Pháp, ở đây là pháp luật. Mà, cái gốc của nó (cũng như nhiều định chế xã hội khác), là văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng. Thử giở lại sách cổ, thì sẽ thấy, hình phạt giam tù ở Trung Hoa cổ có sự “tự giác” khá cao. Một cách xử phạt vào thời ấy như sau: Tù nhân được nhốt trong một… cái vòng tròn vạch trên mặt đất, cai tù là một cây gậy đặt bên cạnh. Hình phạt này chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn. Sang thời Chiến Quốc, xã hội rối ren, các cách cai trị mang tính chất vương đạo (nhân từ, khoan dung) không phù hợp nữa.
Các chủ trương - trường phái - học thuyết chính trị nở rộ, mà về sau, các sử gia gọi đó là thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử triết học Trung Hoa. Đó là các trường phái lớn, như phái Đạo gia với ba đại diện tiêu biểu: Lão Tử, Trang Tử, Dương Tử; phái Mặc gia (cuối thời Xuân Thu - đầu Chiến Quốc) do Mặc Địch chủ trương; phái Âm Dương gia với người khai sáng là Trâu Diễn…
Xã hội càng phát triển thì việc sử dụng thần quyền (như một biện pháp răn đe) vào việc cai trị không còn hiệu quả. Trước kia, để bảo vệ rừng, chỉ cần dựng lên cái am nhỏ là đã khiến cho lâm tặc run tay. Nhưng, đến khoảng vài trăm năm trở lại đây, thì vua Pierre đệ I ở nước Nga đã phải ra lệnh đánh đòn kẻ đốt lửa gần gốc cây sồi. Còn ở Thái Lan thì bọn đốn trộm gỗ giá tỵ (cây sao) phải chịu hình phạt chặt tay. Có vẻ cách trừng phạt như vậy thật khắc nghiệt, nhưng chính nhờ vậy mà mới giữ được cho hai loài cây quý tồn tại.
Nhìn trên toàn thế giới hiện nay, khi những biểu hiện xấu của chủ nghĩa cá nhân đang tràn lấn và được che giấu dưới chiêu bài tự do - dân chủ, nếu không “vững tay” trong việc thực thi pháp luật, thì các thế lực tội ác, trong cuộc truy lùng đồng tiền và quyền lực chỉ riêng cho nó, sẽ đẩy loài người đến đâu?
Giờ đây, thật dễ buồn lòng trước không ít sự ngổn ngang diễn ra ngày ngày, ví như hát karaoke thủng lỗ nhĩ, xả rác “vô tư” trên bãi biển và hàng lô hàng lốc chuyện nhỏ-nhít khác!? Những người “vô tư” sẽ… phẩy tay, buông hai tiếng: chuyện vặt! Đúng là chuyện lặt vặt! Nhưng văn minh là gì nếu thái độ và cách hành xử không thông qua những biểu hiện nhỏ bé đó? Và kết tinh của văn hóa phải chăng, chính là những phản xạ tự nhiên của con người trong ứng xử hằng ngày? Nói khác, phản ứng giao tế chính là tập thành của trình độ văn hóa ở những cấp độ khác nhau.
Trở lại với “chuyện vặt” như đã nêu trên, thì thử hỏi nếu không “tập luyện” những chuyện nhỏ ấy, thì khó có thể gọi là văn minh? Mà cả xã hội đều phải tập. Như thế, phải cần đến luật pháp. Để hai tiếng “cảm ơn - xin lỗi” đơn giản trở lại trên môi, có khi phải mất vài chục năm!? Để việc “xử lý nội bộ” trước đây vắng dần, hẳn nhiên cần đến sự nghiêm minh của luật pháp. Được vậy, sẽ bớt dần những Trương Mỹ Lan, Tân Hoàng Minh, FLC… Đó là kết quả của những nỗ lực từ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Người dân Việt lương thiện đã ủng hộ và tin tưởng công cuộc “đốt lò” đang được tiến hành mạnh mẽ.
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là, ở không ít người, vẫn tồn tại cách nghĩ của con đà điểu giấu đầu vào đôi cánh, cố tình làm ngơ trước bão cát! Nghĩa là, chưa thể bằng lòng với những kết quả đã có, mà cần tiếp tục kiên quyết hơn nữa, dù ai cũng biết rằng, yếu tính của pháp luật là văn hóa, nghĩa là nó gắn chặt với ý niệm về một quá trình, đòi hỏi yếu tố thời gian.
Tuy nhiên, điều này đồng thời cũng có nghĩa, ai cũng đều biết rằng không thể nóng vội, nhưng nếu diên trì, thì đến một lúc, sẽ khó có thể làm được điều gì tốt đẹp; đơn giản chỉ vì đó là những việc đòi hỏi phải có thời gian. Nhớ lại nhiều năm trước, dường như cả xã hội đều tán thưởng bộ phim nhiều tập Bao Thanh Thiên trên màn ảnh nhỏ. Và, dường như ai ai cũng đều nhất trí, rằng những vị quan như Bao Công chỉ có thể xuất hiện và thực thi luật pháp có hiệu quả trong giai đoạn Nho giáo thiết lập được những kỷ cương vững chắc ở Trung Hoa.
Có thể nhớ lại-chiêm nghiệm-vận dụng câu nói của nhà tư tưởng Hàn Phi Tử (280-233 trước Tây lịch) vào những vấn đề thời sự hiện nay: Tin tưởng mà không có lý luận là cái mạnh của kẻ yếu. Phủ nhận mà thiếu phân biệt là cái yếu của kẻ mạnh. Để hiểu sâu sắc rằng, văn hóa, trong một khuôn khổ nhất định nào đó, chính là pháp trị. Và ngược lại, ở một thời nào đó, đòi hỏi của lịch sử đã đặt pháp trị lên thành văn hóa.
Và, nền tảng vững chắc, lâu bền nhất không gì khác hơn là: Sự đoàn kết của nhân dân và tầm nhìn xa của hệ thống chính trị về mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân.
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT