Chào năm học mới

.

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Điều này càng khẳng định sâu sắc quan điểm xem giáo dục và đào tạo là "quốc sách hàng đầu", là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

Học sinh Trường THCS Trần Quang Khải trong ngày khai giảng năm học mới 2024-2025. Ảnh: L.P
Học sinh Trường THCS Trần Quang Khải trong ngày khai giảng năm học mới 2024-2025. Ảnh: L.P

Hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, quán triệt chỉ đạo từ các cấp, ngành, sự lãnh đạo trực tiếp và tập trung của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố, ngành giáo dục và đào tạo, các trường và địa phương nghiêm túc triển khai nhiệm vụ từng năm học. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, xác định các nhiệm vụ trọng tâm ở mỗi cấp, nhất là đối với các lớp mẫu giáo trên địa bàn, có biện pháp cụ thể và quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Cùng với thành tích chung, ngành giáo dục và đào tạo thành phố những năm gần đây đạt những kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là bảo đảm duy trì chất lượng dạy và học, nhất là sau thời gian Covid-19 bùng phát; hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp trong tất cả các cấp và các địa phương. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ đi học trong độ tuổi tiểu học trên địa bàn thành phố đạt 100%.

Đây là kết quả nổi bật trong điều kiện đội ngũ giáo viên tại nhiều trường chưa ổn định, đặc biệt những khó khăn sau dịch và điều kiện cơ sở hạ tầng tại các xã nông thôn, vùng biển… Đội ngũ cán bộ, quản lý và giáo viên của thành phố cơ bản bảo đảm về số lượng và cơ cấu.Đà Nẵng là một trong số ít địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao. Công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, quản lý và giáo viên thường xuyên được quan tâm, chú trọng.

Việc xây dựng kế hoạch giáo dục và đào tạo của từng nhà trường, kế hoạch dạy cho từng môn học, hoạt động giáo dục chính và phụ khóa phù hợp điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, đáp ứng yêu cầu chung của chương trình giáo dục phổ thông. Ngành giáo dục và đào tạo tổ chức nhiều hoạt động dạy học, giáo dục phát triển năng lực thể chất cho học sinh; đa dạng hóa các hình thức học tập, tăng cường giáo dục kỹ năng sống; có nhiều mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, phát triển toàn diện học sinh. Các cơ sở giáo dục được tập trung đầu tư, đến nay hầu hết các trường trên địa bàn được bảo đảm nguồn ngân sách xây dựng mới, tu bổ và hoàn chỉnh các điều kiện bổ trợ, nhất là chủ động, linh hoạt trong việc giáo dục thể chất và kỹ năng hoạt động cho học sinh.

Mới đây, yêu cầu phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho Đà Nẵng. Điều này đòi hỏi mỗi ngành, mỗi địa phương cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và nhất là có quyết tâm chính trị mới, yêu cầu này cũng đặt ra những thách thức mới cho ngành giáo dục và đào tạo. Trước hết và quan trọng nhất là mỗi thầy cô, mỗi trường học ý thức sâu sắc hơn nữa sứ mệnh sư phạm của mình.

Ngành giáo dục và đào tạo tự hào về những kết quả đạt được, nhưng cũng phải suy nghĩ về những mặt chưa làm được như mong mỏi của phụ huynh và lãnh đạo các cấp. Thu ngân sách và các lợi thế tự nhiên của thành phố không thể bằng các thành phố lớn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đạt một tỷ lệ thi tốt nghiệp trung học loại giỏi cao hơn kết quả hiện nay. Các trường phổ thông trung học có thể thảo luận một cách cụ thể và thẳng thắn về kết quả những năm vừa qua, đề xuất yêu cầu và biện pháp dạy và học phù hợp hơn nữa. Mục tiêu là năm học mới này, sẽ cải thiện thứ tự kết quả thi tốt nghiệp, nhất là các môn học chính.

Đà Nẵng có nhiều chính sách về giáo dục và đào tạo liên quan đến hỗ trợ người học, trong đó đặc biệt là chính sách miễn, giảm học phí được cả nước đánh giá cao và làm theo. Việc tập trung cải tạo, xây dựng mới trường, lớp cơ bản hoàn thành. Hầu hết cơ sở học tập được nâng cấp khang trang, tình trạng tạm bợ chấm dứt, điều kiện học tập được chú ý đầu tư. Thông qua các tổ chức đoàn và đội, nâng cao chất lượng sinh hoạt, nhất là xây dựng hoài bão, ý thức công dân, trách nhiệm của người đoàn viên trong việc hình thành lý tưởng và kỹ năng sống. Nhà trường là nơi quan trọng nhất hình thành nên nhân cách, cho nên đòi hỏi sự tận tụy giảng dạy của thầy cô. “Thân giáo - lấy mình làm gương để dạy người” bao giờ cũng có ý nghĩa hàng đầu trong việc hình thành ý chí, lòng tự trọng và nhất là tinh thần ham học hỏi nơi học sinh.

Các nhiệm vụ và mục tiêu nhằm phát triển Đà Nẵng nói chung đều không tách rời yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục. Sẽ không có những kỹ sư công nghệ, kỹ sư vi mạch bán dẫn đạt trình độ cao nếu ngành giáo dục không cung cấp các sinh viên thật sự giỏi cho trường đại học. Một Đà Nẵng hiện đại, năng động với khát vọng trở thành thành phố mang yếu tố đô thị thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế… điều này cũng có nghĩa ngay từ bây giờ ngành giáo dục và đào tạo phải đi trước. Trong các yêu cầu, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành giáo dục và đào tạo bao giờ cũng là nhân tố có tính tiên quyết tạo nền tảng bền vững trong sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

HOÀNG SA

;
;
.
.
.
.
.