Ông bà ta thường nói “Nghề chọn người”. Với tôi, câu nói ấy có lẽ quá đúng. Năm 2004, tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), theo lời rủ rê của mấy người bạn, tôi cứ nhăm nhe xin về Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an), đóng ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) làm cán bộ dạy văn hóa. Khi ấy, do không chờ được thủ tục nên tôi quyết định rút lui. Vậy là, hành trình của tôi đến với nghề báo, đến với Báo Đà Nẵng như một cơ duyên trong cuộc đời.
Phóng viên Báo Đà Nẵng (bìa phải) và mạnh thường quân trao tiền hỗ trợ kinh phí điều trị cho gia đình cháu Pơloong Quốc Quân tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, năm 2017. |
Những ngày đầu làm báo
Thông qua mối quan hệ quen biết của ba tôi, người mà tôi biết đầu tiên ở Báo Đà Nẵng là bác Hơn (nhà báo Hà Thân Hơn, nguyên phóng viên Phòng Bạn đọc). Tôi còn nhớ như in buổi chiều năm 2005, khi tôi đến Phòng Bạn đọc Báo Đà Nẵng (số 42 Trần Phú) tìm gặp bác Hơn. Sau một hồi trò chuyện, bác cầm kẹp báo giấy đưa tôi rồi nói: “Mày viết báo lần nào chưa? Ngồi xem đi cho biết các thể loại tin, bài, coi thử viết được cái chi”.
Thú thật, dù học văn, nhưng chưa một lần viết báo, nên lúc ấy tôi rất lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Thấy tôi có vẻ lo lắng, bác Hơn động viên: Ban đầu mày tập làm chuyên mục “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” cộng tác với phòng. Cứ ra đường gặp bò thả rông, dây điện bùng nhùng, xe chở quá tải quá khổ, đổ rác bừa bãi… thì chụp hình viết tin phản ánh.
Ngày hôm sau, cầm chiếc máy ảnh du lịch chụp bằng phim, tôi rong ruổi trên các ngã đường để “săn tin”. Khi đến gần cổng Bệnh viện Đà Nẵng trên đường Quang Trung, bắt gặp một người đàn ông đạp xích lô chở chiếc quan tài phía trước che khuất mặt. Thi thoảng người này phải nhướn người lên khỏi quan tài để nhìn đường, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Như “chộp” được vàng, tôi phi ra trước đầu xe xích lô chụp liền vài tấm rồi đi rửa ảnh, viết mẩu tin “Chở đồ cồng kềnh, khuất tầm nhìn” gởi cho Phòng Bạn đọc với hy vọng “tác phẩm” đầu tay sẽ được đăng báo. Và mấy ngày sau, bác Hơn gọi điện nói ngắn gọn: “Cái tin mày được đăng rồi. Hình như được 35.000 đồng nhuận bút”.
Nghe xong cuộc điện thoại, người tôi như đang trên mây, cảm xúc lâng lâng, sung sướng đến khó tả. Tôi tức tốc chạy đến tòa soạn, và trong ngày hôm ấy, tôi cầm bản tin của mình đọc đi đọc lại hàng chục lần vì sung sướng, lòng đầy tự hào vì lần đầu tiên trong đời mình làm ra tiền.
Sau một thời gian chỉ tập trung cho chuyên mục "Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị", được sự động viên của bác Hơn, chú Trần Văn Diệu (Trưởng Phòng Bạn đọc) tôi chịu khó tìm tòi các vấn đề tồn tại trong đời sống xã hội để viết các bài phản ánh, các bài điều tra đăng trên trang Bạn đọc của Báo Đà Nẵng. Lúc này, tôi trở thành cộng tác viên thường xuyên của báo.
Niềm vui vỡ òa!
Năm 2006, về thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) tìm đề tài, tôi nghe Trưởng thôn Trường Định Võ Văn Thành kể khổ: Vùng đất này là cái nôi cách mạng, nhân dân anh dũng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây có nhiều gia đình chính sách… nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Thôn Trường Định như một “ốc đảo” do không có cầu bắc qua sông Cu Đê, mùa mưa bão bị cô lập hoàn toàn do nước ngập tứ phía. Mong ước lớn nhất của người dân là có một cây cầu bắc qua sông Cu Đê để thuận lợi trong việc đi lại. Sau khi thu thập đầy đủ tư liệu, gặp nhân chứng, tôi thực hiện bài viết “Nỗi buồn ốc đảo Trường Định” đăng trên chuyên mục Bạn đọc của Báo Đà Nẵng.
Ngay trong buổi chiều báo đăng, chú Trần Văn Diệu gọi điện gấp gãy: "Mi chạy đến phòng chú gấp, có việc liên quan đến bài báo của mi". Nghe vậy, tôi sợ toát mồ hôi, trong đầu cứ nghĩ miên man là bài báo có sai sót gì do tư liệu được cung cấp không chính xác… Khi gặp, chú Diệu hỏi thông tin trong bài báo có chính xác không? Tôi sợ sệt lí nhí: Dạ thôn, xã, người dân cung cấp bảo đảm chính xác. Lúc này, Trưởng phòng Bạn đọc xoa đầu tôi cười hiền: "Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh mới gọi điện qua hỏi báo là nội dung bài viết đúng không, đồng thời nói sẽ cho các cơ quan chức năng đi kiểm tra để đầu tư xây dựng một cây cầu bắc qua thôn Trường Định".
Đang sợ sệt, lo lắng, nghe vậy tôi thở phào nhẹ nhõm, vui mừng khôn xiết. Vui vì không chỉ giải tỏa những lo lắng, căng thẳng trong lòng, mà còn mừng hơn vì bài báo của mình có tác động xã hội, được cả Bí thư Thành ủy quan tâm. Quá oách!
Với niềm hân hoan trong lòng, tôi gọi điện báo ngay cho anh Võ Văn Thành là thành phố sẽ đầu tư xây dựng một cây cầu bắc qua sông Cu Đê nối liền thôn Trường Định và đường ĐT601. Nhưng tin vui thường lan nhanh, anh Thành cười lớn trong điện thoại: "Bà con trong thôn biết hết rồi, mừng lắm. Thay mặt bà con, anh cám ơn em và Báo Đà Nẵng nhiều". Và sau thời gian đầu tư xây dựng, ngày 2-9-2011, cầu Trường Định được khánh thành trong niềm vui mừng của người dân thôn Trường Định nói riêng và xã Hòa Liên nói chung.
Sau bài báo “Nỗi buồn ốc đảo Trường Định” ấn tượng nhớ đời, tôi vẫn miệt mài cộng tác với chuyên mục Bạn đọc của báo với những tin, bài chất lượng và bảo đảm độ chính xác tuyệt đối của thông tin. Và vui mừng hơn cả, cũng trong năm 2006, Ban Biên tập Báo Đà Nẵng nhận tôi vào làm phóng viên chính thức tại Phòng Văn hóa - Xã hội. Hồi ấy, mức phụ cấp được hưởng 300.000 đồng/tháng, nhưng được làm phóng viên của một tờ báo Đảng uy tín như Báo Đà Nẵng, những bài viết của báo có tác động xã hội mãnh mẽ, bản thân tôi, cũng như các đồng nghiệp cùng trang lứa rất đỗi tự hào.
Được thành phố đầu tư xây dựng, năm 2011 cây cầu bắc qua sông Cu Đê khánh thành, từ đó đời sống của người dân thôn Trường Định thay đổi, nơi đây không còn là "ốc đảo" trong mỗi mùa mưa bão. Ảnh: N.Đ |
Cầu nối sẻ chia với người nghèo
Sau thời gian công tác ở phòng Văn hóa - Xã hội, năm 2016, tôi được Ban Biên tập điều động, bổ nhiệm Phó trưởng Phòng Bạn đọc. Được trở về với “cái nôi” nuôi dưỡng mình đến với nghề báo, tôi tự nhủ sẽ nỗ lực hết mình để làm tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần đưa tiếng nói của Báo Đà Nẵng đến gần hơn nữa với bạn đọc.
Đêm 10-5-2017, đang chập chờn trong giấc ngủ, tôi nhận được điện thoại của người bạn là bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng với giọng thảng thốt: "Chiều nay khoa em tiếp nhận một bệnh nhi người Cơ tu ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) bị hoại tử 2 chân, chắc phải cắt cụt. Gia đình cháu quá nghèo, anh có cách gì giúp cháu viện phí để chữa trị". Nhìn hình ảnh cháu bé Pơloong Quốc Quân với đôi chân bị hoại tử do nhiễm trùng huyết, thú thật tôi không cầm được nước mắt.
Sau đó, tôi trao đổi phóng viên Nguyễn Trọng Huy thực hiện bài viết “Bé trai người dân tộc Cơ tu cần giúp đỡ” đăng ở chuyên mục Địa chỉ cần giúp đỡ số báo ra ngày 12-5-2017, nêu trường hợp khó khăn của cháu và gia đình với mong muốn được bạn đọc chia sẻ, hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh. Và thật bất ngờ, thông qua Báo Đà Nẵng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm kịp thời giúp đỡ kinh phí cho cháu thực hiện ca phẫu thuật thành công. Hạnh phúc hơn, trong gần 2 tháng Pơloong Quốc Quân điều trị tại bệnh viện, bạn đọc trong và ngoài thành phố hỗ trợ cháu tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Với kết quả này, cả cơ quan khi ấy ai cũng vui mừng, hạnh phúc khi báo làm cầu nối hiệu quả để giúp đỡ cháu bé và gia đình qua cơ hoạn nạn.
Ngày cháu Pơloong Quốc Quân trở về quê, qua mối quan hệ quen biết, tập thể Phòng Bạn đọc xin cho cháu 1 chiếc xe lăn làm phương tiện đi lại. Trước sự chu đáo, tận tâm của cán bộ, phóng viên Báo Đà Nẵng, anh Pơloong Thơi (bố cháu Pơloong Quốc Quân) bật khóc, nói: “Gia đình tôi cám ơn Báo Đà Nẵng nhiều lắm! Nhờ báo mà gia đình nhận được nhiều tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ của mọi người trong thời gian vừa qua. Tôi hứa sẽ dùng số tiền có được để lo cho con ăn học, giúp cháu vượt qua mặc cảm tật nguyền, hòa nhập cuộc sống sau này”.
Sau câu chuyện về trường hợp cháu Pơloong Quốc Quân, nhiều bạn đọc tìm đến Báo Đà Nẵng nhờ hỗ trợ, giúp đỡ. Trong đó, ấn tượng nhất là câu chuyện của mẹ con chị Trương Thị Loan (SN 1970, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê). Sáng 20-7-2017, chị Loan dẫn theo con trai Trương Văn Hậu (SN 2010) đến Phòng Bạn đọc “ăn vạ”. Chị Loan sụt sùi kể, chị là mẹ đơn thân có 3 con. Cách đây mấy năm, cháu đầu bị bệnh mất; cháu kế tiếp 15 tuổi đã nghỉ học, đi bán vé số; cháu út Trương Văn Hậu sống với chị.
Năm 2014, trong một lần đi lấy rau ở chợ đầu mối Hòa Cường, chị bị tai nạn giao thông, vỡ xương chậu. Năm 2015, trong lúc bán tăm ở chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), chị bị tai nạn giao thông một lần nữa khiến đầu gối bị vỡ, đứt dây chằng. Sau tai nạn lần thứ hai này, mỗi lần bước đi, chị Loan phải kẹp nạng hoặc cháu Trương Văn Hậu dìu đỡ thì mới lê chân được. Chị Loan cho biết, nhà chị trước đây ở phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) nhưng bị giải tỏa, số tiền nhận đền bù đã trang trải chi phí cho những lần gặp tai nạn. Mấy năm qua, cuộc sống khó khăn, mẹ con chị thuê nhiều chỗ trọ... Cũng vì không có chỗ ở ổn định nên 2 năm qua, cháu Hậu không xin được vào lớp 1.
Sau khi nghe phóng viên Báo Đà Nẵng trình bày hoàn cảnh của gia đình chị Loan, sáng 20-7-2017, ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê quyết định giải quyết cho cháu nhập học tại Trường Tiểu học Lê Quang Sung năm học 2017-2018. Không chỉ vậy, ban giám hiệu nhà trường còn đồng ý hỗ trợ tiền ăn bán trú cho cháu Hậu suốt 5 năm học tại trường. Xong chuyện đi học của cháu Hậu, phóng viên Phòng Bạn đọc tiếp tục thực hiện bài viết “Con được đi học, mẹ khóc vì quá ngặt nghèo” đăng trên số báo ra ngày 22-7-2017. Và cũng thông qua Báo Đà Nẵng, bạn đọc hỗ trợ giúp đỡ cho mẹ con chị Loan gần 100 triệu đồng. Vui mừng hơn, ngày 8-8-2017, UBND thành phố có quyết định đặc cách cho mẹ con chị thuê căn hộ chung cư ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ). Và mẹ con chị sinh sống ổn định từ đó cho đến nay.
Thời gian như thoi đưa, mới đó mà đã thấm thoát gần 20 năm tôi ở ngôi nhà đầy ắp yêu thương - Báo Đà Nẵng! Dù quãng thời gian lăn lộn với nghề báo chưa nhiều so với đồng nghiệp, nhưng tôi chợt nhận ra rằng: Người với người hay người với nghề, nếu không có tình yêu, sự say mê mãnh liệt, chân tình thì khó mà tồn tại lâu bền!
NGỌC ĐOAN