SỨC SỐNG MỚI CHO BẢO TÀNG

Đầu tư cho bảo tàng về hạ tầng và chiều sâu

.

Theo đánh giá từ ngành văn hóa, các bảo tàng hiện nay không chỉ lưu giữ, tái hiện, trình bày… một góc lịch sử, hay kể những câu chuyện hấp dẫn trong khuôn viên của mình mà còn mang hơi thở thời đại của đô thị, nơi thể hiện hồn văn hóa của người dân sở tại. Tại Đà Nẵng, công tác bảo tàng được thành phố và các đơn vị nỗ lực đầu tư, thực hiện trong nhiều năm nay nhằm phát triển thiết chế văn hóa này theo hướng toàn diện, cả về hạ tầng lẫn chiều sâu.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cùng du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.  Ảnh: ANH ĐÀO
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cùng du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: ANH ĐÀO

Hệ thống bảo tàng phong phú, năng động

Hòa vào đoàn du khách đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm, anh Trần Khánh (SN 1990, thành phố Cần Thơ) thích thú với không gian kiến trúc và các hiện vật. “Nơi này rộng, gần trung tâm thành phố nên tiện di chuyển. Hiện vật đa dạng, được bố trí theo từng thời kỳ, giúp du khách có thêm nhiều kiến thức về văn hóa Chăm. Thông tin về các hiện vật được thuyết minh chi tiết. Điều mình ấn tượng là cách Đà Nẵng giữ gìn và đầu tư quảng bá giá trị của di tích này rất chỉn chu”, anh Khánh chia sẻ.

“Khi không khí của một số bảo tàng ở đâu đó có phần trầm thì những bảo tàng ở Đà Nẵng lại mang màu sắc khá năng động, thu hút nhiều người dân, du khách”, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhìn nhận về hệ thống các bảo tàng tại thành phố bên sông Hàn. Đơn cử, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng có quy mô không lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) nhưng là một bảo tàng có tuổi đời trẻ, trưng bày nhiều tác phẩm đương đại giá trị và là sân chơi của người yêu mỹ thuật.

Trong khi đó, Bảo tàng Đà Nẵng với tính chất bảo tàng địa phương nỗ lực giáo dục truyền thông di sản; Bảo tàng Điêu khắc Chăm phát triển đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học hỏi của người dân.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý cho rằng, điều đáng quý của ngành văn hóa Đà Nẵng là đội ngũ nhân sự tâm huyết, tích cực với việc lưu giữ, quảng bá những giá trị văn hóa - lịch sử ở các bảo tàng cùng sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, hơn 10 năm trở lại đây, ngành văn hóa tập trung tham mưu thành phố triển khai thực hiện quy hoạch các hệ thống bảo tàng trên địa bàn; nhờ đó hệ thống bảo tàng được trùng tu, nâng cấp, đầu tư. Hiện Đà Nẵng có 9 bảo tàng trong 3 hệ thống: các bảo tàng trực thuộc Quân khu 5 (Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5), bảo tàng công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao (Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm), bảo tàng ngoài công lập (Bảo tàng Đồng Đình, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, Bảo tàng ký ức mỹ nghệ đá Non Nước và Bảo tàng thế giới cổ xưa Samdi).

Bên cạnh đó là hệ thống nhà trưng bày trên địa bàn các quận, huyện, các cơ quan ban ngành như: Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Nhà Truyền thống K20... góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng.

(Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng) - Đồ họa: ANH DUY
(Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng) - Đồ họa: ANH DUY

Đổi mới toàn diện, đi vào chiều sâu

Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá các bảo tàng trên địa bàn thành phố được chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động; có nhiều phương thức hoạt động, thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế ngày càng đông, nhiều bộ sưu tập được trưng bày theo chuyên đề làm thay đổi diện mạo của bảo tàng, đưa bảo tàng gần hơn với công chúng. Hoạt động truyền thông, giáo dục lịch sử địa phương kết hợp quảng bá di tích được tổ chức tại các bảo tàng dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn.

Hiện thành phố có hai dự án bảo tàng đã và đang được thực hiện cải tạo, sửa chữa. Trong đó dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng với kinh phí hơn 500 tỷ đồng, dự kiến về đích tháng 12-2024; dự án cải tạo, sửa chữa và nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm với mức đầu tư 14 tỷ đồng dự kiến khởi công cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các thiết chế bảo tàng, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo các bảo tàng thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Hiện tại, các bảo tàng tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng giai đoạn 2024 - 2026” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới việc đổi mới toàn diện cả hạ tầng và chiều sâu từ nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản đến xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh chuyển đổi số…

Trong đó, chuyển đổi số là khía cạnh được công chúng quan tâm, tạo nên những phản hồi đa chiều. Tại Đà Nẵng thời gian qua, các bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động chính: hệ thống thực tế ảo VR360, bản đồ di sản số song ngữ, số hóa hiện vật, phim 3D phục dựng hình ảnh danh thắng và di tích, bán vé tự động, QR Code lưu thông tin thuyết minh…

Trên một số diễn đàn mạng xã hội, đã có ý kiến cho rằng ứng dụng công nghệ là xu thế chung của thời đại số, nhưng vô hình trung làm phai nhạt đi chiều sâu và cảm xúc trực quan của một hiện vật, một di sản…

Từ góc độ người làm công tác bảo tàng, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh cho hay, ứng dụng công nghệ để giới thiệu hiện vật với công chúng là điều tốt; trong khi đó bản thân hiện vật gốc lại được coi như “máu”, như “tim”, là chiều sâu nội dung nền tảng của bảo tàng. “Để nhân viên bảo tàng hoặc chủ nhân bộ sưu tập giới thiệu, kể câu chuyện gốc đến công chúng, để công chúng trải nghiệm trực quan là điều tuyệt vời.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, chuyển đổi số là cần thiết để tiếp cận nhiều công chúng hơn. Mong muốn của người làm bảo tàng là gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản sao cho nó truyền tải đến nhiều đối tượng càng tốt. Do đó việc này không nên cứng nhắc”, bà Trinh chia sẻ.

Cùng ý kiến, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý cho rằng: “Chuyển đổi số hay nâng cấp công nghệ không thay thế hoàn toàn hiện vật gốc mà chỉ hỗ trợ, giúp hiện vật gốc “nói” được nhiều điều hơn, được diễn giải sinh động hơn, giúp khán giả tương tác nội dung trưng bày thú vị hơn. Muốn làm tốt tất cả thì cần nghiên cứu, đầu tư, làm cho những hiện vật, những di sản có cảm xúc rồi hãy tính đến yếu tố công nghệ. Yếu tố này cũng tùy thuộc hiện vật, điều kiện, sự sáng tạo của các bảo tàng. Không nhất thiết phải chuyển đổi số hoàn toàn mà cần hài hòa giữa nền tảng số và giá trị hiện vật”.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.