Sống mãi hào khí mùa thu lịch sử

.

Đến với Hà Nội vào những ngày thu lịch sử, chúng tôi - những người con từ mọi vùng miền khác nhau của Tổ quốc - không hẹn mà cùng gặp nhau tại Quảng trường Ba Đình, cùng gặp nhau trong tâm tưởng hướng về cội nguồn, hướng về những giá trị thiêng liêng, bất diệt của đất nước. Và khi nghi thức Thượng cờ chính thức bắt đầu, ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên, tung bay phấp phới, bất giác từ lúc nào, nước mắt đã rơi - những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc xen lẫn niềm tự hào dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: Tư liệu

Đứng giữa khuôn viên quảng trường rộng lớn, linh thiêng này, ta như nghe vang vọng lời Bác năm nào: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập”.

Âm hưởng ấy chắc chắn sẽ bất tử qua thời gian để nhắc nhớ cho cả thế giới về một dân tộc anh hùng - cách đây 79 năm - đã nhất tề vùng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do.

Trong cuộc Cách mạng mùa Thu năm ấy, Đại hội Quốc dân được triệu tập và tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng. Và sau lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã chớp thời cơ, nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngày 19-8-1945, cách mạng thành công tại Hà Nội, đây là tiền đề quan trọng, tạo sức lan tỏa để nhiều tỉnh, thành phố vùng lên khởi nghĩa và khởi nghĩa thành công. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đến ngày 28-8-1945, Tổng khởi nghĩa thành công trên cả nước.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nhân dân Việt Nam chính thức trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.

Tinh thần Cách mạng tháng Tám quật khởi như “dòng thác lịch sử không gì ngăn cản nổi” đã được kế thừa và tiếp nối qua các thế hệ người dân Việt Nam, tạo thành sức mạnh đoàn kết đấu tranh chiến thắng thù trong, giặc ngoài, vượt qua giặc đói, giặc dốt, bảo vệ chính quyền; động viên, thôi thúc nhân dân quyết tâm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ghi vào lịch sử thế giới một bản anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh.

Cho đến hôm nay, “dòng thác lịch sử” ấy vẫn chảy trong trái tim, tâm hồn của mỗi người con đất Việt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mặc dù chiến tranh nay đã lùi xa, nhưng cùng với tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, các thế lực thù địch vẫn ngày đêm tăng cường chống phá Cách mạng Việt Nam.

Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân ta luôn nêu cao quyết tâm bảo vệ thành quả của lịch sử, “gắn kết tư tưởng và hành động, ý Đảng và lòng dân; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh; vì nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc” (Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm).

79 năm qua - kể từ mùa thu lịch sử năm ấy - là quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ bằng tinh thần quật cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc với vô vàn gian khó, hy sinh, để rồi hôm nay, hai tiếng Việt Nam đã vang lên đầy tự hào cùng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng thể hiện cho sự toàn vẹn của đất nước cũng như sự đoàn kết một nhà của toàn thể dân tộc ta.“Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề: Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tỏ non sông Việt Nam....”.

Những lời ca cứ thế vọng ngân mãi từ thế hệ này đến thế hệ khác, để mỗi độ thu về, triệu triệu người con đất Việt lại tự hào ôn lại những mốc son chói lọi của dân tộc. Hào khí của những ngày thu lịch sử vì thế sẽ luôn sống mãi trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam.

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.