Nuôi dưỡng ước mơ qua đài cát-sét

.

Tan tầm. Trong bóng chiều nhập nhoạng, chạy xe qua con hẻm nhỏ, bỗng từ đâu giọng đọc quen thuộc phát ra từ chiếc đài radio: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”. Chao ôi! Ký ức cả bầu trời tuổi thơ bỗng ùa về.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chẳng biết tự bao giờ, chiếc đài cát-sét hiệu Sony luôn nằm trang trọng trên chiếc tủ búp-phê giữa phòng khách của ông bà tôi. Qua lời ông kể, sau khi đi bộ đội và xuất ngũ, ông được Nhà nước hỗ trợ phụ cấp một số tiền. Ông dành dụm số tiền đó và làm lụng gom góp thêm để mua chiếc cát-sét của Nhật với giá hơn 2 chỉ vàng, một món tiền khá lớn thời bấy giờ.

Âm thanh từ chiếc đài cát-sét rất to rõ, ngân vang từ phòng khách xuống nhà bếp, lan ra cả ngoài sân, mọi người dù đang ở đâu, làm gì cũng đều nghe được thông tin trên đài. Giữa chiếc đài là hai cây ăng-ten có thể linh hoạt kéo lên xuống, quay qua trái phải để thu tín hiệu, bắt sóng. Tôi thích nhất là được rà đài trên sóng FM, bắt trúng được chương trình yêu thích thì còn gì vui sướng bằng.

Mỗi sáng và mỗi chiều tối, đài phát sóng chương trình thời sự, ông tôi luôn vặn loa ở mức to nhất để các cụ già, cô chú hàng xóm đi tập thể dục, quét tước sân vườn xung quanh có thể nghe đài để cập nhật những thông tin mới nhất. Giọng đọc của các anh chị biên tập viên mỗi người mỗi vẻ nhưng đều mượt mà, trầm bổng theo những nhịp cảm xúc, cứ thế êm dịu đi vào lòng người.

Mỗi cuối tuần, ông thường giục bà tôi dọn cơm sớm, cả nhà ăn bữa tối chóng vánh để còn đón khách. Khách ở đây là chòm xóm, là mấy đứa trẻ con trong xóm nhỏ đổ hết về nhà ông bà tôi. Ông tôi kê hai cái ghế đẩu dài ngoài sân, trải thêm chiếu dưới đất để bà con có chỗ ngồi thoải mái. Bởi vì, chương trình cuối tuần của đài toàn những nội dung hấp dẫn, từ ca nhạc tạp kỹ thiếu nhi cho mấy đứa nhỏ đến cải lương, chèo tuồng, phim truyện cho người lớn.

Chỉ nghe âm thanh từ đài, đôi lúc âm thanh bị rè do tín hiệu chập chờn mà xóm tôi đều nhớ giọng ca cải lương của Bạch Tuyết, Thoại Mỹ, Út Bạch Lan, Minh Vương, Kim Tử Long… chỉ cần họ cất giọng là biết ngay ai đang ca. Những tháng ngày đó, bà con chòm xóm như gắn kết hơn, vừa nghe đài vừa ngồi kể cho nhau nghe những chuyện buồn vui trong cuộc sống đời thường.

Nhờ nghe đài cát-sét của ông, tôi biết được thế giới thật rộng lớn, đất nước có nhiều cảnh đẹp, nhiều nền văn hóa đa dạng. Thế là, trong tôi dần dần ấp ủ, nuôi dưỡng ước mơ được đi xa, được đến khám phá nhiều vùng đất khác nhau. Mỗi lần, hai ông cháu ngồi nghe đài, ông đều xoa đầu, khích lệ tôi: “Cháu cố gắng học giỏi. Học giỏi, mai sau cháu sẽ được đi nhiều nơi”. Quả thật, ước mơ ngày thơ bé đã nảy mầm, đã bay cao thành quả ngọt mai sau từ chiếc đài cát-sét nơi xóm thôn nghèo.

Tôi nhớ, năm đó nghe đài báo chuẩn bị có bão lũ đổ bộ vào miền Trung. Ông tôi thông báo khắp làng trên xóm dưới, mọi người gia cố lại nhà cửa cẩn thận. Nền nhà của gia đình tôi thấp hơn mặt đường nên đã vội vã chuyển đồ đạc lên căn gác lửng. Đêm đó bão đổ bộ, lũ thốc tháo tràn về. Bốn bề mênh mang trắng xóa trong biển nước. May mắn vì đã chuẩn bị từ sớm nên xóm tôi không thiệt hại nhiều về người và của. Ngắm nhìn trìu mến chiếc đài được ông cẩn thận phủ lên tấm vải điều nơi góc căn gác, tôi thầm biết ơn sâu sắc đến người bạn nhỏ của gia đình.

Sau này, những chiếc tivi màu ra đời. Các phương tiện giải trí ngày càng hiện đại gắn liền với những chiếc smartphone, máy tính… Người ta dường như dần lãng quên những chiếc đài radio xưa cũ. Ấy thế, với tôi, chiếc đài cát-sét của ông tôi không đơn thuần là một vật dụng giải trí mà nó là cả thế giới tuổi thơ diệu kỳ. Và, từ đấy, những ước mơ đẹp đẽ được dung dưỡng để cất cánh bay cao.

LÊ Y PHA

;
;
.
.
.
.
.