay vào huy chương bạc và Dương cũng là nữ sinh đầu tiên tham dự IMO từ năm 1983 đến nay.

* 10 "quả ngọt" vun trồng từ những con số đầy sức hút và họ đang cống hiến cho xã hội ra sao? 

- 5 học sinh đoạt giải IMO đầu tiên, trong đó, Võ Thu Tùng và Lâm Tùng Giang đang làm việc tại thành phố Đà Nẵng. TS. Trần Nam Dũng và Nguyễn Văn Hưng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và GS. Nguyễn Hùng Sơn đang giảng dạy đại học ở Ba Lan. Trong đó, TS.Trần Nam Dũng IMO 1983, người đã và đang truyền cảm hứng học toán cho nhiều thế hệ học sinh dự thi IMO về sau. Vinh dự hơn, năm 2007, cuộc thi IMO tổ chức tại thành phố Hà Nội, TS. Dũng và GS. Sơn được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời phụ trách 2 bài trong số 6 bài của ban đề thi và chấm thi. Có thể nói, mười khuôn mặt IMO, tên tuổi các em đã vượt ra khỏi biên giới.

“Tôi không bao giờ quên 10 cái tên đoạt giải IMO và bất giác ghép thành câu đối “Dũng Tùng Hưng Giang Sơn - Khánh Hiếu Cường Phước Dương”. Tôi hy vọng, chặng đường tương lai của giải IMO, các học sinh tài năng trong thành phố sẽ tiếp tục ghi danh thứ 11, 12 trên bản đồ chuyên toán thế giới”, NGƯT Lê Hoành Phò
“Thời gian trước khi thi, hầu như cả tuần, tôi đều học với cường độ cao. Năm 1985, việc đoạt giải không nằm ngoài dự liệu, tiếc là không vượt qua chính mình để thêm 1 điểm sẽ giành giải Nhất. Năm tôi được giải là năm thứ ba liên tiếp đội Quảng Nam - Đà Nẵng có giải quốc tế và tôi rất đỗi tự hào vì đã giữ vững truyền thống. Sự thành công này không chỉ của riêng tôi mà của các thầy giáo đã mài công luyện võ, trong đó, có sự hướng dẫn, bồi dưỡng rất lớn của NGƯT Lê Hoành Phò”, Lâm Tùng Giang, đoạt huy chương bạc cuộc thi IMO 1985 tại Phần Lan

TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.