Vu Lan nhớ mẹ

.

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu (Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm) gắn chặt với yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, xuất phát từ sự tích “Mục Kiền Liên cứu mẹ” của Phật giáo. Đạo Phật vào Việt Nam, người Việt nhận ra sự gặp gỡ giữa hạnh Hiếu của Phật với truyền thống tín ngưỡng thờ Mẫu và “đạo Hiếu” vốn có của dân tộc mình, nên tiếp biến ngày Vu Lan một cách rất tự nhiên. Và đây là dịp để con cháu tưởng nhớ và tri ân những đấng sinh thành, đặc biệt là người mẹ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ tôi - một người mẹ nông dân đông con, mù chữ, không mấy hiểu về lý thuyết cao siêu của Phật, nhưng suốt đời, vào ngày mồng Một và Rằm đều ăn chay niệm Phật. Thi thoảng mẹ đi lễ chùa với suy nghĩ đơn giản, vào chùa niệm Phật để tịnh tâm, hướng thiện, làm những điều lành. Cha tôi qua đời sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi dạy cả 11 đứa con ăn học nên người.

Nhà đông người, bữa cơm không thể dọn trên mâm mà đặt trên một chiếc nia to mới đủ cho đàn con ngồi quanh dùng bữa. Bữa cơm gia đình đông con ngồi quanh cái nia đặt trên nền đất. Nồi cơm lắm khoai ít gạo, nên khoai cõng cơm bới lưng miệng chén; giữa lòng nia mấy chén mắm cáy hoặc đĩa cá mặn, tô canh rau lang cùng mấy đĩa tập tàng.

Đũa con huơ đụng vào nhau, mẹ cười mà nước mắt lặn vào trong. Quanh nia, chẳng có hạt cơm nào rơi vãi. Như thể suốt đời, cái nghèo cứ chạy quanh vòng nia… Mười mấy con người quay quanh nia cơm, nồi cơm không thể giao cho ai mà do chính tay mẹ quản. Bới làm sao cho đủ, cho công bằng phần cơm và khoai cho mỗi miệng ăn? Suốt đời, tôi cứ đau đáu mãi rằng: nội một cái chuyện phân phối từng chén cơm trong nồi cơm một cách hợp lý cho chồng, cho con, cho đứa nhỏ, đứa lớn trong mỗi bữa ăn cũng đã thể hiện tài năng, sự vĩ đại của những người mẹ nông dân Việt.

Suốt đời vì chồng vì con, quanh năm mẹ trần lưng trên những cánh đồng vào những ngày vào mùa vụ. Những lúc nông nhàn, mẹ lại lên rừng kiếm củi, cắt lá ủ phân. Rồi lại dầm mình dưới nước sông mò cua bắt ốc. Bì bõm trong những bãi bùn của cánh rừng sác ngập mặn, bắt cáy, bắt còng về làm mắm để dành ăn quanh năm, nhất là những ngày đông giá lạnh. Ngày mẹ lìa đời, thơ tôi viết trong nước mắt: "Mẹ của con cũng chẳng phải anh hùng/ Bầu sữa ngọt là huân chương tạo hóa/ Lời khuyên bảo ân cần mà thiêng hơn phép lạ/ Con biết yêu, biết ghét để nên người" (Mẹ tôi).

Lúc về già, thời bao cấp khó khăn, mẹ rời quê vào ở với vợ chồng tôi một thời gian. Đó là thời anh chị em làm hợp tác xã nông nghiệp ở quê cũng khổ, mà cán bộ Nhà nước, nhất làm làm giáo viên như tôi lại càng thêm khổ. Nhưng rồi mẹ con nương tựa vào nhau, rau cháo qua ngày. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chẳng thể quên hình ảnh mẹ lom khom ngồi nhặt những hạt cơm mà vợ tôi vô tình rửa xoong nồi thả trôi theo dòng nước. Mẹ nhặt để phơi khô, vì cũng như muôn người mẹ Việt Nam truyền thống, “hạt cơm là hạt ngọc trời ban”, vì vậy, phải biết nâng niu, trân trọng cho dù là cơm thừa hay cơm nguội. Cũng đến bây giờ, mỗi lần vợ tôi mua cá trao tráo (bã trầu) về ăn, cứ cầm đũa lên là lòng tôi lại rưng rưng, thương nhớ mẹ đến nao lòng.

Những ngày mẹ ở cùng gia đình tôi, cứ có cá trao tráo, vợ chồng tôi thường lấy đũa cào lớp vảy bỏ đi. Mẹ tuyệt đối không cho mà giành lấy ăn một cách ngon lành. Vợ chồng tôi lấy làm lạ, mẹ bảo: vợ con ít thích ăn cá, nên thôi, chứ con cứ thử ăn đi, rồi sẽ ghiền cho mà xem. Tôi vâng lời mẹ, ăn theo. Quả không sai, lớp da vảy cá trao tráo rất béo và thơm (tất nhiên, chỉ ngậm vào miệng, mút hết nước, còn phần vảy thì nhả ra chứ không nuốt vảy). Giờ lớn tuổi rồi, tôi vẫn mê cá trao tráo vì lẽ đó. Còn một bí mật nữa, cái đầu cá, nhất là phần óc, tròng mắt và cái xương sống của cá trao tráo cũng rất đặc biệt. Ăn rất bùi, rất thơm, mềm và béo, nhất là phần tủy của đốt sống con cá mái sau thời kỳ đẻ trứng. Ai không tin cứ thử ăn rồi sẽ biết. Bài học từ mẹ, giờ ngồi ăn cứ sụt sùi nhớ mẹ.

Mẹ hy sinh trọn vẹn cả một đời vì chồng, vì con, bao cơ khổ dường như mẹ âm thầm gánh lấy. Con người, thời tuổi trẻ còn rất vô tư, nhưng khi đã trưởng thành, làm cha, làm mẹ, mới càng thấm hết đức hy sinh của đấng sinh thành. Ngày báo hiếu Vu Lan, tất nhiên không chỉ báo hiếu riêng cho cha mẹ mà với tất cả ông bà, tổ tiên kể cả người còn sống và những người đã khuất; nhưng từ trong sâu thẳm mỗi người, lòng vẫn thầm hướng vọng nhiều hơn về người mẹ của mình.

MAI BÁ ẤN

;
;
.
.
.
.
.